Kiểm soát chặt việc kê khai thuế giá trị gia tăng

16:41' - 05/04/2022
BNEWS Thời gian qua, vẫn còn doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước về chính sách hoàn thuế để tạo dựng hồ sơ hoàn thuế, trục lợi tiền hoàn thuế.
Theo Tổng cục Thuế, trường hợp, doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng.  

Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng theo mức thuế suất 5%. 

Riêng đối với hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng khi bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng theo tỷ lệ 1% trên doanh thu. 

Trường hợp các sản phẩm nông nghiệp nêu trên được các cơ sở sản xuất, chế biến thành sản phẩm tinh chế để bán thì cơ sở sản xuất, chế biến trực tiếp xuất khẩu thì được hưởng thuế suất giá trị gia tăng xuất khẩu là 0%. 

Các cơ sở sản xuất, chế biến sau khi chế biến thành sản phẩm tinh chế nêu trên bán lại cho doanh nghiệp nội địa để kinh doanh xuất khẩu thì sẽ chịu thuế suất giá trị gia tăng 10%.

Các doanh nghiệp nội địa này khi xuất khẩu được hưởng thuế suất giá trị gia tăng là 0% và sẽ được hoàn lại từ ngân sách nhà nước số thuế giá trị gia tăng đầu vào đã kê khai nộp thuế ở khâu trước đó nếu đáp ứng đủ các điều kiện về hoàn thuế xuất khẩu theo quy định.

Thời gian qua, đại đa số doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách pháp luật thuế, tuy nhiên số ít doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước về chính sách hoàn thuế để tạo dựng hồ sơ hoàn thuế, trục lợi tiền hoàn thuế. 

Theo quy định pháp luật thuế thì hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cần phải đảm bảo các điều kiện cụ thể đó là phải có hợp đồng mua bán, phải có tờ khai xuất khẩu, phải có hóa đơn giá trị gia tăng và phải có chứng từ thanh toán, đặc biệt chứng từ thanh toán phải thể hiện rõ tên ngân hàng đã được ghi trong hợp đồng, tên người chuyển khoản và giá trị số hàng phù hợp với giá trị hợp đồng thanh toán để xác định là số hàng thực xuất khẩu. 

Tổng cục Thuế khẳng định, theo quy định của pháp luật, việc hoàn thuế giá trị gia tăng là việc hoàn trả từ ngân sách nhà nước trên cơ sở là tiền đóng góp của những doanh nghiệp đã thực hiện đúng cái nghĩa vụ kê khai nộp vào ngân sách nhà nước vì vậy cơ quan Thuế phải đảm bảo một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch trong thực hiện chính sách hoàn thuế đảm bảo công bằng với các doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ thuế. 

Theo Tổng cục Thuế, đa số các doanh nghiệp đã thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân sách nhà nước và thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách khuyến khích của nhà nước để làm giả hồ sơ giấy tờ, kê khai khống hóa đơn… nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng. 

Một số doanh nghiệp xuất khẩu đã có vi phạm quy định về điều kiện thanh toán qua ngân hàng để được hoàn thuế giá trị gia tăng.

Cụ thể, chứng từ thanh toán qua ngân hàng được ủy quyền cho một bên thứ ba nhưng bên thứ ba này không được thể hiện ở trong hợp đồng mua bán hoặc ủy quyền qua ngân hàng trung gian qua biên giới để thanh toán, không đúng quy định pháp luật của Việt Nam và quy định về điều kiện được hoàn thuế giá trị gia tăng. 

Để tăng cường quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai thuế giá trị gia tăng, kiểm tra trước, trong và sau hoàn thuế, trong thời gian qua, Tổng cục Thuế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về thanh tra, kiểm tra hoàn thuế giá trị gia tăng nhằm quản lý kịp thời. 

Kết quả, đã có một số vụ việc điển hình đã được Cơ quan Công an phối hợp với Cơ quan Thuế xử lý như Công ty TNHH JUNMA Phú Thọ, Công ty CP công nghệ Thủ Đô, Công ty CP phát triển nhà Thủ Đức, một số doanh nghiệp kinh doanh cà phê tại Tây Nguyên, doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng tại An Giang…  Mới đây nhất, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 632/TCT-TTKT gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với tinh bột sắn. 

Trên cơ sở nội dung công văn, cơ quan thuế các cấp đã phối hợp với các cơ quan có liên quan đến kiểm tra, rà soát việc hoàn thuế của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa; phối hợp với cơ quan thuế nước ngoài để xác minh các khách hàng nước ngoài, phối hợp với các ngân hàng thương mại để rà soát thủ tục thanh toán, phối hợp với cơ quan công an để điều tra, xác minh giao dịch… 

Theo ông Vũ Mạnh Cường, Cục trưởng Cục Thanh tra kiểm tra thuế (Tổng cục Thuế), việc phối hợp giữa cơ quan Thuế Việt Nam và cơ quan Thuế các nước được tổ chức thường xuyên liên tục và những doanh nghiệp nào có việc xuất khẩu nhằm trục lợi tiền hoàn thuế thì trước sau gì cũng sẽ bị phát hiện qua việc phối hợp xác minh của cơ quan chức năng Việt Nam. 

Ông Vũ Mạnh Cường khẳng định: Tổng cục Thuế yêu các Cục Thuế địa phương tăng cường quản lý chống gian lận hoàn thuế, là biện pháp nghiệp vụ phòng chống hành vi gian lận, trục lợi trong hoàn thuế, chống thất thoát ngân sách nhà nước và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước. 

“Đối với doanh nghiệp kinh doanh một cách lành mạnh thực hiện việc xuất khẩu thì cơ quan thuế và các cơ quan chức năng tạo hành lang pháp lý thông thoáng và tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp có thể hoạt động và có được tiền hoàn thuế sớm nhất", Cục trưởng Cục Thanh tra kiểm tra thuế Vũ Mạnh Cường khẳng định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục