Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025?

12:42' - 20/01/2021
BNEWS Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, dịch COVID-19 đang mang đến những thách thức và cả cơ hội mới cho Việt Nam trong giai đoạn 5 năm tiếp theo

 

Sáng 20/1 tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn 2021-2025: Phục hồi và tăng tốc”.

Sự kiện thu hút đông đảo các chuyên gia kinh tế, đại diện một số tổ chức quốc tế, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp cùng báo giới nhằm  thảo luận về triển vọng kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới và các giải pháp phục hồi kinh tế bền vững sau đại dịch COVID-19.

Khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, dịch COVID-19 trong năm 2020 đang mang đến những thách thức và cả cơ hội mới cho Việt Nam trong giai đoạn 5 năm tiếp theo từ 2021-2025. Cũng đã có nhiều xu hướng mới xuất hiện, định hình lại các dòng tài chính quốc tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt là chuyển dịch chuỗi cung ứng nhằm tạo ra nhiều thách thức và cơ hội phục hồi kinh tế trong dài hạn.

Việc tận dụng được những cơ hội mới để phục hồi kinh tế năm 2021 và bứt phá trong giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm thực hiện được các mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Đồng chủ trì hội nghị, bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhận định, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt mức tăng trưởng GDP dương vào năm 2020 khi thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa đạt mức tăng trưởng kinh tế 2,91%. Có được điều này là nhờ sự nỗ lực và khả năng tiên đoán và những ứng phó nhanh nhạy cùng tinh thần đổi mới của toàn Đảng, toàn dân khi quyết tâm tập trung phát triển và lấy con người làm trung tâm.

Đường hướng phát triển của Việt Nam trong những năm tới đây, không gì ngoài việc nỗ lực để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi nền kinh tế để có thể tăng nhanh năng suất, khả năng cạnh tranh quốc tế, khả năng chống chịu, đảm bảo sự bình đẳng về kinh tế, xã hội và hài hòa giữa con người và hành tinh.

Dự báo về các kịch bản tăng trưởng kinh tế trong trung hạn 2021-2025, Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, cho biết, trên cơ sở đánh giá các yếu tố ảnh hưởng và dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 với nhiều khả năng sẽ đạt mức cao trở lại.

Có 2 kịch bản được đưa ra. Theo đó ở kịch bản cơ sở phản ánh rằng, nếu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới hồi phục và đại dịch COVID-19 dần được khống chế thì tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt khoảng 6,17% và CPI trung bình khoảng 3,8%. Các hoạt động sản xuất trong nước sẽ dần hồi phục, đầu tư khu vực Nhà nước tăng trưởng ở mức 7% và đóng góp của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì. Chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục theo hướng linh hoạt, phù hợp và giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác vẫn có thể dự báo 1 kịch bản lạc quan hơn trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn dự kiến. Lúc ấy, tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2021 có thể đạt 6,72% và CPI trung bình khoảng 4,2%. Các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh sẽ trở lại quỹ đạo bình thường ngay trong năm nay.

Thêm vào đó, tận dụng được những lợi thế từ các hiệp định thương mại, luồng vốn đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước sẽ nhanh chóng khởi sắc trở lại. Tăng trưởng đầu tư khu vực Nhà nước có thể đạt 8% và các yếu tố khác sẽ duy trì, thậm chí tăng trưởng theo chiều hướng tích cực, ông Đức Anh nhận định.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế đều khuyến nghị một số hàm ý chính sách, theo đó, cần kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và giảm thiểu tổn thất do đại dịch gây ra; tiếp tục các biện pháp hỗ trợ kinh tế và an sinh xã hội; đồng thời sớm triển khai các giải pháp kích thích kinh tế hơn là chỉ đơn thuần hỗ trợ.

Trong ngắn hạn, tiếp tục thúc đẩy việc triển khai cac dự án đầu tư công và tận dụng các cơ hội mở cửa thị trường khi cơ hội đến từ các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và định hình lại chuỗi cung ứng.

Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng các quy trình ứng phó tự động cho các trường hợp khẩn cấp để có thể kích hoạt ngay khi có khủng hoảng hay đại dịch hoặc các thảm họa khác xảy ra.

Theo các chuyên gia, Nhà nước nên tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, tập trung kích cầu một số ngành, lĩnh vực như du lịch, bán lẻ, vận tải, lưu trú và ăn uống…

Trong năm 2021, cần tập dụng cơ hội để tái cơ cấu một số lĩnh vực cốt lõi như du lịch, logistics, chuyển đổi số và thương mại điện tử…

Đại diện UNDP, bà Wiesen đề xuất 4 hành động chính để có thể giúp Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau dịch COVID-19 và không để ai ở lại phía sau, thông qua việc đảm bảo rằng: Tốc độ tăng trưởng nhanh của các mặt hàng xuất khẩu chế tạo là động lực chính tạo ra việc làm bền vững, tăng năng suất và thu nhập;

Đảm bảo hài hòa cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, bằng cách chuyển đổi nền kinh tế, bao gồm cả sản xuất và tiêu dùng theo hướng tăng trưởng xanh và tiết kiệm năng lượng;

Cùng đó, phát triển thị trường vốn trong nước và nâng cao hiệu lực và hiệu quả sử dụng tất cả các nguồn lực tài chính phát triển để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững; đồng thời, tiếp tục áp dụng phương pháp quản trị 3A bao gồm (dự đoán, thích ứng và nhanh nhạy) để tạo môi trường thuận lợi cho việc thử nghiệm và tạo ra các giải pháp sáng tạo của và do người dân và các tổ chức ở Việt Nam triển khai.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục