Kiên Giang cơ bản giải phóng mặt bằng xong dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau

06:03' - 30/10/2023
BNEWS Đến nay, tỉnh Kiên Giang đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau, đoạn qua địa bàn tỉnh.

Dự án cao tốc Bắc - Nam (thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025) qua tỉnh Kiên Giang nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận có chiều dài 23,3 km; trong đó, tuyến chính dài 17,1 km, tuyến nhánh dài 6,2 km với diện tích đất thu hồi 876.375,92 m², tổng kinh phí bồi thường được duyệt hơn 182 tỷ đồng.

 

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Thuận cho biết, hiện có 409/426 hộ gia đình và cá nhân, tương ứng 444/462 phương án đã hoàn thành với số tiền hơn 171 tỷ đồng, đạt 93,71% kinh phí bồi thường, hỗ trợ và đạt tỷ lệ 96,8% diện tích thu hồi; trong đó, tuyến chính đạt 99,25% và đã bàn giao cho Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận diện tích hơn 848.301 m². Hiện nay, huyện còn 17 hộ với 18 phương án chưa nhận bồi thường với số tiền hơn 11,5 tỷ đồng.

Cùng đó, huyện Vĩnh Thuận thu hồi diện tích đất xây dựng khu tái định cư phục vụ dự án cao tốc theo quyết định của UBND tỉnh Kiên Giang có 12 hộ với 12 phương án, diện tích thu hồi là 48.921 m², tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ hơn 11, 4 tỷ đồng. Huyện đã hoàn thành, giải phóng mặt bằng đạt 100% kế hoạch và đang triển khai xây dựng khu tái định cư.

Đồng thời, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận phối hợp với huyện và các xã Vĩnh Phong, Phong Đông tổ chức giao, nhận cọc giải phóng mặt bằng phạm vi kênh dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp qua địa bàn huyện Vĩnh Thuận thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Ông Trần Quý Dân, Chủ tịch UBND xã Phong Đông (huyện Vĩnh Thuận) chia sẻ, để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam, huyện và các ngành liên quan đã vận động, tuyên truyền các hộ dân bị ảnh hưởng thu hồi đất hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và lợi ích của công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Bên cạnh đó, Nhà nước định giá đất bồi thường giải tỏa gắn với thực hiện tái định cư và các chính sách khác hợp lý nên hầu hết các hộ dân đều đồng thuận.

Theo lãnh đạo huyện Vĩnh Thuận, vẫn còn những trường hợp chưa nhận tiền bồi thường, không thống nhất quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đề nghị xem xét lại giá bồi thường. Ngoài ra, còn 11 trường hợp đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, ký biên bản bàn giao mặt bằng, nhưng không bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công vì cho rằng giá bồi thường thấp.

Trước mắt, huyện tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường vận động, tuyên truyền người dân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng. Đồng thời, rà soát lại trình tự, thủ tục thu hồi đất và thành lập Ban cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục