Kịch bản nào cho điều hành tỷ giá những tháng cuối năm?

18:35' - 18/07/2018
BNEWS Tỷ giá giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sẽ được điều hành ra sao trong những tháng còn lại của năm dường như đang là một bài toán đầy cân não.
Tỷ giá giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sẽ được điều hành ra sao trong những tháng còn lại của năm. Ảnh minh họa: TTXVN

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và sự mất giá của đồng Nhân dân tệ (NDT) thời gian qua có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tỷ giá giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sẽ được điều hành ra sao trong những tháng còn lại của năm dường như đang là một bài toán đầy cân não.

* Điều chỉnh tỷ giá ở mức nào là phù hợp?

Báo cáo mới đây của nhóm nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) thuộc Ðại học Quốc gia Hà Nội nhận định, Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại đặc biệt quan trọng với Việt Nam.

Trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc với khoảng 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu.

Hiện nay, đồng VND vẫn đang được neo giá theo đồng USD. Khi đồng NDT mất giá mạnh, cán cân thương mại của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do hàng hóa Trung Quốc giá rẻ ồ ạt chảy vào thị trường nội địa.

PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VERP cho rằng, Việt Nam nên theo đuổi chính sách tỷ giá mềm dẻo, tức là nên giảm giá đồng VND so với USD nhưng không giảm mạnh như NDT.

“Ví dụ NDT giảm 10% thì VND chỉ giảm 5%. Như vậy hàng Trung Quốc vẫn rẻ nhưng không quá rẻ còn hàng bán sang Mỹ vẫn được giá 5%. Mặc dù trên thực tế con số sẽ khác nhưng tôi nghĩ mức giảm có thể là 2-3%, từ đây đến cuối năm”, ông Thành nói.

Ông Nguyễn Đức Thành cũng phân tích, với đặc thù là một nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc để chế biến và xuất khẩu, việc điều chỉnh tỷ giá như vậy khiến các nhà nhập khẩu nguyên liệu có lợi từ thị trường Trung Quốc, đồng thời các nhà nhập khẩu có lợi thêm từ việc xuất khẩu sang Mỹ. Việc tận dụng hai thị trường lớn này có thể cải thiện tình trạng sản xuất và cán cân thương mại.

Còn theo theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, nên giảm giá VND cho cả năm là 3%.

"Có nhiều ý kiến cho rằng nên giảm giá từ 1-2% nhưng theo tôi là chưa đủ, bởi từ đầu năm đến thời điểm này đồng VND đã mất giá so với USD vào khoảng hơn 1%", TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Ông Hiếu phân tích, từ nay đến cuối năm, với việc đồng NDT tiếp tục bị mất giá, nếu neo đồng VND ổn định với USD, có nghĩa đồng VND sẽ mạnh hơn so với NDT, và khi đó hàng hoá Trung Quốc tuồn vào Việt Nam sẽ trở nên rẻ hơn và Việt Nam tiếp tục nhập siêu.

Đồng thời, nếu đồng VND vẫn mạnh trong khi đồng NDT yếu đi thì xuất khẩu sang Trung Quốc, giá hàng sẽ trở nên đắt đỏ, từ đó sẽ hạn chế xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

"Do vậy, có lẽ việc duy trì tỷ giá ổn định không có lợi trong khi Trung Quốc đang phá giá đồng NDT", ông Hiếu khẳng định.

Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm giữa đồng VND và USD đã tăng khoảng 1,1% so với đầu năm, tỷ giá trong các ngân hàng thương mại tăng khoảng 1,4%. Theo các chuyên gia, mức tăng này chưa đáng lo ngại và tỷ giá USD/VND vẫn còn dư địa để tăng.

*Điều hành chặt chẽ để kiểm soát lạm phát

Xung quanh câu chuyện tỷ giá có rất nhiều yếu tố liên quan như lãi suất, lạm phát. Nhiều ý kiến lo ngại nếu VND mất giá sẽ kéo theo lãi suất VND phải điều chỉnh và lạm phát có nguy cơ tăng.

Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm giữa đồng VND và USD đã tăng khoảng 1,1% so với đầu năm. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu hiến kế, để ổn định tỷ giá trong bối cảnh hiện nay nên tiếp tục duy trì lãi suất tiền gửi USD bằng 0% và lãi suất huy động VND vẫn nên giữ nguyên. Mức chênh lệch giữa lãi suất VND và USD như hiện nay là hợp lý để đảm bảo vị thế VND.

Ông Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, giảm lãi suất trong điều kiện hiện nay là nhiệm vụ bất khả thi. Xét về khía cạnh tỷ giá, lãi suất huy động nếu giảm sẽ dẫn tới khuyến khích người dân chuyển từ VND sang USD.

Và mức chênh lệch lãi suất giữa VND và USD như hiện nay vào khoảng 7% là mức hợp lý cho thấy gửi tiền đồng có lợi hơn.

Báo cáo mới đây của nhóm nghiên cứu đến từ VEPR cũng khuyến cáo, trong bối cảnh giá thực phẩm và nhiên liệu không ngừng gia tăng, để đạt được mức lạm phát bình quân năm 4% cần nỗ lực hết sức của các cấp và đặc biệt là chính sách tiền tệ chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.

PGS.TS. Nguyễn Ðức Thành cho rằng, Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước, cần kiểm soát sớm để đưa lạm phát ở mức ổn định, không gây ra những vấn đề của thị trường như tỷ giá lại tăng hay lãi suất phải rục rịch tăng hoặc đơn giản là không giảm. Lạm phát là một chỉ báo cần hết sức thận trọng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này đã mua vào khoảng 11 tỷ USD trong nửa đầu năm 2018. Điều này dẫn tới dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục 63,5 tỷ USD.

Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định với nguồn dự trữ ngoại hối này sẽ sẵn sàng cung ứng ra thị trường để đảm bảo bình ổn thị trường ngoại hối khi cần thiết.

Cơ quan này cũng đã có động thái nhằm bình ổn thị trường bằng việc hạ giá bán USD tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, vài ngày qua các ngân hàng thương mại có nhu cầu mua USD đều được Ngân hàng Nhà nước đáp ứng đầy đủ và kịp thời.

Thị trường đang ổn định, thanh khoản bình thường, không có gì đột biến. Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục theo dõi rất sát diễn biến của thị trường để có điều hành phù hợp.

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, lượng ngoại hối trên cũng chỉ tương đương khoảng 13 tuần nhập khẩu, bằng với mức khuyến nghị của IMF về lượng dự trữ ngoại hối tối thiểu một quốc gia cần nắm giữ.

Việt Nam vẫn cần tiếp tục tích lũy thêm dự trữ ngoại hối để tự tin hơn trong quá trình hội nhập./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục