Nhà máy giấy Lee & Man xin nâng công suất: Cần minh bạch bài toán môi trường

10:24' - 31/10/2020
BNEWS Sau khi Bộ TN và MT bác đề nghị xin nâng công suất của Nhà máy giấy Lee & Man, mới đây, Hậu Giang đã gửi công văn đến một số tỉnh, thành phố để tham vấn ý kiến về báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Gần 2 năm sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường bác bỏ đề nghị xin nâng công suất của Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam, mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang đã gửi công văn đến một số tỉnh, thành phố lân cận để tham vấn ý kiến về báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhằm xúc tiến để nhà máy này nâng công suất từ 420.000 tấn giấy/năm lên 1,1 triệu tấn giấy/năm, gấp 2,6 lần so với hiện nay.

Được UBND tỉnh Hậu Giang cấp chứng nhận đầu tư vào năm 2007 và chính thức vận hành sau 10 năm, Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam (Cụm công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) - thuộc sở hữu của Tập đoàn Lee & Man Paper, Công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông (Trung Quốc) - từng bị người dân địa phương phản ứng về vấn đề môi trường liên quan tới mùi hôi, khói bụi. Sau đó, nhà máy đã khắc phục và hoạt động sản xuất ổn định cho đến nay.

Tuy nhiên, với vị trí gần như nằm ngay trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chuyện nâng công suất của Nhà máy giấy Lee & Man cần phải được xem xét hết sức cẩn trọng, bởi sản xuất giấy là ngành cần được kiểm soát chặt chẽ về môi trường.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại thành phố Cần Thơ đã trao đổi với các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường, sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long để làm rõ hơn những quan ngại liên quan đến việc này.

Nhiều rủi ro với môi trường nếu tăng công suất

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về môi trường và hệ sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long, Nhà máy giấy Lee & Man cần làm rõ một cách minh bạch mọi quan ngại của cộng đồng, bao gồm cả giới chuyên gia, báo chí, chính quyền, các tổ chức, cá nhân có liên quan, trước khi quyết định.

Theo ông Thiện, có nhiều lý do khiến dư luận lo ngại về ảnh hưởng của Nhà máy giấy Lee & Man như: Nguồn nước sông Hậu sẽ bị ô nhiễm, việc tham vấn cộng đồng không có ý nghĩa, nhu cầu sử dụng hóa chất lớn của dự án, rủi ro về dịch bệnh từ nguồn giấy phế thải nhập khẩu...

Trước đây, khi Nhà máy giấy Lee & Man mới triển khai dự án, gần như cộng đồng dân cư và các địa phương xung quanh trên sông Hậu không được tham vấn ý nghĩa.

Chỉ mới đây, khi đề nghị nâng công suất, Công ty có tham vấn với thành phố Cần Thơ và hai tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long.

“Việc Nhà máy giấy Lee & Man tham vấn các tỉnh có liên quan trên sông Hậu là cần thiết. Tuy nhiên, nội dung và chất lượng tham vấn mới quan trọng. Do không có thông tin, chúng tôi không rõ Nhà máy này tham vấn những gì đối với các tỉnh. Như năm 2007, khi thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự án này chỉ phát phiếu khảo sát sơ sài với đúng 20 hộ dân ở xã Phú Hữu A về tác động đối với đất, nhà và hoa màu. Khảo sát này không hề nói cho người dân biết về nguy cơ tác động đối với nguồn nước, thủy sản”, ông Thiện nói.

Lưu ý tới nhu cầu sử dụng hóa chất của Nhà máy giấy Lee & Man là khá lớn, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết, trong bản báo cáo đánh giá tác động môi trường vào năm 2008, bảng thống kê sử dụng hóa chất của Công ty này có liệt kê chất làm sạch với khối lượng khá lớn (330 kg/ngày) và tác nhân tẩy, nhưng không rõ các chất này là các chất gì. Nay công suất nâng lên gần 3 lần, chất này sẽ tăng tương ứng lên gần 1 tấn/ngày.

“Nhà máy giấy Lee & Man luôn nói đảm bảo xử lý tốt nước thải và chất thải, nhưng đến nay thông tin về loại hóa chất và lượng hóa chất sử dụng không rõ ràng. Do đó, để tham vấn có ý nghĩa và đảm bảo an toàn môi trường, Công ty cần giải trình bài toán cân bằng vật chất, theo dấu từng loại, vào ở đâu, bao nhiêu, ra ở đâu, còn lại là bao nhiêu, đi đâu? Thiếu các thông tin này, việc tham vấn chỉ là hình thức”.

Nhắc lại lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương vào cuối năm 2019: “Không đánh đổi môi trường, văn hóa, văn minh xã hội đế lấy kinh tế”, ông Nguyễn Hữu Thiện cho rằng quan điểm của Chính phủ về vấn đề môi trường và phát triển rõ ràng. Vì lẽ đó, cần phân tích thấu đáo, tính đúng, tính đủ cả hai mặt lợi - hại, từ đó đi đến xem xét chấp nhận hay không chấp nhận cho Nhà máy giấy Lee & Man tăng công suất.

Chỉ đánh giá tác động một dự án là “không đầy đủ”

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, không ủng hộ cho Nhà máy giấy Lee & Man tăng công suất thêm nữa, bởi vì “công nghiệp giấy đã được xếp vào nhóm các ngành gây ô nhiễm.

Theo ông Tuấn, do Nhà máy giấy Lee & Man từng bị phàn nàn về vấn đề ô nhiễm môi trường. Do vậy, khi muốn tăng công suất, dư luận băn khoăn là điều dễ hiểu.

Bởi vì hoạt động sản xuất giấy có những nguy cơ tạo ra các chất thải gây hại cho môi trường. Trong đó, nguy cơ lớn nhất là sông Hậu sẽ bị ô nhiễm nếu nước thải từ nhà máy ra sông không được xử lý đầy đủ.

Để đánh giá tác động lên môi trường, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng cần có đánh giá tích lũy xung quanh của tất cả những dự án đang và sẽ có tại Cụm công nghiệp Phú Hữu A, trong đó gồm cả Nhà máy giấy Lee & Man chứ không thể tách ra riêng lẻ từng dự án. Như vậy là không đầy đủ.

“Theo tôi, cần phải có một hội đồng để đánh giá những tác động tích lũy này. Cụ thể là các dự án đang được triển khai tại Cụm công nghiệp Phú Hữu A đang tác động lên hệ sinh thái và nguồn nước như thế nào. Tài nguyên nước là hữu hạn mà có nhiều nhà máy xung quanh như vậy, phải đánh giá tác động khi tất cả nhà máy cùng hoạt động, khi nguồn cấp nước và hứng nước thải đều là sông Hậu”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Trong bối cảnh nguồn nước ngọt từ sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng khan hiếm, nếu tăng công suất lên, nhu cầu sử dụng nước của Nhà máy giấy Lee & Man sẽ nhiều hơn, trong khi nước khan hiếm như vậy thì sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến cả vùng chứ không chỉ mỗi phạm vi xung quanh nhà máy.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, trong công văn phản hồi đề nghị tham vấn do ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ ký, thành phố Cần Thơ cho rằng, lưu lượng xả thải của nhà máy rất lớn, hiện tại là 20.000 m3/ngày đêm, khi nâng công suất, con số này sẽ là 55.000 m3/ngày đêm, trong khi sông Hậu cũng là con sông lớn nhất cung cấp nước ngọt chính của các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long...

Tại văn bản gửi UBND tỉnh Hậu Giang, UBND thành phố Cần Thơ đề nghị Hậu Giang cẩn trọng cân nhắc trong việc cấp chủ trương đầu tư cho Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam nâng công suất từ 420.000 tấn giấy/năm lên 1,1 triệu tấn giấy/năm, bởi những tác động và phạm vi ảnh hưởng lớn, có khả năng ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân trong vùng.

Cũng theo UBND thành phố Cần Thơ, những năm gần đây, Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn.

Đặc biệt, mặn đã đi sâu vào các kênh nội đồng ven sông Hậu, nguồn nước ngọt chảy về Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô năm 2019-2020 thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, dự báo những năm tới nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn mặn còn rất lớn.

Khi vào mùa khô kiệt nhất, lưu lượng nước sông Hậu giảm mạnh, nhưng lưu lượng xả thải của nhà máy lại rất lớn sẽ làm tăng áp lực nặng nề đến nguồn tiếp nhận là sông Hậu.

“Trong trường hợp nếu có xảy ra sự cố về môi trường liên quan đến việc xử lý nước thải thì toàn bộ người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều có nguy cơ bị ảnh hưởng”, công văn của UBND thành phố Cần Thơ nêu.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, tác động của việc sử dụng nước và xả thải của Nhà máy giấy Lee & Man đối với sông Hậu và vùng Tây sông Hậu sẽ lớn nhất vào mùa khô, đặc biệt là các tháng kiệt nhất trong năm và đặc biệt hơn nữa là các năm hạn cực đoan như mùa khô 2016 và mùa khô 2020.

Trả lời câu hỏi việc Nhà máy giấy Lee & Man chỉ cách Nhà máy nước Hưng Phú - nơi cung cấp nước sạch cho khu vực trung tâm thành phố Cần Thơ 15 km, liệu khi tăng công suất có đáng lo ngại?, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cũng cho rằng nếu chẳng may xảy ra sự cố môi trường, cả thành phố Cần Thơ sẽ bị ảnh hưởng.

Bởi khi thủy triều từ biển vào sẽ đẩy nước sông Hậu lên tới tận An Giang chứ không chỉ ở Cần Thơ. Đây cũng là một lý do mà chuyên gia này không ủng hộ cho Nhà máy giấy Lee & Man nâng thêm công suất. “Việc có một nhà máy giấy ở trung tâm đồng bằng đã là nguy cơ”, Phó Giáo sư nhấn mạnh.

Ở đây không hề có sự quy kết nào cho rằng Nhà máy giấy Lee & Man sẽ chắc chắn gây ra thảm họa môi trường trên sông Hậu và Đồng bằng sông Cửu Long nếu công suất chạm ngưỡng 1,1 triệu tấn.

Tuy nhiên, vì sông Hậu vốn là một trong hai “mạch máu” chính nuôi sống miền Tây với gần 20 triệu con người nên mọi sự thận trọng đều rất cần thiết.

Trang web của Tập đoàn Lee & Man Paper có ghi rõ: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của doanh nghiệp, là sự sống còn của doanh nghiệp”.

Tập đoàn Lee & Man Paper cho biết, từ khi sáng lập đến nay, họ luôn xem trọng việc kinh doanh sản xuất và giữ gìn môi trường. Chỉ khi bảo vệ tốt môi trường, doanh nghiệp mới có thể đi lên con đường phát triển liên tục…

Từ ý kiến của các chuyên gia và các cơ quan chức năng, Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam và Tập đoàn Lee & Man Paper cần cẩn trọng, công khai, minh bạch trong quá trình mở rộng quy mô sản xuất để tránh những sự cố đáng tiếc - dù khách quan hay chủ quan - có thể ảnh hưởng tới vùng đồng bằng châu thổ lớn thứ tư của thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục