Kiểm toán môi trường: Vì sự phát triển bền vững

09:04' - 01/11/2020
BNEWS Tại Việt Nam, việc triển khai kiểm toán môi trường dù còn nhiều khó khăn nhưng cũng đã có những chuyển biến đáng khích lệ.

Kinh tế càng phát triển, tác động của con người tới môi trường ngày càng gia tăng. Nhận thức được vai trò quan trọng của bảo vệ môi trường đối với sự phát triển bền vững của quốc gia, kiểm toán môi trường ngày càng được các cơ quan kiểm toán tối cao chú trọng như một xu thế tất yếu. Tại Việt Nam, việc triển khai kiểm toán môi trường dù còn nhiều khó khăn nhưng cũng đã có những chuyển biến đáng khích lệ.

Theo định nghĩa của Phòng Thương mại Quốc tế (International Chamber of Commerce - ICC), kiểm toán môi trường là một công cụ quản lý bao gồm đánh giá khách quan và định kỳ, có hệ thống về việc tổ chức, quản lý, vận hành thiết bị môi trường với mục đích giúp bảo vệ môi trường bằng cách tạo điều kiện quản lý kiểm soát thực hành môi trường và đánh giá việc tuân thủ các chính sách của công ty.

Mục đích chính của kiểm toán môi trường là xem xét hệ thống quản lý hiện tại có đạt về hiệu suất môi trường hay không thông qua việc kiểm tra toàn diện hệ thống làm việc và quản lý chứ không chỉ nhìn nhận đánh giá bề ngoài về các tác động môi trường. Mục tiêu tổng thể của hoạt động kiểm toán này là giúp bảo vệ môi trường và giảm thiểu rủi ro cho sức khỏe con người.

Tại Việt Nam, sự tự nguyện thực hiện kiểm toán môi trường và công bố thông tin về môi trường còn hạn chế, bởi người dân chưa thực sự quan tâm tới vấn đề này nếu không ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của mình. Do đó, những vấn đề có tác động gián tiếp và tác động chung mang tính vĩ mô không được quan tâm.

Với tầm quan trọng của môi trường cũng như sự phát triển bền vững của đất nước và sự cần thiết phải hội nhập với xu thế phát triển chung của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã sớm có những nghiên cứu, tìm hiểu, định hướng phát triển đối với nội dung kiểm toán môi trường.

Năm 2008, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên Nhóm công tác về kiểm toán môi trường của Tổ chức các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI). Qua đó tiếp nhận các kiến thức và kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán môi trường, từng bước hình thành lĩnh vực kiểm toán môi trường, xây dựng bộ máy để triển khai các cuộc kiểm toán môi trường do Kiểm toán Nhà nước thực hiện theo thông lệ quốc tế.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết, tại nhiều quốc gia trên thế giới, kiểm toán môi trường do Cơ quan Kiểm toán Tối cao thực hiện từ lâu đã trở thành một công cụ hữu hiệu để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường. Trên khía cạnh từ quản lý môi trường, việc xây dựng, triển khai các dự án, công trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường được thực hiện.

Trong những năm qua, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam rất quan tâm thực hiện kiểm toán môi trường. Năm 2018, Kiểm toán Nhà nước tổ chức thành công Đại hội các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”, với việc thông qua Tuyên bố Hà Nội - một trong những tuyên bố đầu tiên, bài bản nhất trong các đại hội của ASOSAI về vấn đề kiểm toán môi trường.

Thời gian qua, một loạt các sự cố môi trường do hoạt động công nghiệp, quản lý, xử lý chất thải y tế, hay phế liệu nhập khẩu ngày càng nghiêm trọng gây thiệt hại nặng nề đối với môi trường cũng như đời sống, sức khỏe của con người như sự cố Formosa năm 2016, Dự án phân bón DAP Lào Cai…

Trong bối cảnh đó, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai nhiều cuộc kiểm toán chuyên sâu về môi trường như kiểm toán hoạt động hệ thống xử lý nước thải y tế của các bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015; kiểm toán hoạt động cải tạo và phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; kiểm toán hoạt động quản lý và xử lý nước thải Khu công nghiệp Khai Quang, tỉnh Vĩnh Phúc năm 2016 và Khu công nghiệp Khánh Phú, tỉnh Ninh Bình năm 2017.

Qua đó, kiểm toán môi trường đã có những kiến nghị xác định đối với chính quyền địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ trong việc thực hiện cũng như giám sát những tác động môi trường của các tổ chức.

Năm 2019, là năm đầu tiên Kiểm toán Nhà nước đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á nhiệm kỳ 2018-2021, do đó các chủ đề kiểm toán môi trường càng được nghiên cứu, lựa chọn một cách kỹ lưỡng và thận trọng. Hai vấn đề được Kiểm toán Nhà nước đưa vào kế hoạch năm là hoạt động quản lý và xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội và quản lý nhập khẩu phế liệu giai đoạn 2016-2018 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.

Đối với cuộc kiểm toán về chất thải y tế, Kiểm toán Nhà nước tập trung kiểm toán trách nhiệm của Bộ Y tế, UBND thành phố Hà Nội và hơn 20 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cũng như các đơn vị xử lý chất thải y tế trên địa bàn.

Kết quả kiểm toán cho thấy hầu hết các bệnh viện vẫn còn những hạn chế trong việc quản lý, xử lý chất thải y tế. Cụ thể có 82% bệnh viện được kiểm toán vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế không đảm bảo quy trình như: không theo dõi, giám sát lưu lượng nước thải hằng ngày; tỉ lệ nước thải được xử lý/lượng nước sử dụng tại một số bệnh viện thấp, tiềm ẩn rủi ro rò rỉ, thất thoát hoặc không được thu gom triệt để về hệ thống xử lý; không thực hiện bảo trì, bảo dưỡng hệ thống định kỳ.

Bên cạnh đó, có 86% bệnh viện chưa đảm bảo đầy đủ các hồ sơ, thủ tục môi trường theo quy định như: chưa xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường/việc thực hiện Đề án bảo vệ môi trường theo quy định; xả nước thải vào nguồn nước/khai thác, sử dụng nguồn nước khi không có Giấy phép/hoặc Giấy phép đã hết hạn.... Có 59% bệnh viện chưa thực hiện chế độ báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế, báo cáo quan trắc môi trường định kỳ đầy đủ và kịp thời;…

Kiểm toán Nhà nước cũng nhận định, các biện pháp quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước chưa đảm bảo tính hiệu quả, hiệu lực cần thiết trong việc phát hiện kịp thời và xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế nói trên. Đặc biệt là vấn đề quản lý hoạt động tái chế chất thải y tế vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro tới sức khỏe con người cũng như việc quản lý, xử lý chất thải y tế tại gần 4.000 cơ sở y tế ngoài công lập trên địa bàn Thủ đô.

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tới các cơ quan quản lý nhà nước nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý môi trường. Cụ thể tiến hành rà soát lại việc thực hiện các biện pháp khắc phục các vi phạm quy định bảo vệ môi trường của các công ty, cơ sở sản xuất có vi phạm; xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến về môi trường, công khai các thông tin về môi trường.

Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa các quy định nhằm làm rõ vai trò và trách nhiệm của các đơn vị quản lý trong bảo vệ môi trường khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh các quy định về điều kiện liên quan đến lĩnh vực môi trường trong cấp phép hoạt động cho các cơ sở khám, chữa bệnh, tạo điều kiện cho các cơ sở hoạt động hiệu quả, đúng quy định.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm thắt chặt quản lý đối với hoạt động giám sát lộ trình vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại; làm rõ hơn thời hiệu xử lý đối với các trường hợp vi phạm các quy định về xả nước thải/khai thác tài nguyên nước không có giấy phép.

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển hơn nữa lĩnh vực kiểm toán môi trường và thể hiện rõ vai trò tiên phong trên cương vị Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu, mở rộng phạm vi kiểm toán hướng đến các chủ đề về bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng xanh… Đặc biệt, chú trọng tới việc kiểm toán tiến độ và kết quả đạt được trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững - SDGs của Liên Hợp quốc đến năm 2030./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục