Kiểm soát chi phí, ngân hàng duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận

10:33' - 30/10/2024
BNEWS Đã có không ít ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào những cải thiện trong hoạt động kinh doanh và kiểm soát chi phí hiệu quả.
Trong bối cảnh môi trường kinh tế còn nhiều biến động, nhiều ngân hàng đã cắt giảm chi phí, tối ưu hóa nguồn vốn và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhằm duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận. Song, sự phân hóa cũng đang ngày một rõ rệt hơn trong khả năng duy trì và tăng trưởng lợi nhuận tại một số ngân hàng.

Chiến lược chi phí hiệu quả

Đã có không ít ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào những cải thiện trong hoạt động kinh doanh và kiểm soát chi phí hiệu quả.

Dẫn đầu về lợi nhuận trước thuế tính đến thời điểm này, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) báo lãi ở mức 22,8 nghìn tỷ đồng sau 3 quý của năm 2024, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Riêng lợi nhuận quý III đạt 7.171 tỷ đồng, tăng trưởng 23%. Kết quả này đến từ việc tối ưu chi phí vốn đầu vào và duy trì nguồn vốn ổn định. Tổng tài sản của ngân hàng đạt 927,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với đầu năm, trong khi tín dụng tăng trưởng 17,4%, đạt 622,1 nghìn tỷ đồng. Việc tăng cường huy động vốn từ tiền gửi khách hàng, tăng 8,9% so với đầu năm, giúp Techcombank đảm bảo dòng tiền và kiểm soát chi phí huy động hiệu quả.

Đứng kế tiếp là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) với mức tăng 4% so với cùng kỳ, đạt lợi nhuận trước thuế 20.736 tỷ đồng. MB ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong quý III là 7.308 tỷ đồng, nhờ vào việc duy trì tỷ lệ chi phí hoạt động chỉ tăng 6,6% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng doanh thu. Chiến lược của MB tập trung vào tăng cường nguồn thu từ tín dụng và các dịch vụ tài chính khác, từ đó đạt tổng thu nhập hoạt động tăng 9,3%, trong khi lãi thuần tăng trưởng 10,5%. Dù chi phí dự phòng tăng 41,4%, MB vẫn bảo toàn lợi nhuận, nhờ vào sự ổn định của các nguồn thu chính.

 
Trong khi đó, sự giảm sút trong thu nhập ngoài lãi do không còn khoản thu đột biến từ chứng khoán đầu tư đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Lợi nhuận trước thuế quý III giảm 4% so với cùng kỳ chỉ đạt 4.844 tỷ đồng. Dù vậy, lũy kế 9 tháng lợi nhuận của ACB vẫn tăng nhẹ 2% lên 15.335 tỷ đồng.

Còn tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 13.861 tỷ đồng, tăng mạnh 67% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lợi nhuận quý III đạt 5.187 tỷ đồng. Với chiến lược kiểm soát chi phí hoạt động và tận dụng tăng trưởng tín dụng ở mức 12,19% tương đương 635.344 tỷ đồng, ngân hàng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội. Cuối quý III, tổng tài sản của VPBank đạt 858.884 tỷ đồng, trong đó tiền gửi của khách hàng tăng 7,55% đạt 475.782 tỷ đồng. VPBank đã tập trung vào việc giảm thiểu chi phí huy động, tăng cường cho vay khách hàng, từ đó tăng cường hiệu quả hoạt động.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. HCM (HDBank) ghi nhận lợi nhuận quý III tăng 43%, đạt 4.490 tỷ đồng, tổng lợi nhuận 9 tháng đạt 12.655 tỷ đồng, tăng 47%. HDBank duy trì đà tăng trưởng nhờ thu nhập lãi thuần tăng mạnh 58% so với cùng kỳ. Dù thu nhập ngoài lãi suy giảm do không còn ghi nhận khoản lãi thuần đột biến từ mua bán chứng khoán đầu tư, ngân hàng vẫn giữ vững lợi nhuận nhờ quản lý chi phí hiệu quả và tập trung vào các nguồn thu ổn định. Tổng tài sản của HDBank đạt 629.000 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,9%.

Đáng chú ý, nếu xét về tỷ lệ tăng trưởng, không thể không nhắc tới Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) khi lợi nhuận trước thuế quý III tăng đến 133% so với cùng kỳ, đạt 2.889 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận của LPBank chạm mức 8.818 tỷ đồng, tăng trưởng đáng kể 139%.

Áp lực tăng trưởng

Trong khi đó, một số ngân hàng lại đối mặt với sự suy giảm lợi nhuận do ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài và thay đổi trong cơ cấu thu nhập. Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong quý III là 35,8%, tức 76,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng, lợi nhuận PGBank đạt 344,4 tỷ đồng, giảm nhẹ 4,4% so với cùng kỳ.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng chịu áp lực sụt giảm, khi lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 6.600 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Trong quý III, lợi nhuận VIB đạt khoảng 1.995 tỷ đồng, giảm 26%. Điều này đồng nghĩa VIB mới chỉ hoàn thành khoảng 54,8% kế hoạch lợi nhuận năm (12.045 tỷ đồng), tạo ra thách thức lớn cho ngân hàng trong việc đạt được mục tiêu cả năm.

Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank) cũng ghi nhận lợi nhuận 9 tháng giảm 5% xuống còn hơn 32 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank) đạt lợi nhuận trước thuế hơn 200 tỷ đồng, mới thực hiện khoảng 55% kế hoạch lợi nhuận năm 2024. Cùng kỳ năm trước, lợi nhuận SaigonBank đạt 248 tỷ đồng, cho thấy ngân hàng này cũng đang đối mặt với khó khăn trong tăng trưởng lợi nhuận.

Theo phân tích từ Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), dù ngành ngân hàng duy trì tăng trưởng ổn định, một số ngân hàng dự báo sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn trung bình ngành hoặc tăng trưởng âm. Kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tình hình kinh doanh quý III có cải thiện nhưng chưa đạt kỳ vọng. Đáng chú ý, 71,9 - 76,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng kinh doanh khả quan hơn trong quý IV, trong khi 15,9% lo ngại tăng trưởng lợi nhuận âm.

Trong bối cảnh này, những ngân hàng kiểm soát chi phí hiệu quả và tối ưu hóa thu nhập từ hoạt động cốt lõi sẽ có lợi thế trong việc duy trì tăng trưởng lợi nhuận. Ngược lại, các ngân hàng phụ thuộc quá nhiều vào thu nhập ngoài lãi sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn, đòi hỏi cần có chiến lược điều chỉnh kịp thời.

Dự báo cho cả năm 2024, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết: Lợi  nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 10%. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy nhờ các ngân hàng tập trung tối ưu hóa chi phí vốn và chi phí hoạt động, đồng thời tăng cường thu nhập ngoài lãi, bao gồm các nguồn thu từ phí dịch vụ.

Một số ngân hàng còn có cơ hội ghi nhận các khoản thu nhập đặc biệt, chẳng hạn từ việc thu hồi nợ xấu đã xử lý, lợi nhuận từ việc bán các công ty con hoặc từ các khoản nợ xấu đã được xóa. Ngoài ra, với việc lãi suất liên ngân hàng giảm, nhiều ngân hàng có cơ cấu huy động vốn linh hoạt sẽ được hỗ trợ đáng kể về chi phí vốn.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng của năm 2024 đã đạt 9% so với đầu năm và 16% so với cùng kỳ năm 2023. Dự báo cho cả năm 2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng 14-15%. Động lực chính cho tăng trưởng tín dụng bao gồm thị trường bất động sản và các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, cũng như đầu tư công – dự kiến sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục