Động lực phát triển khu vực kinh tế tư nhân

16:10' - 15/03/2019
BNEWS Các doanh nghiệp tư nhân nói riêng và khu vực kinh tế tư nhân nói chung đang đứng trước rất nhiều áp lực cạnh tranh và những vấn đề khó khăn nội tại.
 
Động lực phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Ảnh: Ngọc Quỳnh/Bnews-TTXVN

Sáng 15/3 tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức diễn đàn "Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam 2019" với sự tham gia của đại diện nhiều viện nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, trong bối cảnh nhiều đổi thay của kinh tế thế giới, đặc biệt là trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang hiện hữu và nhiều tác động mạnh mẽ tới các khu vực kinh tế như hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân nói riêng và khu vực kinh tế tư nhân nói chung đang đứng trước rất nhiều áp lực cạnh tranh và những vấn đề khó khăn nội tại.

Vậy làm sao để khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân phát triển; trong đó, nhất là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nhiều đại biểu đã bày tỏ quan điểm và ý kiến đề xuất nhiều giải pháp liên quan tới tín dụng, chính sách hỗ trợ về vốn, thuế, đất đai, thủ tục hành chính...

Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019 và 2020, ông Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố thông tin về việc điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới từ mức 3,7% xuống chỉ còn 3,5%-3,6%. Việc điều chỉnh này xuất phát từ lo ngại tác động của việc cắt giảm thuế quan ở Mỹ và Trung Quốc, cùng các lo ngại khác ở Đức về phát thải ô tô hay khủng hoảng ở Italy và Thổ Nhĩ Kỳ...

Tuy nhiên, kinh nghiệm và các yếu tố liên quan khác cũng cho thấy những e ngại hay tác động khách quan sẽ không ảnh hưởng trầm trọng tới Việt Nam, ông Sang phân tích. Hiện đã có động thái của việc chuyển dịch một số nhà máy từ Trung Quốc hay từ Mỹ sang Đông Á; trong đó, có Việt Nam. Điều này sẽ giúp Việt Nam tham gia rộng hơn, sâu hơn vào chuỗi giá trị.

Đánh giá triển vọng tăng trưởng GDP Việt Nam trong giai đoạn 2019-2020, ông Sang cho hay, Việt Nam đang có nhiều lợi thế trước những tác động của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Cùng với đó, âm hưởng của cuộc hội nghị thượng đỉnh giữa hai lãnh đạo tối cao của Mỹ và Triều Tiên vừa qua cũng đem lại nhiều lợi ích cho khu vực bán lẻ, đầu tư, du lịch....

Ngoài ra, các nhà máy như: Nghi Sơn, Formosa, Đạm Cà Mau đang ở vị thế khai thác ổn định...cùng các điều kiện về thời tiết, khí hậu, vị trí địa lý và tinh thần lạc quan của doanh nghiệp là lợi thế cho Việt Nam.

Đề cập tới một số giải pháp phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần nhận diện chính xác xu hướng và bối cảnh phát triển mới và tác động tới xu hướng phát triển của các lực lượng kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp.

Cùng với đó, khẩn trương xây dựng khung pháp lý nền tảng cho sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp Việt cho giai đoạn phát triển mới với nền tảng là doanh nghiệp tư nhân và trục cốt lõi là các tập đoàn kinh tế. Định vị theo đúng nguyên tắc thị trường - hiện đại với vai trò, chức năng của từng thành phần, lực lượng kinh tế....

Xuất phát từ thực tiễn, bà Vũ Thị Vân Phượng, Chủ tịch HĐQT, Công ty cổ phần VietRap đề xuất, vấn đề tiếp cận vốn ngân hàng là điều kiện cốt lõi, nhất là doanh nghiệp đó càng minh bạch càng tốt trong hoạt động kinh doanh của mình. Doanh nghiệp cần chuẩn bị và làm quen với điều kiện ngân hàng có sự đồng nhất với doanh nghiệp và chuẩn chỉnh về số liệu tài chính. Gần đây, nhiều ngân hàng đã nhận ra tiềm năng của các doanh nghiệp nên đã có cách tiếp cận mở hơn với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Hy vọng, thời gian tới việc tiếp cận vốn sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn.../.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục