Khuyến nghị cho giải pháp tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai

15:36' - 14/11/2024
BNEWS Ngày 14/11, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phối hợp UNDP tổ chức hội thảo "Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam"
Ngày 14/11, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phối hợp UNDP tổ chức hội thảo "Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam" nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về các giải pháp tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai; thảo luận thực trạng quản lý tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai trong nước; nhận diện những thách thức, khó khăn và đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai, góp phần tăng cường khả năng ứng phó và phục hồi sau thiên tai.

Theo các chuyên gia thiên tai và những thiệt hại do thiên tai gây ra đang có xu hướng gia tăng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, đặc biệt dưới những tác động của biến đổi khí hậu.

 
Báo cáo tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại Baku, Azerbajan (khai mạc ngày 11/11, COP29), tổng chi phí thiệt hại do các hiện tượng thời tiết cực đoan toàn cầu liên quan biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2014-2023 là 2000 tỷ USD, bằng thiệt hại kinh tế từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tiêu biểu mới đây nhất là Bão Helene và bão Milton (tháng 10/2024 ở Mỹ) đã gây thiệt hại lên tới 50 tỷ USD mỗi cơn bão và là 2 trong 8 cơn bão gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử 45 năm.

Theo bà Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Việt Nam là một trong các quốc gia chịu nhiều hiểm họa thiên tai, với các loại hình như bão, lũ, lốc xoáy và biến đổi khí hậu với các hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường… ngày càng gia tăng về tần suất và mức độ thiệt hại. Những thảm họa này không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 
 
Thiên tai tại Việt Nam trong những năm gần đây đã gây ra thiệt hại lớn, làm giảm GDP từ 1 - 1,5%. Trong đó, tổn thất trực tiếp do bão và lũ ở Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực  Đông Nam Á, chỉ sau Myanmar và Philippines. Siêu bão Yagi xảy ra tháng 9/2024 ở Việt Nam cũng là một trong những cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Đông, 70 năm trên đất liền đã gây thiệt hại lớn. 

Để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, bà Lê Thị Thùy Vân cho biết, Việt Nam đã và đang huy động đa dạng các nguồn lực tài chính khác nhau như: Dự phòng ngân sách nhà nước, quỹ dự trữ tài chính, dự trữ Nhà nước, bảo hiểm nông nghiệp, tín dụng ngân hàng, quỹ phòng chống thiên tai và đóng góp tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi nguồn lực tài chính vẫn chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách các cấp. Khi thiên tai xảy ra, ngân sách địa phương hầu như không đảm bảo, phải nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương. Dữ liệu và thông tin toàn diện về tài chính rủi ro thiên tai vẫn còn thiếu. Năng lực tài chính hiện nay của Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng 21% nhu cầu tái thiết và khắc phục khẩn cấp. Theo đánh giá của WB (2018), nếu xảy ra thảm họa lớn, Việt Nam có thể bị mất trên 4% GDP. Trong vòng 50 năm, xác suất xảy ra một thảm họa gây tổn thất kinh tế 67 tỷ USD và tác động lên 39 triệu người là 40%.

Trong bối cảnh đó, việc tiếp cận một cách tổng thể, toàn diện các nguồn lực tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai là cần thiết. Việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế sẽ giúp định hướng và áp dụng những giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã cùng chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu từ các quốc gia như: Nhật Bản, Philippines, Colombia... trong việc xây dựng và triển khai chiến lược tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai. Những bài học này đã cung cấp những góc nhìn mới, giúp định hướng cho việc xây dựng các chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam

TS Nguyễn Thị Hải Đường, Khoa Bảo hiểm, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, tại Indonesia, từ tháng 10 năm 2018 đã công bố Chiến lược tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai quốc gia (DRFI). Ngân hàng Thế giới có sự hợp tác chặt chẽ với chính phủ Indonesia phát triển và thực hiện DRFI. Trong khuôn khổ DRFI, năm 2019, hoạt động bảo hiểm cho các tài sản của Chính phủ đối với các rủi ro thiên tai bắt đầu được thực hiện thử nghiệm theo lộ trình.

Theo TS Nguyễn Thị Hải Đường, bảo hiểm rủi ro thiên tai đã được công nhận là công cụ quan trọng phục vụ cho hoạt động quản lý rủi ro khí hậu. Đây còn là công cụ giúp tăng khả năng phục hồi của các chủ thể được bảo hiểm sau thiên tai. Hiện cộng đồng quốc tế và cá nhân mỗi quốc gia đang nỗ lực tìm kiếm mô hình và công cụ hiệu quả đáp ứng mục tiêu phục hồi sau thảm họa thiên tai tại mỗi nước, đặc biệt là các quốc gia đang pháp triển.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần áp dụng mô hình bảo hiểm thiên tai phù hợp. Bên cạnh đó, phát triển khung pháp lý và tài chính rủi ro thiên tai vững chắc, đẩy mạnh sự hợp tác giữa khu vực công và tư nhân trong bảo hiểm rủi ro thiên tai.

Đặc biệt, khi hoàn thiện chính sách tài chính cho thiên tai thì các ưu tiên cần lưu ý là xây dựng khung pháp lý, đánh giá rủi ro toàn diện, quản lý tài chính thiên tai theo các lớp rủi ro. Đồng thời, có các chiến dịch nâng cao năng lực và nhận thức của các bên liên quan.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục