Kim ngạch xuất khẩu tại Bình Dương duy trì mức tăng 37,3% so với cùng kỳ

18:34' - 07/09/2021
BNEWS Theo UBND tỉnh Bình Dương, 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt 23 tỷ USD, duy trì mức tăng 37,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong số đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn bảo đảm mức tăng khá như: máy móc, thiết bị với mức tăng 54,3%; sản phẩm đồ gỗ với mức tăng 44,2%; lĩnh vực giày dép với mức tăng 22,3%; dệt may với mức tăng 22,1%...
Riêng tháng 8, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên diện rộng nên nhiều ngành nghề sản xuất bị đình trệ, kéo dài khiến các mặt hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng lớn trên với mức giảm tới 12,3% so với tháng trước.
Về kim ngạch nhập khẩu tháng 8 cũng giảm 16,3% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 8 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu của Bình Dương đạt 18,3 tỷ USD.
Việc xuất khẩu đạt giá trị kim ngạch lớn so với nhập khẩu góp phần duy trì mức xuất siêu cho Bình Dương, vượt hơn 4,5 tỷ USD.
Trong khi đó, về lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8 đạt 17.541 tỷ đồng, giảm sâu ở mức 19,2% so với cùng kỳ năm 2020.  Lũy kế 8 tháng năm 2021, doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt 166.966 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, các chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, có một số mặt hàng có chỉ số giá tăng cao như: giao thông tăng 8,4%, hàng hóa tăng 4,5%, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,3%.
UBND tỉnh Bình Dương cho biết, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của hàng ngàn doanh nghiệp. Vậy nên hầu hết các chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều đã giảm trong tháng 8 so với tháng trước và cùng kỳ năm trước
UBND tỉnh Bình Dương cho biết thêm, bài toán lớn nhất là sau khi trở về trạng thái bình thường mới, việc phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp sẽ gặp thách thức và khó khăn về nguyên liệu đầu vào, nhân công, nợ ngân hàng và thiếu vốn...

Thực tế, chuỗi cung ứng nguồn nguyên vật liệu đang bị hạn chế, chi phí vận tải cũng tăng cao đè nặng lên lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.
Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang nới lỏng các huyện "vùng xanh" nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nối lại hoạt động "3 tại chỗ".

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp cần chủ động triển khai các giải pháp thích ứng với điều kiện sản xuất trong tình hình mới, duy trì chuỗi cung ứng sản phẩm, ổn định việc làm và thu nhập để giữ chân người lao động sau khi hết dịch nhằm  khôi phục lại sản xuất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục