VEPR: Tỷ giá vẫn chịu nhiều sức ép trong thời gian tới

17:32' - 11/07/2018
BNEWS Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam Quý 2/2018 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện vừa được công bố chiều 11/7.
Hiện nay, đồng VND vẫn đang được neo giá theo đồng USD. Ảnh: TTXVN
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận định, trong thời gian tới, tỷ giá vẫn chịu nhiều sức ép tăng mạnh trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế bộc lộ những lo ngại khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang. Bản báo cáo phân tích, Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại đặc biệt quan trọng với Việt Nam.
Trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc với khoảng 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và sự mất giá của đồng Nhân dân tệ (CNY) thời gian qua có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
Hiện nay, đồng VND vẫn đang được neo giá theo đồng USD. Khi đồng CNY mất giá, cán cân thương mại của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng do hàng hóa Trung Quốc giá rẻ ồ ạt chảy vào thị trường nội địa.
Ông Nguyễn Đức Thành cũng nhận định: “Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, việc Fed thắt chặt tiền tệ và sự phá giá của đồng CNY, chúng tôi cho rằng việc tốt nhất Việt Nam có thể làm là giảm giá VND đối với USD ở mức vừa phải và thấp hơn mức giảm giá đồng CNY so với USD”.
Nhóm nghiên cứu đến từ VEPR phân tích, với đặc thù là một nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc để chế biến và xuất khẩu, việc điều chỉnh tỷ giá như vậy khiến các nhà nhập khẩu nguyên liệu có lợi từ thị trường Trung Quốc, đồng thời các nhà nhập khẩu có lợi thêm từ việc xuất khẩu.
Trên cơ sở đó, Việt Nam có thể đồng thời tận dụng hai thị trường lớn này để cải thiện tình trạng sản xuất và cán cân thương mại. Báo cáo cũng nhận định, việc Fed tăng lãi suất lần thứ hai trong quý 2 là một trong những nhân tố quan trọng nhất đẩy đồng USD tăng giá và khiến nhiều đồng nội tệ mất giá. Điều này tác động đáng kể tới tỷ giá hối đoái VND/USD trong quý 2.
Theo đó, cả tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại đều tăng nhẹ. Trong bối cảnh các ngân hàng Trung ương các nền kinh tế lớn có xu hướng thắt chặt tiền tệ cùng với nguy cơ lạm phát gia tăng mạnh trong thời gian gần, tồn tại một khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất đồng VND để ổn định tỷ giá.
Bản báo cáo cũng khuyến nghị, việc dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục 63,5 tỷ USD cũng chỉ tương đương khoảng 13 tuần nhập khẩu, bằng với mức khuyến nghị của IMF về lượng dự trữ ngoại hối tối thiểu một quốc gia cần nắm giữ. Việt Nam vẫn cần tiếp tục tích lũy thêm dự trữ ngoại hối để tự tin hơn trong quá trình hội nhập. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục