Kiểm soát chặt hàng hóa liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng

16:06' - 09/12/2021
BNEWS UBND Tp.Hồ Chí Minh dự báo, trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ diễn biến hết sức phức tạp.

Tăng cường kiểm soát các nhóm mặt hàng thiết yếu, mặt hàng liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng cũng như các nhóm hàng hóa cấm kinh doanh là yêu cầu trọng tâm trong thực hiện kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 vừa được UBND Tp.Hồ Chí Minh triển khai từ nay đến ngày 28/2/2022.

Các lực lượng chức năng, sở ngành, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tập trung tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cảng hàng không dân dụng, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, các khu vực buôn bán khác trong nội địa.

Từ đó, phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc; các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả.

Theo đó, nhóm hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội như: vũ khí, ma túy, vật liệu nổ, pháo nổ, thuốc lá nhập lậu, sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan, động vật hoang dã, đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em…

Nhóm mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng như: lương thực, thực phẩm, sữa, thuốc lá, rượu, bia, nước ngọt, bánh kẹo, thực phẩm chức năng, gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm, xăng dầu, hóa chất, phân bón, gas, mỹ phẩm, hàng may mặc, khẩu trang, trang thiết bị y tế, dược phẩm…

Ngành chức năng cũng tăng cường tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng tham gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với những nội dung thiết thực, hình thức phù hợp, có tính thuyết phục cao.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, thanh tra chuyên ngành, UBND thành phố Thủ Đức, quận huyện trong việc tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trên, UBND Tp.Hồ Chí Minh đã triển khai các giải pháp và nhiệm vụ cụ thể; trong đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố Chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, Biên phòng 2 tỉnh tiếp giáp ranh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn để trao đổi, cung cấp thông tin tình hình liên quan đến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại cửa khẩu cảng, vùng biển làm cơ sở cho việc phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm.

Cùng đó, xây dựng phương án phối hợp với lực lượng hải quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, hành lý theo người xuất nhập cảnh.

Lực lượng công an thành phố tăng cường nắm tình hình trên các địa bàn, tuyến trọng điểm, xác lập các chuyên án, các kế hoạch nghiệp vụ, điều tra, phát hiện, đấu tranh, triệt phá các đường dây, tổ chức buôn lậu có quy mô lớn trên địa bàn thành phố;

Khẩn trương điều tra làm rõ, đề nghị khởi tố các tổ chức, cá nhân là chủ mưu, cầm đầu, các chủ đầu nậu buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sản xuất, kinh doanh hàng giả, làm bài học răn đe cho các đối tượng khác.

Đồng thời, lực lượng công an Thành phố chủ động tổ chức phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu, bất chấp an toàn giao thông trên các tuyến trọng điểm về đường thủy và đường bộ từ Tây Ninh - Long An đưa vào Tp. Hồ Chí Minh qua các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ thuộc địa bàn các huyện ngoại thành như: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh...đi sâu vào nội thành tiêu thụ.

UBND Tp.Hồ Chí Minh giao Cục Hải quan Thành phố kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu đường bộ, cảng biển, cảng sông, cảng hàng không dân dụng quốc tế, bưu điện quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn kiểm soát hải quan;

Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan xác định trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ bị lợi dụng để vi phạm pháp luật, các nhóm mặt hàng ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội như: vũ khí, ma túy, vật liệu nổ, pháo nổ, động vật hoang dã, nhóm mặt hàng tiêu dùng, nhất là các mặt hàng liên quan phòng, chống dịch COVID -19...

Cục Hải quan Thành phố cảnh giác đấu tranh với hiện tượng lợi dụng hệ thống thông quan tự động dễ khai báo không đúng so với thực tế hàng hóa nhằm mục đích qua hệ thống phân luồng xanh; không khai báo hoặc sai khai báo về tên hàng, số lượng, trọng lượng, xuất xứ, mã số thuế; lợi dụng lỗi hệ thống để giả mạo hồ sơ, chứng từ làm thủ tục hải quan.

Cục Quản lý thị trường thành phố rà soát các mục tiêu trọng điểm, các đối tượng đầu nậu, ổ nhóm và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo quy định để kịp thời phát hiện, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời báo cáo, đề xuất phối hợp quản lý thị trường các tỉnh khi cần thiết để truy xét nơi sản xuất hàng hóa hoặc kho hàng, điểm chứa trữ hàng hóa ngoài thành phố.

Cục Quản lý thị trường thành phố chủ động phối hợp với các sở, ngành, lực lượng chức năng có liên quan để thực hiện có hiệu quả kế hoạch đã triển khai, vận động quần chúng tố giác, cung cấp tin để phát hiện và kịp thời xử lý.

UBND Tp.Hồ Chí Minh dự báo, trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ diễn biến hết sức phức tạp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục