Kiên Giang cấp mới 10 quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn hơn 1.950 tỷ đồng

11:14' - 13/10/2021
BNEWS Từ đầu năm đến nay, Kiên Giang cấp mới 10 quyết định chủ trương đầu tư, quy mô trên 41 ha với tổng vốn hơn 1.950 tỷ đồng, so cùng kỳ năm 2020 giảm 38 dự án, giảm vốn đăng ký trên 22.660 tỷ đồng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 817 dự án được cấp chủ trương trên các lĩnh vực, ngành nghề với quy mô hơn 40.758 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 811.145 tỷ đồng.

Trong số đó, có 374 dự án đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư gần 64.000 tỷ đồng, chiếm hơn 11,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trong 9 tháng năm 2021, tỉnh có 112 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, chủ yếu là dự án chuyển tiếp, chỉ có 3 dự án khởi công mới, đã thực hiện giải ngân vốn đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng, giảm 30,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Đức Chín cho biết: “Thu hút đầu tư, thực hiện các dự án 9 tháng chưa đạt so với nhu cầu đầu tư. Giá trị giải ngân vốn đầu tư đạt thấp so cùng kỳ, chưa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh, còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc”.
Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, làm hạn chế đi lại đã ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Tiếp đến, xuất phát điểm của Kiên Giang thấp, nằm cách xa các trung tâm kinh tế lớn, cơ sở hạ tầng yếu kém, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ.

Các tuyến đường kết nối, liên kết vùng trên địa bàn tỉnh như: Quốc lộ 80, đường hành lang ven biển phía Nam, tuyến đường ven biển… chưa được đầu tư hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu đầu tư, thu hút đầu tư, khai thác các tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh cho phát triển kinh tế - xã hội Kiên Giang. Mặc dù tỉnh thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhưng đa số nhà đầu tư nhỏ, chưa có nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn.
Bên cạnh đó, địa bàn thu hút đầu tư chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở 3 thành phố là Rạch Giá, Hà Tiên và Phú Quốc, các huyện khác chưa thật sự thu hút các nhà đầu tư lớn, chưa có dự án trọng điểm, tạo động lực lan tỏa…

Các nhà đầu tư chủ yếu tập trung vào lĩnh vực phát triển dịch vụ, du lịch, đô thị mà chưa quan tâm phát triển các lĩnh vực khác có thế mạnh như: nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, điện năng lượng mặt trời và nhất là nuôi trồng thủy sản trên biển.
Mặt khác, nhiều quy hoạch qua nhiều năm không còn phù hợp với yêu cầu phát triển, đầu tư hoặc không có nhiều dự án kêu gọi đầu tư; định hướng quy hoạch chưa theo kịp nhu cầu phát triển xã hội, nhiều dự án đầu tư tiềm năng được đề xuất thực hiện nhưng chưa có quy hoạch như: điện năng lượng mặt trời, nông nghiệp công nghệ cao…
Ngoài ra, nhà đầu tư thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư còn nhiều khó khăn, mất thời gian khâu lập quy hoạch, lập dự án khả thi, thiết kế cơ sở, phòng cháy chữa cháy, định giá đất, giao đất, thủ tục chuyển nhượng mục đích sử dụng đất… làm chậm, hạn chế số lượng dự án khởi công đầu tư xây dựng.

Việc bồi thường giải phóng mặt bằng giao đất cho nhà đầu tư của các cơ quan chức năng và địa phương thực hiện chậm, không có mặt bằng để kêu gọi đầu tư, giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, dẫn đến chậm thực hiện đầu tư xây dựng, giá trị giải ngân thấp.
Để làm tốt việc thu hút đầu tư, triển khai thực hiện đầu tư và giải ngân vốn đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Đức Chín nhấn mạnh, tỉnh chú trọng các giải pháp cắt giảm và đơn giản hóa quy trình thủ tục hành chính, thực hiện tốt chuyển đổi số, nhân rộng một số ứng dụng, mô hình có hiệu quả.

Người đứng đầu các ngành, các cấp phải thật sự năng động, tiên phong trong thực hiện vai trò, trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm tạo môi trường năng động, minh bạch để các nhà đầu tư và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
Tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ tổ chức lập điều chỉnh, cập nhật bổ sung quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đề án cho thuê môi trường rừng; tiếp tục rà soát, bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư để làm cơ sở kêu gọi đầu tư, cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

Tỉnh tập trung hoàn thành các phương án xác định giá đất để giải phóng mặt bằng, giao đất cho các dự án đã được cấp chủ trương. Tỉnh phấn đấu 3 tháng cuối năm 2021, giải ngân nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào khu chức năng Khu kinh tế Phú Quốc đạt 20.000 tỷ đồng, các khu công nghiệp và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên khoảng 615 tỷ đồng.
Tỉnh đôn đốc, nhắc nhở các sở, ban, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Tỉnh thu hồi dự án theo quy định đối với các trường hợp nhà đầu tư không có năng lực triển khai thực hiện dự án đầu tư.

Các ngành chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ tìm hiểu thông tin thị trường xuất khẩu, nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất, xuất khẩu tại các nhà máy chế biến thủy sản; hỗ trợ thực hiện thủ tục xác nhận xuất xứ nguồn gốc…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục