Kiểm soát khán giả vào sân trận Việt Nam - Saudi Arabia qua căn cước công dân gắn chíp

16:35' - 15/11/2021
BNEWS Trong khuôn khổ vòng loại thứ 3 World Cup 2022, vào lúc 19 giờ ngày 16/11 tới đây, tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình sẽ diễn ra trận đấu bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam và Saudi Arabia.

Ngày 15/11, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho biết, khán giả tới xem trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam - Saudi Arabia vào sân chỉ cần thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử đã tích hợp các thông tin về tiêm chủng, xét nghiệm là có thể đáp ứng được điều kiện của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) khi vào sân, không cần mang theo giấy tiêm chủng, giấy xét nghiệm. Trước đó, hình thức kiểm soát này đã được triển khai tại trận đấu giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Trong khuôn khổ vòng loại thứ 3 World Cup 2022, vào lúc 19 giờ ngày 16/11 tới đây, tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình sẽ diễn ra trận đấu bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam và Saudi Arabia.
Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an đưa ra hướng dẫn cho khán giả vào sân xem trận bóng đá giữa đội Việt Nam và Saudi Arabia làm thủ tục kiểm soát dịch bệnh và kiểm tra an ninh như sau: khán giả xuất trình thẻ Căn cước công dân gắn chip (nếu chưa có thì sử dụng Thông báo số định danh cá nhân do Công an xã/phường cấp) để kiểm tra thông tin công dân, tiêm chủng, xét nghiệm tích hợp trên thẻ căn cước công dân; vé bóng đá khi vào sân. Khán giả cài đặt, sử dụng ứng dụng VN-EID để checkpoint, kê khai di chuyển nội địa (gồm kết quả xét nghiệm) trước khi đến sân; kiểm tra thông tin tiêm chủng trên ứng dụng.
Trường hợp không có thẻ Căn cước công dân gắn chip hoặc ứng dụng VN-EID thì thực hiện theo quy định của Ban Tổ chức (mang theo giấy tờ tuỳ thân; chứng nhận mũi tiêm; kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính; vé bóng đá).
Bên cạnh đó, khán giả thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế và Ban Tổ chức. Có mặt tại sân trước 2 giờ để làm thủ tục kiểm tra dịch bệnh và an ninh.
Qua trận Việt Nam - Nhật Bản, khán giả đều đồng tình ủng hộ
Trước đó, ngày 11/11/2021, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã phối hợp với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và Công an thành phố Hà Nội triển khai quét căn cước công dân gắn chip bằng máy quét mã QR, liên thông với VN-EID và PC-COVID, sử dụng kết nối 4G, bảo mật, tốc độ đọc dưới 3 giây phục vụ khán giả vào sân vận động Mỹ Đình xem trận đấu giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Theo Cục C06, kết quả kiểm soát vào sân, có 6.016 khán giả sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp. Trong đó: người sử dụng căn cước công dân đã được tích hợp thông tin 2 mũi tiêm vaccine và giấy xét nghiệm COVID-19 là 3.198; người sử dụng căn cước công dân gắn chíp được tích hợp 1 mũi tiêm vaccine (xuất trình được giấy xác nhận tiêm 2 mũi) và có giấy xét nghiệm COVID-19 là 1.637; người sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp chưa tích hợp thông tin mũi tiêm nhưng có giấy xét nghiệm COVID-19 và giấy xác nhận 2 mũi tiêm là 1.181.
"Có thể nói, thông qua việc này người dân đã thấy được những tiện ích của việc sử dụng căn cước công dân gắn chíp và đồng tình, ủng hộ với chủ trương này" - đại diện C06 cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội nhận thấy một số hạn chế, thiếu sót. Dữ liệu thông tin tiêm chủng, kết quả xét nghiệm chuyển vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn ít dẫn đến tỷ lệ người dân được tích hợp vào thẻ căn cước công dân gắn chíp chưa nhiều (mới đạt 50%) nên chưa phát huy hết tính năng của thẻ căn cước công dân gắn chíp.
Về phía người dân (khán giả), còn có nhiều thông tin mũi tiêm của người dân đã được xác thực mà chưa hiển thị, nhất là việc trên sổ Sức khỏe điện tử, PC-COVID có xác thực thông tin 2 mũi tiêm nhưng trên thẻ căn cước công dân gắn chip hoặc ứng dụng VN-EID chưa có.

Một số người dân chưa tìm hiểu kỹ, chưa làm thẻ căn cước công dân gắn chíp dẫn đến việc làm thủ tục kiểm soát dịch bệnh và an ninh mất nhiều thời gian. Đặc biệt, một số khán giả không nắm rõ các quy định như test nhanh COVID-19; chưa tiêm đủ 2 mũi dẫn đến không được vào sân (thậm chí còn bị một số đối tượng lợi dụng, trục lợi không test nhanh vẫn thu tiền).
Về khâu tổ chức, công tác phối hợp giữa các đơn vị còn có khâu chưa đồng bộ, còn để khán giả tập trung đông trước khi vào sân; chưa tổ chức xét nghiệm tại sân phục vụ khán giả theo như thông báo, dẫn đến một nhóm đối tượng xét nghiệm trái phép, bán giấy xét nghiệm.
Cục C06 đánh giá, việc tích hợp và triển khai thực hiện kiểm soát khán giả đủ điều kiện về thông tin tiêm chủng, xét nghiệm COVID-19 trên thẻ căn cước công dân gắn chíp để vào sân xem bóng đá là rất hiệu quả, giảm giấy tờ, giúp vào sân rất nhanh chóng, chính xác, tránh tụ tập đông người, phù hợp với việc “thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.
Mặt khác, thẻ căn cước công dân gắn chip đã và sẽ tích hợp các tiện ích, giấy tờ khác giúp người dân sử dụng giảm bớt việc phải mang theo cùng lúc nhiều giấy tờ; thông tin luôn được xác thực chính xác, tin cậy từ ứng dụng trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không có tình trạng bị thất lạc giấy tờ gây phiền phức và giúp thực hiện các giao dịch nhanh chóng, tiết kiệm.

Các cơ quan nhà nước, người dân được hưởng những dịch vụ công tốt nhất; minh bạch hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian trả kết quả của các dịch vụ hành chính công.
Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, hướng tới nền Chính phủ số, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và đây là xu hướng tất yếu trong việc phát triển xã hội hiện nay, là mục tiêu của Đảng, Nhà nước đã phê duyệt chủ trương đầu tư đối với Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân.
Đề nghị quét mã kiểm soát tại các trụ sở thông qua căn cước công dân
Để hoàn thiện hơn đối với tiện ích phòng, chống dịch COVID-19 trên thẻ căn cước công dân gắn chíp và tiếp tục tích hợp các tiện ích khác giúp người dân, cơ quan, tổ chức sử dụng các tiện ích trên thẻ căn cước công dân gắn chip, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đề nghị, đối với việc kiểm soát vào sân xem các trận đấu bóng đá, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Ban Tổ chức khắc phục một số hạn chế để thực hiện hiệu quả hơn; tuyên truyền ngay khi bán vé về việc sử dụng căn cước công dân gắn chíp và các điều kiện vào sân; ứng dụng VN-EID; ứng dụng PC-COVID để phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Cục C06 đề nghị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nghiên cứu, phối hợp với đơn vị có liên quan bố trí 2 điểm test nhanh COVID-19 chính thức cho khán giả vào sân vận động trong ngày 16/11/2021; tiếp tục phối hợp với Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục C06) trong việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp và máy đọc QR để kiểm soát thông tin công dân, tiêm chủng, xét nghiệm để vào sân vận động đối với trận đấu Việt Nam - Saudi Arabia ngày 16/11/2021 và các trận đấu tiếp theo; phối hợp với Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư nghiên cứu tích hợp thêm thông tin vé vào sân lên thẻ căn cước công dân gắn chíp phục vụ kiểm soát vào sân từ các trận thi đấu sau ngày 16/11/2021.
Cục C06 đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện tuyên truyền việc sử dụng ứng dụng VNEID; ứng dụng PC-COVID thống nhất phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp tích hợp thông tin mũi tiêm, xét nghiệm, Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ (về một số biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19), các tiện ích khác phục vụ phòng, chống dịch, đi lại, sinh hoạt của người dân.
Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo đẩy nhanh việc kết nối và chuyển dữ liệu tiêm chủng, xét nghiệm cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP (quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19); chỉ đạo thực hiện việc làm sạch dữ liệu tiêm chủng để phục vụ người dân đi lại trong nước và quốc tế.
Công an các địa phương đẩy nhanh kế hoạch cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp cho số công dân còn lại chưa được cấp, đồng thời thông báo số định danh cá nhân cho người chưa đủ tuổi cấp căn cước công dân để phục vụ đi lại, giao dịch.
Bên cạnh đó, Cục C06 đề xuất Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; Văn phòng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu tham mưu cho Bí thư, Chủ tịch để triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, sử dụng máy quét mã QR tại địa phương (tập trung tại trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, bệnh viện, trường học, các địa điểm tổ chức sự kiện…) phục vụ phòng, chống dịch, thực hiện cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho công dân./.

Link xem trực tiếp trận Việt Nam vs Saudi Arabia:

>>> https://vtv.vn/truyen-hinh-truc-tuyen/vtv5.htm

>>> https://vtv.vn/vtv6/truyen-hinh-truc-tuyen.htm

>>> https://fptplay.vn/

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục