Kim ngạch trao đổi hàng hóa Việt Nam - Hoa Kỳ dự kiến đạt 40 tỷ USD

17:01' - 10/12/2015
BNEWS Quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có sự cải thiện nhanh chóng và phát triển mạnh mẽ không chỉ về kinh tế, thương mại mà còn ở các lĩnh vực khác.
Chế biến hạt điều xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Nhật Huy (Bình Dương). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

20 năm kể từ ngày Việt Nam – Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, giao thương giữa hai nước từ con số 0 thương mại hai chiều đã bùng nổ lên 36,3 tỷ USD vào cuối năm 2014 và dự kiến năm 2015 sẽ lên đến 40 tỷ USD. Hoa Kỳ đã trở thành đối tác thương mại, nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam.

Điều này phản ánh nét tiêu biểu nhất trong quan hệ kinh tế hai nước cả về quy mô và gia tăng tốc độ phát triển kinh tế.

*TPP- sợi dây thắt chặt

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có sự cải thiện nhanh chóng và phát triển mạnh mẽ không chỉ về kinh tế, thương mại mà còn ở các lĩnh vực khác.

Đặc biệt, khi một loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã và đang được ký kết sẽ là lực đẩy tạo ra dòng chảy thương mại giữa các quốc gia và các đối tượng tham gia.

Cụ thể trong số các Hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mang lại những thuận lợi vô cùng lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Vụ trưởng Vụ thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương) Nguyễn Duy Khiên cho biết, tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt trên 36 tỷ USD năm 2014; trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ lên tới gần 30,6 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2013.

Mặc dù xuất siêu sang Hoa Kỳ, nhưng tổng thị phần xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm 1,3% trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ năm 2014.

Đóng gói Yến xào xuất khẩu tại Nhà máy Chế biến nguyên liệu Yến sào tại huyện Diên Khánh (Khánh Hòa). Ảnh: Vũ Sinh-TTXVN

Đây là thị trường có dung lượng nhập khẩu lớn, dân số đông, nhu cầu hàng hóa cho sản xuất và tiêu thụ ở mức cao. Phần lớn người tiêu dùng vẫn ưa chuộng hàng nhập khẩu, phù hợp với hàng hóa của Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có mức tăng trưởng mạnh so với các thị trường khác.

Nếu như năm 1995, Việt Nam mới bắt đầu tiếp cận thị trường này thì vào thời điểm hai nước ký Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) năm 2000, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đã tăng lên 800 triệu USD và đến cuối năm 2014, tổng kim ngạch thương mại hai nước đã tăng gấp hơn 4 lần.

Không chỉ vậy, Hoa Kỳ còn trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với các mặt hàng may mặc, đồ điện tử, giày dép, gạo, cá… Về đầu tư, tuy tiếp cận thị trường Việt Nam khá muộn, nhưng tính đến tháng 6/2015, Hoa Kỳ đã vươn lên thứ 7 trong số các quốc gia và lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam với tổng vốn FDI là 10,7 tỷ USD.

Đại diện của ngành có kim ngạch xuất khẩu khá nhiều vào thị trường Mỹ, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ, d ù khó khăn nhưng cho đến nay Hoa Kỳ vẫn là thị trường số 1 của hàng dệt may Việt Nam.

Hiện Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu dệt may với 23 tỷ USD giá trị. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của cả hai ngành là dệt may và da giày khi vào TPP sẽ gặp khó khăn bởi Hoa Kỳ đã khởi xướng quy tắc xuất xứ từ sợi.

Để được hưởng ưu đãi thuế quan, các mặt hàng phải sử dụng nguyên liệu trong các nước thành viên TPP. Khi đó, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn còn đang phụ thuộc nguyên vật liệu 60-70% bên ngoài và chủ yếu nhập từ Trung Quốc- nước không tham gia TPP. Đây quả là một thách đố cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tự tin rằng thị trường Hoa Kỳ sẽ đón nhận sản phẩm công nghiệp Việt Nam trong tương lai gần ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Tôn thép Hoa Sen cho biết đã sớm dự báo được tình hình và Tập đoàn đã tập trung đầu tư mở rộng sản xuất, với công nghệ hiện đại.

Tháng 6/2015, Tập đoàn đã khánh thành giai đoạn 1 nhà máy tôn Hoa Sen Nghệ An ở Khu công nghiệp Nam Cấm, khởi công xây dựng Nhà máy Hoa Sen Nghệ An tại Khu công nghiệp Đông Hồi với việc đầu tư dây chuyền cán nguội với công suất thiết kế 1,2 triệu tấn/năm, dây chuyền sản xuất tôn mạ với tổng công suất thiết kế 1 triệu tấn/năm…

Đây là cơ sở vững chắc để Tập đoàn Hoa Sen nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh để đón đầu xu thế hội nhập ngay khi Hiệp định TPP có hiệu lực.

*Chủ động đón đầu cơ hội

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, TPP có thể sẽ không mang lại ngay sự tăng trưởng đột biến nào đó trong kinh tế, nhưng đó chính là một cú hích quyết liệt thúc đẩy kinh tế Việt Nam đổi mới toàn diện, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh một cách bứt phá.

Dây chuyền may hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Hà Nội (Thái Nguyên). Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Đặc biệt, ngay thời điểm này, đón đầu cơ hội trong TPP đã có những doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào khâu dệt nhuộm của ngành dệt may ở Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đề nghị mở rộng đơn hàng cho giày dép có mức độ sản xuất phức tạp, chất lượng từ trung bình đến khá. Điều này cho thấy TPP được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại động lực phát triển cho quan hệ hai nước.

Để tăng cường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào Hoa Kỳ , Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khuyến cáo các doanh nghiệp cần kinh doanh có chuyên môn hóa cao và chính quyền địa phương cũng cần có những chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện th uận lợi tối ưu cho doanh nghiệp .

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng, đàm phán các Hiệp định thương mại và mở cửa thị trường mới chỉ dừng lại ở một câu chuyện chứ không thể lồng ghép cả sản xuất và xuất khẩu vào trong đó được.

Hơn nữa, muốn tăng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ cần cuộc cách mạng về đổi mới của cộng đồng doanh nghiệp. Chính vì vậy, điều kiện tiên quyết đối với sản xuất kinh doanh phải chuyên môn hóa cao và đặt mục tiêu về tiêu chuẩn an toàn và vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu.

Ngoài ra, Chính phủ và chính quyền địa phương cũng cần hỗ trợ thêm việc cải cách thể chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi tối ưu cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Đưa ra các biện pháp giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, các chuyên gia thương mại cho rằng cần tăng cường thông tin về thị trường Hoa Kỳ cho doanh nghiệp Việt Nam và thông tin về Việt Nam cho doanh nhân khu vực.

Đẩy mạnh cung cấp thông tin hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến; tổ chức các đoàn đi hội chợ, triển lãm, khảo sát thị trường tìm đối tác, bạn hàng; mời các đoàn nước ngoài vào làm việc, hội thảo, gặp gỡ doanh nghiệp và tham dự hội chợ, triển lãm tại Việt Nam.

Hiện Hoa Kỳ đang có hơn 720 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, xếp thứ 7 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Riêng trong quý I/2015, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đầu tư 8 dự án mới với tổng số vốn đạt 67,83 triệu USD. Đây là tín hiệu để kỳ vọng đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục