Kiểm toán Nhà nước Nepal: Việt Nam cần tranh thủ sự đồng thuận của SAI các thành viên

10:55' - 22/09/2018
BNEWS Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, hiện là cơ quan kiểm toán tối cao của Việt Nam và là chủ tịch ASOSAI cần tranh thủ sự đồng thuận và lấy ý kiến của các SAI thành viên.
Các đại biểu dự Phiên họp toàn thể lần thứ hai Đại hội ASOSAI 14. Ảnh: TTXVN

Chúc mừng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam với vai trò Chủ tịch của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2018 – 2021 và chia sẻ những kinh nghiệm về kiểm toán của kiểm toán Nhà nước Nepal, ông Tanka Mani Sharma, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nepal đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, bên lề của Đại hội ASOSAI 14.
Phóng viên (PV):Xin ông đánh giá về vai trò của ASOSAI trong sự phát triển của châu Á?
Tổng Kiểm toán Nhà nước Nepal: ASOSAI là một tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á, thành viên của Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI). Các thành viên của ASOSAI thực hiện kiểm toán các hoạt động của Chính phủ, chi tiêu công, ngân sách và tài nguyên, nhằm đảm bảo việc sử dụng và chi tiêu hợp lý và hiệu quả. Các Cơ quan kiểm toán tối cao thành viên (SAI) có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo tài chính công minh bạch.
ASOSAI sẽ xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn nhằm thúc đẩy sự phát triển của các SAI, đồng thời chỉ ra những điểm yếu, những phần còn kém hiệu quả của các cơ quan kiểm toán.
Liên Hợp Quốc công bố tầm nhìn phát triển bền vững tới năm 2030 và đây cũng là chủ đề thảo luận của Đại hội lần này về kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững. Các nước thành viên đã chia sẻ kinh nghiệm, đây sẽ là cơ sở để xây dựng các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về phát triển bền vững, cũng như chỉ ra các cơ chế cần được cải thiện.
Pv: Theo ông Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cần làm gì trong vai trò là Chủ tịch ASOSAI?
Tổng Kiểm toán Nhà nước Nepal: Trước tin tôi xin chúc mừng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASOSAI. Tôi cũng xin đề xuất Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, hiện là cơ quan kiểm toán tối cao của Việt Nam và là chủ tịch ASOSAI cần tranh thủ sự đồng thuận và lấy ý kiến của các SAI thành viên. Họ cần phải phối hợp và giữ mối liên hệ với các SAI thành viên.
PV: Ông đánh giá như thế nào về sự hợp tác giữa các SAI thành viên trong kiểm toán môi trường?
Tổng Kiểm toán Nhà nước Nepal: Tại Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 của Đại hội lần này về kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững, chúng tôi thảo luận nhằm giúp xây dựng các bộ tiêu chuẩn tiêu chí cho hệ thống kiểm toán ở các nước thành viên. Vì vậy, việc hợp tác giữa các bên là vô cùng quan trọng.
PV: Hiện cả thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiêp 4.0. Vậy xin ông cho biết tác động của cuộc cách mạng này với lĩnh vực kiểm toán?
Tổng Kiểm toán Nhà nước Nepal: Hiện nay chúng ta vẫn đang thực hiện kiểm toán theo cách truyền thống, nhưng nếu có công nghệ giúp đánh giá rủi ro thì sẽ giúp tiết kiệm được thời gian cũng như nâng cao chất lượng kiểm toán.
Công nghệ sẽ giúp công tác kiểm toán được đáng tin cậy, nâng cao uy tín của các kiểm toán viên. Các kiểm toán viên sẽ bớt bị thắc mắc và nghi vấn.
PV:Ông dự đoán như thế nào về tương lai của ngành kiểm toán toàn cầu?
Tổng Kiểm toán Nhà nước Nepal: Tôi đã làm việc nhiều năm cho chính phủ nên hiểu về lĩnh vực này và các quy định chính sách về kiểm toán…
Tôi cho rằng, chúng ta cần có bộ tiêu chí, các kiểm toán viên phải chỉ được ra đúng vấn đề. Không chỉ thế, cần phải dự đoán được các hoạt động kiểm toán và có kiến thức sâu rộng đa ngành. Trong đó, là một kiểm toán viên, cần hiểu biết về giáo dục, y tế, nông nghiệp, lâm nghiệp, môi trường, công nghệ, văn hóa, kiến thức chuyên ngành để có thể biết đâu là điểm yếu và bất cập.
Trong ASOSAI, điều quan trọng nhất là nâng cao năng lực kiểm toán viên, không chỉ ở mỗi nước mà trong cả khu vực cũng như trên thế giới, trong khuôn khổ INTOSAI.
PV: Xin cảm ơn ông!

ASOSAI 14: lợi ích thiết thực cho tất cả thành viên
ASOSAI 14: lợi ích thiết thực cho tất cả thành viên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục