Kiên Giang: Đặt hàng nghiên cứu nhưng thiếu kinh phí nhân rộng

09:15' - 11/07/2024
BNEWS Theo Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang, trong 5 năm qua, tỉnh có 200 đề tài, dự án khoa học và công nghệ được nghiên cứu, thí điểm và có gần 170 đề tài, dự án hoàn thành và được đánh giá nghiệm thu.

Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang phối hợp với Trường Đại học Kiên Giang, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh Kiên Giang - Thực trạng và giải pháp”.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết, thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt những kết quả đáng ghi nhận và từng bước khẳng định vai trò động lực, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Các kết quả nghiên cứu khoa học, giải pháp công nghệ được chuyển giao, nhân rộng vào sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Song, hoạt động chuyển giao, ứng dụng, nhân rộng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, giải pháp công nghệ vào sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, khó khăn cần được trao đổi, phân tích, làm rõ, nhất là việc xác định đúng nguyên nhân để tìm ra giải pháp tháo gỡ.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày những tham luận như thực trạng, giải pháp nâng cao giải pháp nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao của Trường Đại học Kiên Giang; hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh với định hướng ứng dụng chuyển giao trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; nghiên cứu tận dụng nguồn protein từ bã bia để nuôi gà hướng an toàn sinh học; nghiên cứu phát triển sản phẩm thực phẩm từ cám gạo; bảo tồn và nuôi thương phẩm kỳ tôm; giải pháp thu gom, bổ cập và khai thác nước dưới đất ở quần đảo Nam Du…

Theo bà Bùi Thanh Hằng, đại diện Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay cần phải thúc đẩy thương mại hóa giải pháp đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển bền vững. Xu hướng trong đổi mới sáng tạo trọng tâm là tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; trong đó có tái sinh kinh tế biển xanh, năng lượng tái tạo, doanh nghiệp chuyển đổi số.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang, trong 5 năm qua, tỉnh có 200 đề tài, dự án khoa học và công nghệ được nghiên cứu, thí điểm và đã có gần 170 đề tài, dự án đã hoàn thành và được đánh giá nghiệm thu; trong đó có 2 đề tài, dự án cấp quốc gia, 51 đề tài, dự án cấp tỉnh, còn lại là cấp cơ sở.

Các đề tài, dự án được triển khai đều bám sát nhu cầu thực tiễn của tỉnh. Điển hình như trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp đã nghiên cứu chọn tạo các giống lúa ngắn ngày chống chịu mặn (06‰ trong suốt giai đoạn sinh trưởng), năng suất cao và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; đã chọn tạo được 2 giống lúa GKG31 và GKG35. Đồng thời, tuyển chọn và phục tráng các giống lúa mùa đặc sản cho vùng U Minh Thượng (Ba Bụi, Một Bụi và Tiêu Chệt).

Tỉnh cũng đã nghiên cứu và xây dựng các quy trình kỹ thuật sản xuất giống, nuôi thương phẩm của nhiều đối tượng thủy sản có giá trị như: Ghẹ xanh, ốc hương, sò huyết, nghêu lụa, cầu gai, cá bóp, cá ngựa, cá chạch lấu, cá chim vây vàng, cá trê suối Phú Quốc, cá thát lát, tôm càng xanh toàn đực, tôm thẻ chân trắng đạt tiêu chuẩn VietGAP…

Tuy nhiên, trong triển khai ứng dụng nhân rộng cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Ngân sách cho khoa học và công nghệ chủ yếu thí điểm, phần chuyển giao, nhân rộng thuộc ngân sách nhà nước ngành và địa phương. Trong khi đó, do một số khó khăn về cơ chế nên các ngành, địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí đẩy mạnh việc triển khai nhân rộng trên chính kết quả nghiên cứu mà trước đây mình đặt hàng.

Biện pháp, cách thức cho ứng dụng, nhân rộng còn thực hiện độc lập theo từng chương trình, lĩnh vực ngành (Chương trình khuyến nông, khuyến ngư; khuyến công, hỗ trợ từ các tổ chức, ngân hàng), chưa có sự gắn kết, khai thác áp dụng kết hợp của nhiều chương trình, chính sách, dẫn tới chưa huy động được nguồn lực để thúc đẩy triển khai ứng dụng, nhân rộng quy mô lớn, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Ông Huỳnh Vĩnh Lạc, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang cho biết, Hội thảo đã làm rõ được thực trạng về quản lý, khai thác chính sách hỗ trợ cho ứng dụng; những thuận lợi, khó khăn, bài học kinh nghiệm trong nghiên cứu, ứng dụng. Đặc biệt, các ý kiến thảo luận sâu đề xuất được các giải pháp phù hợp, căn cơ, có tính khả thi sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp cho công tác triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ của tỉnh thuận lợi, đạt kết quả hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục