Kiên quyết xử lý các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chuyển đổi

15:59' - 10/06/2022
BNEWS Tỉnh kiên quyết xử lý các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chuyển đổi; địa phương nào để phát sinh vi phạm, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm.
Hải Dương xử lý tình trạng công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chuyển đổi. Ảnh minh họa: TTXVN
Ngày 10/6, tại cuộc họp thường kỳ tháng 6/2022 (lần 2) của UBND tỉnh Hải Dương, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản khẳng định: tỉnh kiên quyết xử lý các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chuyển đổi; địa phương nào để phát sinh vi phạm, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

 
Tại cuộc họp, báo cáo về tình trạng quản lý, sử dụng đất nông nghiệp chuyển đổi và và vi phạm xây dựng nhà trông coi trên đất chuyển đổi, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương cho biết, vi phạm chủ yếu là xây dựng nhà với quy mô quá diện tích cho phép.

Các ý kiến tại cuộc họp nhìn nhận việc cho người dân làm nhà trông coi trên đất chuyển đổi là nhu cầu thực tế nhưng với quy định hiện hành, việc quản lý đang gặp rất nhiều khó khăn. Có tình trạng người dân lợi dụng vào quy định này để xây nhà kiên cố.

Phó Chủ tịch thường trực UBND Lưu Văn Bản cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự buông lỏng quản lý ở các địa phương, sự phối hợp của ngành nông nghiệp, tài nguyên và môi trường và xây dựng không tốt.

Đánh giá đây đang là vấn đề nhức nhối của toàn tỉnh và đến lúc phải tuýt còi, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản khẳng định quan điểm sẽ kiên quyết xử lý các công trình vi phạm, không để phát sinh vi phạm mới.

Do đó, UBND cấp huyện cần khẩn trương rà soát, thống kê, báo cáo số lượng các công trình đang xây dựng trái phép trên đất chuyển đổi, phân loại về quy mô, thời gian và mức độ vi phạm, từ đó đưa giải pháp để từng bước khắc phục, tháo dỡ và không để phát sinh vi phạm mới.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần rà soát, thống kê đánh giá tất cả các diện tích đất do UBND cấp xã quản lý trong đó thống kê diện tích đã biến tướng, giao cho các tổ chức, cá nhân chuyển sang sử dụng với mục đích khác.

Chậm nhất 15/7/2022, các địa phương phải có báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng UBND tỉnh. Văn phòng UBND tỉnh phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện báo cáo trình Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương.

Cuộc họp cũng xem xét tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương về việc ban hành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh.

Theo thông tin tại cuộc họp, khoáng sản của Hải Dương tập trung chủ yếu tại các vùng Chí Linh, Kinh Môn với các loại: đất sét, đá vôi, than, cát... Trong xu thế phát triển hiện nay rất cần một lượng lớn vật liệu xây dựng phục vụ thi công san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng.

UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho tỉnh quy hoạch một số mỏ để đấu thầu, phục vụ nhu cầu khoáng sản, tuy nhiên, nguồn cung phục vụ cho nhu cầu này vẫn có những điểm nghẽn. Mặt khác, hoạt động khai thác khoáng sản còn liên quan đến việc quản lý các di tích.

Các ý kiến tại cuộc họp đều đồng tình cao về sự cần thiết phải ban hành phương án. Ông Hoàng Văn Thực, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng ngoài 1.339 khu vực cần bảo vệ khoáng sản nghiêm ngặt, Sở đề nghị các địa phương và sở ngành rà soát tiếp.

Một số ý kiến cũng cho rằng để giúp cho người dân dễ tiếp cận, nhận diện góp phần để nâng cao hiệu quả bảo vệ, phương án cần có bản đồ để trực quan hóa và công bố cho người dân biết.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản giao Sở Tài Nguyên và Môi trường tiếp thu các ý kiến, làm rõ vị trí, quy mô, địa điểm của các khu vực có khoáng sản cần bảo vệ, chuyển địa phương rà soát, bổ sung, sửa đổi danh mục và phương án gửi về sở Tài Nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt. Việc phân vùng khoáng sản cần gắn với quy hoạch tỉnh để tránh vướng mắc trong quá trình triển khai.

Về bất cập trong quản lý các dự án hoạt động bến bãi ngoài đê, có tình trạng phát sinh nhà đầu tư thứ cấp nhưng không báo cáo cơ quan quản lý, Phó Chủ tịch Lưu Văn Bản cho biết UBND tỉnh đã quyết định lập đoàn thanh tra và đề nghị các địa phương tập trung rà soát, xử lý nghiêm những trường hợp này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục