Kiểm toán Nhà nước: Khoảng cách một số trạm thu phí chưa hợp lý

15:42' - 26/08/2016
BNEWS Kết quả kiểm toán đối với một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT cho thấy khoảng cách giữa các trạm thu phí chưa hợp lý... cần phải được chấn chỉnh, khắc phục.

Ngày 26/8, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức họp báo công bố Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2015 (niên độ tài chính-ngân sách 2014) và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2014 của Kiểm toán Nhà nước. 

Khoảng cách giữa các trạm thu phí chưa hợp lý cần phải được chấn chỉnh, khắc phục. Ảnh minh họa: TTXVN

Khoảng cách giữa các trạm thu phí chưa hợp lý

Ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kiểm toán Nhà nước cho biết: Năm 2015, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán tại 203 đơn vị (đầu mối, chủ đề) và kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2014 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bên cạnh những mặt có chuyển biến tích cực vẫn còn nổi lên một số vấn đề như:

Quyết toán thu ngân sách nhà nước 877.697 tỷ đồng, vượt 12,1% dự toán, chủ yếu do tăng thu nội địa từ sản xuất, kinh doanh và dầu thô.

Kết quả kiểm toán cho thấy, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí tính thuế, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách nhà nước... vẫn diễn ra khá phổ biến tại các doanh nghiệp, đơn vị được kiểm toán.

Còn không ít đơn vị hạch toán thiếu số thu; hạch toán các khoản chi phí không đúng chế độ, định mức; không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ các khoản phải nộp ngân sách nhà nước. Kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước xác định số phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 8.287,3 tỷ đồng.

Đối với chi đầu tư phát triển, dự toán 163.000 tỷ đồng, quyết toán 248.452 tỷ đồng, vượt 52,4% dự toán, chủ yếu do số vốn ngoài nước giải ngân vượt 164,2% kế hoạch, nguồn dự phòng ngân sách và nguồn năm trước chuyển sang.

Kết quả kiểm toán cho thấy: Công tác giám sát đầu tư, quyết toán dự án hoàn thành có nhiều chuyển biến, song tại một số địa phương số dự án khởi công mới và số dự án khởi công mới, số dự án thực hiện trong kỳ khá cao, số lượng dự án chậm tiến độ hoặc phải điều chỉnh còn lớn…

Ngoài ra, kết quả kiểm toán đối với một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT còn cho thấy: công tác quản lý lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, cách xác định một số chỉ tiêu trong phương án tài chính của một số dự án chưa đảm bảo tính đúng đắn; khoảng cách giữa các trạm thu phí chưa hợp lý... cần phải được chấn chỉnh, khắc phục.

Chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn

Về chi thường xuyên, dự toán Quốc hội quyết định và Chính phủ giao 704.400 tỷ đồng, quyết toán 723.292 tỷ đồng, tăng 2,7% dự toán. Kết quả kiểm toán cho thấy, hầu hết các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương được kiểm toán đều còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, vượt dự toán được duyệt. 16/50 địa phương được kiểm toán còn sử dụng nguồn dự phòng cho một số nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách.

Một số địa phương hụt thu ngân sách cấp tỉnh hoặc ngân sách cấp huyện nhưng không thực hiện rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi theo quy định. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng sai nguồn kinh phí xảy ra ở nhiều địa phương được kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị 21/50 tỉnh, thành phố được kiểm toán bố trí hoàn trả nguồn 1.608 tỷ đồng; còn sử dụng 107,8 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, nguồn cải cách tiền lương, nguồn bổ sung có mục tiêu... để bổ sung chi thường xuyên hoặc bù hụt thu không đúng quy định.

Ngoài ra, một số đơn vị được kiểm toán chưa tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về quản lý, mua sắm, sửa chữa tài sản; sử dụng tài sản không đúng mục đích, vượt định mức về số lượng xe ô tô, chưa hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa xử lý dứt điểm tình trạng nhà, đất bị lấn chiếm nhiều năm.

Tình trạng một số địa phương mua xe ô tô không phù hợp với mục đích trang bị vẫn còn; điều chuyển xe ô tô cho đơn vị không có tiêu chuẩn được trang bị xe.

Quản lý tài chính công, tài sản công còn bất cập

Đối với kiểm toán chuyên đề, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện một số tồn tại bất cập trong cơ chế chính sách quản lý tài chính công, tài sản công. Cụ thể, dự toán chi khoa học và công nghệ năm 2014 chỉ bằng 1,36% tổng chi ngân sách nhà nước, không đảm bảo tỷ lệ 2% theo Nghị quyết của Quốc hội. Việc đổi mới về tổ chức quản lý, cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học công nghệ còn hạn chế.

Hầu hết các đơn vị được kiểm toán đều thực hiện xét chọn, giao trực tiếp đề tài, dự án, không thực hiện hình thức tuyển chọn… Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xứ lý tài chính 125 tỷ đồng.

Về công tác quản lý nợ công năm 2014: Dư nợ công đến 31/12/2014 là 2.284.882 tỷ đồng, bằng 58,02% GDP, tăng 17,1% (333.377 tỷ đồng) so với năm 2013, song danh mục nợ công tuy phù hợp với quy định của Luật Quản lý nợ công nhưng có thể bị trùng lặp hoặc chưa đầy đủ các khoản nợ của Chính phủ; tốc độ nợ công tăng nhanh; công tác tổ chức quản lý nợ công phân tán, thiếu sự đối chiếu, thống nhất trước khi tổng hợp, lập báo cáo.

Bộ Tài chính chưa cung cấp đầy đủ bằng chứng làm cơ sở để Kiểm toán Nhà nước xác nhận số dư nợ công đến 31/12/2014 tại Báo cáo về các chỉ tiêu giám sát nợ năm 2014. Bộ Tài chính ghi thu - ghi chi vốn vay nước ngoài chưa kịp thời, đúng niên độ, chưa phản ánh đầy đủ số liệu của Quỹ tích lũy trả nợ và chưa sử dụng tiền nhàn rỗi của Quỹ để mua trái phiếu Chính phủ theo quy định.

Các doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh chưa thực hiện các biện pháp để giảm thiểu rủi ro về tỷ giá và lãi suất. Nhiều dự án vay lại và vay được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, khó khăn trong việc trả nợ, dừng sản xuất kinh doanh, phải bán, giải thể hoặc phá sản doanh nghiệp…

Bội chi ngân sách

Theo Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 Chính phủ trình Quốc hội: Kết dư ngân sách địa phương 40.482 tỷ đồng; bội chi ngân sách nhà nước là 249.362 tỷ đồng; nguồn bù đắp bội chi gồm vay trong nước 196.693 tỷ đồng, vay ngoài nước 52.669 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán cho thấy, kết dư ngân sách địa phương 40.482 tỷ đồng, bằng 15,9% tổng số bổ sung từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương và bằng 27,3% số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương.

Bội chi ngân sách nhà nước năm 2014 là 249.362 tỷ đồng, vượt 25.362 tỷ đồng so với mức Quốc hội quyết định, bằng 6,33% GDP thực tế, giảm so với tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 (6,6%) nhưng không phù hợp với định hướng giảm bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015.

Hơn nữa, số bội chi ngân sách nhà nước năm 2014 đã lớn hơn chi đầu tư phát triển 910 tỷ đồng, không đảm bảo nguyên tắc cân đối ngân sách nhà nước theo quy định khoản 1, Điều 8, Luật Ngân sách Nhà nước.

Theo báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 Chính phủ trình Quốc hội, tổng các khoản thu, chi quản lý qua ngân sách nhà nước là 132.292 tỷ đồng. Qua kiểm toán cho thấy, Bộ Tài chính ghi thu, ghi chi viện phí từ trước năm 2014 không kịp thời, đầy đủ dẫn đến năm 2014 còn phải ghi thu, ghi chi 7.634 tỷ đồng; không ghi thu, ghi chi kịp thời 808 tỷ đồng phí đảm bảo an toàn hàng hải năm 2014.

Đối với kiểm toán hoạt động, năm 2015, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai kiểm toán 07 cuộc kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của các chương trình, dự án, hoạt động được kiểm toán. Kết quả kiểm toán đã chỉ ra nhiều tồn tại trong quản lý, điều hành và thực thi các chương trình, dự án, hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Sử dụng đất không hiệu quả, sai mục đích

Qua kiểm toán cho thấy, nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn.

Một số đơn vị xóa nợ chưa đủ điều kiện, trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định, nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi. Một số tập đoàn, tổng công ty quản lý, sử dụng hàng tồn kho chưa hiệu quả, tồn kho lớn, ứ đọng, chậm luân chuyển.

Nhiều đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp; còn tình trạng trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính không đúng quy định, cho vay vốn không đúng chức năng, nhiệm vụ; một số khoản cho vay, bảo lãnh tiềm ẩn nguy cơ khó đòi, mất vốn.

Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty có hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản còn dự án chậm tiến độ; một số dự án phải tạm dừng triển khai, gây lãng phí vốn đầu tư.

Một số tập đoàn, tổng công ty chưa sử dụng hết diện tích đất đang quản lý, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý và chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất…

Bên cạnh đó, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán phản ánh không đúng doanh thu, chi phí. Một số đơn vị quản lý chi phí vượt định mức. Một số đơn vị chưa tuân thủ quy định về quản lý tiền lương, trích vượt quỹ tiền lương. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục