Kiến nghị dừng hoạt động Nhà máy mía đường Hòa Bình (Thanh Hóa)

19:02' - 09/05/2016
BNEWS UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường về vụ việc, trong đó có kiến nghị dừng hoạt động đối với Nhà máy mía đường Hòa Bình.
Cá chết hàng loạt do ô nhiễm nguồn nước trên sông Bưởi (Thanh Hóa). Ảnh minh họa: Đậu Tất Thành-TTXVN

Ngày 9/5, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: UBND tỉnh đã làm báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cá chết hàng loạt trên sông Bưởi (đoạn qua huyện Thạch Thành) và sông Bạng (huyện Tĩnh Gia) tỉnh Thanh Hóa.

Trong đó, UBND tỉnh có kiến nghị dừng hoạt động đối với Nhà máy mía đường Hòa Bình, yêu cầu phía Nhà máy Mía đường Hòa Bình cũng phải có biện pháp hỗ trợ các hộ dân nuôi cá lồng trên địa bàn huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

Báo cáo cũng nêu rõ sự cố ô nhiễm môi trường dọc sông Bưởi là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, sức khỏe và đời sống của nhân dân dọc sông Bưởi (15 xã của huyện Thạch Thành, 7 xã của huyện Vĩnh Lộc) và vùng hạ lưu.

Bước đầu các cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước sông Bưởi là do nước xả thải của Nhà máy mía đường Hòa Bình (trên địa bàn Cụm công nghiệp Lạc Sơn, xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình).

Trong thời gian từ ngày 15/3/2016 đến 25/4/2016, Nhà máy này đã xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra sông Bưởi, với lưu lượng 250 m3 - 300 m3/ngày đêm.

Thực trạng ô nhiễm nguồn nước này đã khiến cá sông và cá nuôi lồng bị chết hàng loạt. Riêng số cá lồng của các hộ dân nuôi dọc sông Bưởi bị chết đã lên đến 17,38 tấn.

Hiện UBND huyện Thạch Thành đang rà soát các hộ dân bị thiệt hại để có giải pháp hỗ trợ kịp thời (bằng gạo và tiền) nhằm đảm bảo đời sống hàng ngày cho nhân dân; đồng thời có chính sách hỗ trợ để đảm bảo cuộc sống lâu dài cho các hộ bị thiệt hại.

Về việc cá chết trên sông Bạng thuộc xã Hải Thanh và Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, các cơ quan chức năng cũng đã xác định được 4 hộ có cá bị chết với khối lượng khoảng 1,5 tấn. Nguyên nhân bước đầu được xác định do ô nhiễm dầu của tàu, thuyền ra vào cầu cảng của hai xã này gây ra.

Việc nuôi cá lồng của các hộ dân ở xã Hải Thanh và Hải Bình là tự phát bởi từ năm 2012, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu di chuyển các lồng cá tại đây đến khu vực quy hoạch để đảm bảo an toàn giao thông cho tàu thuyền tránh trú bão.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ chỉ đạo quyết liệt để di dời toàn bộ số lồng nuôi cá của ngư dân hai xã Hải Thanh và Hải Bình ra khỏi khu vực neo đậu tàu thuyền kể trên./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục