Kiên Giang huy động nguồn lực thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa

17:19' - 26/07/2024
BNEWS Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn", những năm qua, các cấp, ngành trong tỉnh Kiên Giang huy động mọi nguồn lực thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có công.

Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có trên 120.000 người có công với cách mạng được công nhận và hưởng chế độ, chính sách. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn", những năm qua, các cấp, ngành trong tỉnh huy động mọi nguồn lực thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có công.

 

Phát huy đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"

Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Thi, ấp Hòa B, xã Hòa Lợi là một trong 4 mẹ còn sống ở huyện Giồng Riềng. Dù đã bước sang tuổi 90 nhưng mẹ vẫn rất minh mẫn khi trò chuyện với Đoàn Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cùng Ủy ban nhân dân xã Hòa Lợi đến thăm nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2024). Xen lẫn cảm xúc nghẹn ngào khi nhắc đến sự hy sinh của chồng và người con trai lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ chính là niềm tự hào, phấn khởi của mẹ Thi.

Mẹ Trần Thị Thi chia sẻ, chồng mẹ là liệt sỹ Lê Văn Hạnh, nguyên Trưởng Ban Công an xã Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng. Trong một lần trực tiếp đánh trả với quân địch, ông đã hy sinh vào tháng 3/1971, khi mới 37 tuổi. Nối tiếp truyền thống cách mạng cha ông, anh Lê Bình Dân, con trai lớn của mẹ tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam và hy sinh trong trận càng quét của quân Mỹ vào tháng 1/1973.

Mẹ Thi cho biết, sự hy sinh của chồng và con đã góp một phần nhỏ vào sự nghiệp giải phóng dân tộc nên mẹ cùng 3 người con còn lại nén nỗi đau thương thành niềm tự hào dân tộc. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, các con, cháu của mẹ Thi tiếp nối truyền thống cách mạng, tham gia công tác tại một số cơ quan trong tỉnh Kiên Giang.

“Tôi và các con, cháu càng phấn khởi hơn khi nhìn thấy sự đổi thay, phát triển của quê hương, đất nước qua từng thời kỳ. Đặc biệt, công tác chăm lo cho gia đình chính sách luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầy đủ, kịp thời. Riêng gia đình tôi được tặng nhà tình nghĩa năm 2005 và đến năm 2019 được sửa chữa. Ngoài ra, tôi còn được 3 đơn vị của tỉnh, huyện nhận phụng dưỡng, thường xuyên đến thăm hỏi, động viên…”, mẹ Thi nói

Trong căn nhà tình nghĩa còn thơm mùi sơn vừa được bàn giao nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 mới đây, bà Nguyễn Thị Náng, ngụ xã Vĩnh Thạnh, huyện Giồng Riềng xúc động chia sẻ, gia đình vô cùng cảm ơn chính quyền địa phương quan tâm xây dựng căn nhà để vợ chồng bà yên tâm sinh sống.

Bà Náng cho biết, cha của bà là liệt sỹ Nguyễn Văn Vũ, hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trước khi được tặng nhà mới, gia đình bà Náng ở trong căn nhà xuống cấp, có nguy cơ đổ ngã bất cứ lúc nào nếu gặp phải dông, gió.

Vợ chồng bà lớn tuổi và làm ruộng nên thu nhập chỉ đủ chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, dù có tích lũy nhưng vẫn không thể đủ xây được căn nhà kiên cố. Được Nhà nước tặng 70 triệu đồng để xây nhà tình nghĩa, vợ chồng bà rất vui mừng. Bà cũng được tặng thẻ bảo hiểm y tế, nhận trợ cấp tiền thờ cúng liệt sỹ... Sự quan tâm này thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam, bà Náng cho hay.

Tập trung nguồn lực cho công tác đền ơn đáp nghĩa

Là một trong những huyện, thành phố có nhiều gia đình chính sách của tỉnh, công tác đền ơn đáp nghĩa được huyện Giồng Riềng đặc biệt chú trọng và Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang biểu dương nhiều năm qua.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng Cao Quốc Điện cho biết, thời gian qua, cùng với thực hiện tốt chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, hằng năm, huyện tổ chức đi thăm, tặng quà đối tượng người có công vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ, Tết Nguyên đán khoảng 17.000 suất quà; đưa gần 1.200 người có công đi điều dưỡng; xây dựng mới, sửa chữa 473 căn nhà tình nghĩa (từ năm 2021 đến nay); tặng 7 sổ tiết kiệm cho Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Thời gian tới, huyện tiếp tục nắm tình hình, đánh giá đúng nguồn lực ở địa phương, từ đó, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, huy động mọi nguồn lực trong thực hiện chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng để họ được thụ hưởng kịp thời, đầy đủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng Cao Quốc Điện chia sẻ.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Kiên Giang, toàn tỉnh hiện có trên 120.000 người có công với cách mạng được công nhận và hưởng chế độ chính sách. Trong đó, có hơn 1.700 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 15.500 liệt sỹ, hơn 10.000 thương binh, gần 400 bệnh binh, gần 2.500 người hoạt động kháng chiến, con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học…

Thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn", những năm qua, các cấp, ngành trong tỉnh triển khai đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với người có công.

Hằng năm, tỉnh chi trả từ 200 - 300 tỷ đồng cho các đối tượng được hưởng chế độ, chính sách; vận động cơ quan, doanh nghiệp đóng góp hàng tỷ đồng tặng quà gia đình chính sách và người có công trong dịp lễ, Tết; thường xuyên tu bổ, sửa chữa nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm; tặng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách. Tỉnh tổ chức nhiều chuyến công tác tìm kiếm hài cốt liệt sỹ đã hy sinh trên đất bạn Campuchia và các chiến trường trong nước để đưa về an táng ở nghĩa trang liệt sỹ trong tỉnh.

Để công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công được thực hiện tốt hơn thời gian tới, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với người có công.

Tỉnh kết hợp bố trí ngân sách nhà nước với đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội thực hiện các mặt công tác chăm lo cho gia đình và người có công. Đặc biệt là công tác tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sỹ, các công trình ghi công, tưởng niệm; xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, người có công gặp khó khăn về nhà ở.

“Một trong những mặt công tác quan trọng nữa là chúng tôi đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền khích lệ, động viên ý chí tự lực vươn lên của các gia đình và người có công với cách mạng. Kịp thời biểu dương, khen thưởng tấm gương thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công tiêu biểu về ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước để tạo sự lan tỏa trong nhân dân”, Phó Chủ tịch Ủy ban dân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung nhấn mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục