Khuyến nông cộng đồng giữ vai trò chính trong đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

17:56' - 15/03/2024
BNEWS Ngày 15/3, tại Trà Vinh, đã diễn ra Hội thảo “Vai trò, nhiệm vụ của khuyến nông, khuyến nông cộng đồng trong Đề án một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp”.

Hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức.

 

Trên 200 đại biểu là lãnh đạo bộ, đại diện các vụ, viện, trung tâm thuộc Bộ, lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trung tâm khuyến nông 12 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tham gia.

Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/11/2023.

Mục tiêu của Đề án là hình thành được 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa.

Đồng thời, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc lần thứ 26 (COP26), hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Đề án triển khai tại 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (trừ tỉnh Bến Tre), chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (năm 2024 - 2025) tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp Bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000 ha.

Giai đoạn 2 (năm 2026 - 2030) xác định rõ vùng trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới, chủ yếu đầu tư cho những vùng diện tích mới trên cơ sở hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: Thực hiện đề án trên, bộ xác định chủ thể tham gia là hợp tác xã và lực lượng khuyến nông; trong đó, lực lượng khuyến nông cộng đồng đóng vai trò nòng cốt trong quá trình thực hiện. Khuyến nông đồng hành cùng nông dân, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất, tập huấn nâng cao năng lực và là cầu nối giữa nông  dân với doanh nghiệp.

Theo yêu cầu của đề án, hệ thống khuyến sẽ truyền thông nâng cao nhận thức, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa giảm phát thải; xây dựng các mô hình trình diễn, tập huấn cho các hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và các tổ chức của nông dân.

Đồng thời, tập huấn, chuyển giao cho hộ trồng lúa và hợp tác xã biện pháp canh tác bền vững, biện pháp xử lý rơm rạ, các kiến thức bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, kiến thức quản trị, kinh doanh, thị trường, chuyển đổi số.

Cùng đó, xây dựng hợp phần khuyến nông đào tạo, chuyển giao công nghệ cho phát triển sản xuất lúa phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, ưu tiên nâng cao năng lực cho tổ chức khuyến nông cộng đồng; hình thành và phát triển lực lượng cán bộ thực hiện nhiệm vụ đo đạc, báo cáo, thẩm định và cấp tín chỉ carbon.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát lại lực lượng khuyến nông cộng đồng trên địa bàn để kiện toàn, củng cố, đảm bảo đáp ứng tốt việc thực hiện đề án; ngành nông nghiệp rà soát, tham mưu cơ chế chính sách cho UBND tỉnh, như đội ngũ khuyến nông, cấp kinh phí củng cố hạ tầng, hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi…

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng thông tin các kế hoạch bộ cùng các đơn vị liên quan sẽ thực hiện trong thời gian tới như triển khai các cơ chế, chính sách thực hiện đề án; củng cố và tập huấn, nâng cao năng lực cho lực lượng khuyến nông cộng đồng; xây dựng đề án ứng dụng công nghệ số; kế hoạch huy động vốn tín dụng; đẩy mạnh truyền thông; ban hành quy trình canh tác bền vững, tiêu chí huy động doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đề án.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp  khảo sát chọn 5 điểm triển khai mô hình chuẩn triển khai từ vụ Hè Thu năm nay, tại các tỉnh, thành: Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang và Đồng Tháp. Đây là 5 địa phương với 5 loại thổ nhưỡng đặc trưng khác nhau để thí điểm về quy trình canh tác, cách đo đếm, tập huấn, nâng cao năng lực cho hợp tác xã…

Tại hội thảo, đại diện ngành nông nghiệp và trung tâm khuyến nông các tỉnh báo cáo thực trạng hoạt động của lực lượng khuyến nông địa phương, đề xuất nhiều ý kiến đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để củng cố lực lượng này nhằm thực hiện hiệu quả đề án. Trong số đó, phần lớn là kiến nghị về cơ chế chính sách để tạo nguồn thu duy trì các tổ khuyến nông cộng đồng, tăng cường đào tạo, nâng cao các kiến thức liên quan đến thực hiện đề án như công nghệ giảm phát thải, giám sát đo đạc MRV, tín chỉ carbon, quy trình canh tác bền vững…

Ông Nguyễn Viết Khoa, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, hệ thống khuyến nông Việt Nam đến thời điểm hiện tại khoảng 27.000 người; trong đó, số lượng cán bộ Trung ương và các tỉnh khoảng 1.650 người, cấp xã  khoảng 6.500 người, còn lại là cán bộ khuyến nông ở thôn, bản. Thực hiện Đề án trên, đến nay, 12 tỉnh vùng triển khai Dự án đã thành lập được hơn 900 tổ khuyến nông cộng đồng với trên 10.000 thành viên.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành kế hoạch hành động, các hợp phần của đề án để các đơn vị chủ động triển khai các nội dung công việc được phân công.

Bên cạnh đó, nhằm tạo nguồn lực để khuyến nông cộng đồng thực thi nhiệm vụ, đơn vị kiến nghị bộ xây dựng quy chế để ký kết hợp động dịch vụ đánh giá MRV, đào tạo cho lực lượng khuyến nông cộng đồng. Đồng thời xây dựng mô hình canh tác lúa thông minh giảm phát thải.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đề nghị các địa phương tiến hành đánh giá hoạt động của mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng để làm cơ sở cho Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổng hợp, đề xuất, kiến nghị nhân rộng mô hình áp dụng phù hợp trong đề án; bố trí nguồn lực, kinh phí để thực hiện đề án.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Trần Thanh Hiệp cho biết,  địa phương đã thành lập 125 tổ khuyến nông cộng đồng với trên 1.500 thành viên tham gia để thực hiện Đề án trên.

Tuy nhiên thời gian qua, các tổ khuyến nông cộng đồng địa phương vận hành, hoạt động còn rời rạc do chưa có kinh phí hoạt động, chủ yếu lồng ghép kinh phí theo nhiệm vụ chuyên ngành dọc; các tổ còn nhiều hạn chế về các kiến thức liên quan đến thực hiện đề án.

Vì vậy ngành nông nghiệp địa phương kiến nghị các bộ, ngành Trung ương tăng cường đào tạo, cập nhật, nâng cao kiến thức cho Tổ Khuyến nông cộng đồng về áp dụng các công nghệ giảm phát thải và giám sát, đo đạc MRV, quy trình canh tác, thị trường carbon, mối liên quan giữa thị trường carbon và sản xuất nông nghiệp, hình thức chi trả tín chỉ carbon… Địa phương cũng mong muốn Trung ương hướng dẫn cơ chế chính sách cụ thể hơn để hỗ trợ tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cũng kiến nghị Trung ương có kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông các cấp về kiến thức hợp tác xã, thị trường, liên kết sản xuất, các kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc… Cùng đó, cần có cơ chế chính sách cụ thể cho tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả.

Trước đó, chiều 14/3, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến tham quan, khảo sát thực tế 2 điểm triển khai đề án tại Trà Vinh là Hợp tác xã  nông nghiệp Phát Tài và Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo, huyện Châu Thành.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục