Kiên trì thực hiện hiệu quả các giải pháp tại Nghị quyết 01

20:29' - 02/04/2018
BNEWS Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ đã thống nhất mục tiêu phấn đấu đạt GDP tối thiểu là 6,7% và cố gắng đạt cao hơn để tạo đà cho năm 2019 và các năm tiếp theo.
Quang cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Chiều ngày 2/4, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ cũng thống nhất mục tiêu phấn đấu đạt GDP tối thiểu là 6,7% và cố gắng đạt cao hơn để tạo đà cho năm 2019 và các năm tiếp theo. 

“Do đó, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tuyệt đối không hài lòng, tự mãn với những kết quả đã đạt được. Đồng thời, kiên trì, khẩn trương thực hiện hiệu quả các giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (Nghị quyết 01); đề xuất giải pháp phù hợp với những kịch bản, diễn biến mới...”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin, tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực với 8 kết quả nổi bật. Thứ nhất, tăng trưởng GDP quý I/2018 tăng 7,38%, cao nhất trong 10 năm qua, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 5,15% của cùng kỳ năm 2017 và mức tăng 5,48% của cùng kỳ năm 2016.

Bốn động lực chính của tăng trưởng là ngành công nghiệp và xây dựng, tăng 9,70%; ngành chế biến chế tạo với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,9%; ngành nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,05%; ngành dịch vụ tăng 6,70%.

Tăng trưởng đạt mức cao song lạm phát trong tầm kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2018 giảm 0,27% so với tháng trước (cùng kỳ tăng 0,21%). CPI bình quân quý I/2018 chỉ tăng 2,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2017; tăng 0,97% so với tháng 12/2017 và tăng 2,66% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% (cùng kỳ tăng 6,4%), cho thấy tổng cầu, sức mua của người dân tiếp tục được cải thiện đáng kể. Nikkei vừa công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3/2018 của Việt Nam đạt 51,6 điểm, mặc dù giảm so với tháng 2, nhưng là một trong 2 nước của Đông Nam Á (Myanmar đạt 53,7 điểm) có điểm số cao nhất, trên 50 điểm.

Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh ước đạt 54,31 tỷ USD, tăng 22% (cùng kỳ tăng 12,8%), trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 18,9%, cao hơn mức tăng 12,1% cùng kỳ; tiếp tục xuất siêu 1,3 tỷ USD. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện...

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế. Đó là tuy số doanh nghiệp thành lập mới có tăng với gần 27.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 1,2% về số doanh nghiệp và tăng 2,7% về số vốn đăng ký, nhưng mức tăng thấp hơn cùng kỳ. Mặc dù CPI tháng 3 giảm và quý I tăng thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ, không thể chủ quan về lạm phát.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo trong thời gian tới khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ do trong năm 2017 và quý I vừa qua đã tăng rất cao. Thương mại có thể gặp khó khăn do áp lực bảo hộ thương mại và các biện pháp phòng vệ từ các nước. Sản xuất nông nghiệp đã dần ổn định và có bước tăng trưởng, nhưng biến đổi khí hậu, thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.

“Cũng trong tháng 3 vừa qua, chúng ta đã ký kết Hiệp định CPTPP, tổ chức nhiều sự kiện lớn như Hội nghị cấp quốc gia về phòng chống thiên tai, tổ chức thành công các sự kiện đối ngoại lớn như Hội nghị GMS 6 và CLV 10 hết sức thành công với nhiều sáng kiến của Việt Nam được đưa ra, nhất là việc tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS. Tất cả cả nước đều ủng hộ những vấn đề Việt Nam đưa ra để thúc đẩy hợp tác trong khu vực.”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, về kịch bản tăng trưởng GDP năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ hai kịch bản. Kịch bản thứ nhất là tốc độ tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7%. Đây là mục tiêu tương đối khả thi với điều kiện các giải pháp đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP và bối cảnh có nhiều thuận lợi, nền kinh tế không bị tác động lớn do những yếu tố bất lợi từ kinh tế thế giới.

Kịch bản thứ hai là tốc độ tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,8%. Đây là kịch bản phấn đấu để các ngành, các cấp nỗ lực, tận dụng mọi cơ hội trong điều kiện thuận lợi cả ở trong nước và quốc tế, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò động lực chính và đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, từng thành viên Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, 19-2017/NQ-CP, 35/NQ-CP, Chị thị 240 của Thủ tướng và Chương trình hành động của Bộ ngành, địa phương. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.

Chính phủ sẽ tiếp tục coi công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Đồng thời, đẩy mạnh rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở đối với phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải sửa ngay nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chính trên các lĩnh vực như: kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô; giải ngân vốn đầu tư công; tài chính - ngân sách; nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ và du lịch; giao thông vận tải; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục