Kiến nghị tính lại tải trọng áp dụng cho tổ hợp xe đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc

21:09' - 02/12/2016
BNEWS Hiện nay các cơ quan chức năng đang chia tách đầu kéo và sơ mi rơ moóc ra từng phần riêng để kiểm tra tải trọng.

Tại buổi tọa đàm “Những vướng mắc pháp lý liên quan đến lĩnh vực vận tải hàng hóa và những kiến nghị”, do Hiệp hội vận tải hàng hóa Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 2/12, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa cho rằng, chủ trương của Chính phủ về kiểm soát tải trọng xe, chống xe chở hàng quá tải là hết sức đúng đắn và doanh nghiệp hoàn toàn đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, một số quyết định triển khai liên quan đến giải pháp chống xe chở hàng quá tải; trong đó, có cách tính tải trọng áp dụng cho tổ hợp xe đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc, hay việc điều chỉnh kỹ thuật sơ mi rơ moóc di chuyển cụm trục xe, hoặc chốt kéo là không phù hợp với thực tế khách quan và đặc thù của phương tiện xe tổ hợp đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc.

Ông Thái Văn Chung, Phó Chủ tịch, Hiệp hội vận tải hàng hóa Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, quy định về cách tính tải trọng áp dụng cho tổ hợp xe đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc chở container và chở hàng rời, sắp thép… chưa phù hợp.

Đây là việc làm không cần thiết và không phù hợp. Bởi lẽ, xe đầu kéo và sơ mi rơ moóc là hai thiết bị gắn liền mật thiết với nhau, tạo thành tổ hợp phương tiện chuyên dụng để vận chuyển container tiêu chuẩn, bảo đảm an toàn giao thông, thuận tiện và hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc xếp, dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu lên xuống từ nhà máy đến các cảng, lên tàu biển và ngược lại.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, trong thời gian thực hiện việc cải tạo sơ mi rơ moóc cũ (giai đoạn từ 2014-2016), Cục Đăng kiểm Việt Nam thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã liên tục thay đổi tải trọng thiết kế, tải trọng toàn bộ sơ mi rơ moóc khi tham gia giao thông, dẫn tới việc doanh nghiệp vận tải phải chạy theo chính sách đầu tư, đổi mới phương tiện liên tục, tránh sự lạc hậu và để không bị cạnh tranh trên thị trường. Điều này, gây không ít tốn kém chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm tiến hành cải tạo sơ mi rơ moóc, hàng nghìn sơ mi rơ moóc loại 20 feet, 2 trục, 3 trục bị biến thành phế liệu, do không đưa vào sử dụng được. Bởi muốn cải tạo và nâng tải sơ mi rơ moóc thì bắt buộc thiết kế lùi trục ra phía sau, gây khó khăn cho việc ra vào kho bãi, vốn đã rất chật hẹp và gây mất an toàn giao thông.

Bàn về tải trọng cầu và tải trọng phương tiện, ông Phạm Văn Lợi, Giám đốc, Công ty Vận tải Trường Lợi (quận 4) đã kiến nghị chính quyền địa phương bãi bỏ bảng cấm tải 10 tấn trên đường Bùi Thanh Khiết, huyện Bình Chánh. Vì đây là đường nối Quốc lộ 1A với cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương, kết nối về các tỉnh miền Tây, trong khi xe tải, xe đầu kéo, xe chở container không lưu thông được.

Ngoài ra, bãi bỏ biển báo hạn chế trọng lượng xe 30 tấn qua cầu và xe 10 tấn qua đường trên một số cầu như cầu Sài Gòn, Tân Tạo, Thầy Cai, Phú Xuân, Bà Kỳ, Long Khê… vốn là những cầu kết nối vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, cảng biển trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An.

Ông Lâm Đại Nghĩa, Giám đốc, Công ty TNHH dịch vụ thương mại vận tải Đại Vinh kiến nghị, Cục Đăng kiểm Việt Nam cần đề xuất Bộ Giao thông Vận tải bãi bỏ quy định về chiều dài sơ mi rơ moóc để tính tải trọng; đồng thời, chưa xử phạt tải trọng trục theo Nghị định 46/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ.

Tại buổi tọa đàm, Hiệp hội vận tải hàng hóa Tp. Hồ Chí Minh đã kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết dừng xử phạt người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện vi phạm chở hàng quá tải trọng trục đối với xe tổ hợp đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc được áp dụng từ 1/1/2017.

Bộ Giao thông Vận tải cũng cần ban hành quyết định dừng cải tạo sơ mi rơ moóc và thay đổi cách tính tải trọng áp dụng cho tổ hợp xe đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc, để vừa bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện hạ tầng giao thông đã được Nhà nước đầu tư mới, nâng cấp đồng bộ, có chất lượng cao hơn so với trước đây.

Mặt khác, Hiệp hội vận tải hàng hóa Tp. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu chế xuất … rà soát lại toàn bộ hệ thống cầu đường bộ gắn biển báo tải trọng thấp và có giải pháp phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa hoạt động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục