Kinh nghiệm về giải phóng mặt bằng và chuyển đổi đất rừng các dự án truyền tải

15:37' - 21/01/2021
BNEWS Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung cho biết, việc bồi thường giải phóng mặt bằng và các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải rất phức tạp.

Ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung-CPMB (Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia-EVNNPT) cho biết, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) và các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải mang một nét đặc thù riêng, rất phức tạp.

Theo đó, công việc thường xuyên phải tiếp xúc và làm việc với rất nhiều thành phần từ người dân và các cơ quan, đơn vị như: chủ tài sản, chính quyền địa phương từ cấp xã, phường, cấp huyện, tỉnh, các bộ ngành và Chính phủ.

Ngoài ra, rất nhiều văn bản quy định Nhà nước liên quan đến công tác này được ban hành song song với nhau; cũng công việc này, Nghị định này, nhưng triển khai tại mỗi địa phương khác nhau lại có những nét đặc thù riêng biệt.

Theo ông Tuyển, quy hoạch sử dụng đất được lập cho các dự án có nhu cầu giai đoạn 5 năm, 10 năm. Vì vậy, trong các giai đoạn trong kỳ, cần kiểm tra, hiệu chỉnh bổ sung kịp thời cho các địa phương để đưa vào kế hoạch sử dụng hàng năm.

Sau khi Báo cáo nghiên cứu khả thi (Fs) được duyệt, các Ban quản lý dự án cần thực hiện đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm theo tiến độ dự án và thường xuyên cập nhật bổ sung khi có phát sinh thay đổi.

Trong quá trình thiết kế, phân trụ trung gian, cần giảm thiểu tối đa số thửa đất ảnh hưởng phải đo đạc, lập hồ sơ địa chính. Các Ban quản lý dự án cần đánh giá, sử dụng các hồ sơ tài liệu phục vụ đo đạc, đặc biệt bản đồ có độ chính xác cao hoặc độ chính xác tương đương tại các địa phương đã được phê duyệt để cập nhật chỉnh lý và đo vẽ bổ sung.

Bên cạnh đó, xem xét lựa chọn nhà thầu Tư vấn đo đạc có năng lực, trách nhiệm cao để thực hiện công tác đo đạc và triển khai ngay từ giai đoạn thiết kế kỹ thuật dự án nhằm đảm bảo tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, phục vụ thi công dự án. Đồng thời, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên đơn vị Tư vấn thực hiện Hợp đồng theo thời gian đã ký kết.

Đối với  lập phương án bồi thường hỗ trợ, các Ban quản lý dự án sẽ rà soát để điều hành công tác BTGPMB phù hợp với tiến độ, kế hoạch đồng bộ thi công dự án. Đặc biệt, phải nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm và trang bị những kiến thức về pháp luật vững vàng, nắm chắc chính sách chế độ về công tác BTGPMB để vận dụng trong thực tiễn nhằm đưa dự án vào sử dụng đúng tiến độ.

Mặt khác, các Ban quản lý dự án lập Phương án bồi thường ngay từ ban đầu cần phải tính đúng, tính đủ đảm bảo quyền lợi hài hòa của các bên, tránh xảy ra khiếu kiện phải kiểm tra lại nhiều lần. Tùy theo quy mô dự án, địa hình và tài sản ảnh hưởng thực tế để xác định thời gian thực hiện.

Để đáp ứng tiến độ thi công, Phương án bồi thường được chia nhỏ thành nhiều đợt, phù hợp các giai đoạn: Đào đúc móng, kéo dây và giải tỏa hành lang tuyến. Trong mỗi đợt, phải thực hiện dứt điểm từng vị trí móng cột, từng khoảng cột, từng địa phương.

Đối với các dự án cấp bách, cần xây dựng kế hoạch thời gian thực hiện hợp lý, tăng cường nhân lực đẩy nhanh việc lập Phương án bồi thường theo kế hoạch thi công từng hạng của nhà thầu.

Đối với đền bù thi công, các Ban quản lý dự án sẽ chủ động theo dõi chỉ đạo, hỗ trợ cho các nhà thầu trong việc bồi thường phục vụ thi công và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp với tình hình thực tế trên tuyến.

Phối hợp với tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công để xử lý những vị trí móng đặt chưa phù hợp (đặt trên đường đi, mương thoát nước,…) hoặc khó khăn về bồi thường.

Các Ban quản lý dự án phối hợp với bộ phận Thẩm định, đơn vị tư vấn triển khai thông báo quy hoạch để gắn liền trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý tuyến đã được thỏa thuận trong giai đoạn cắm mốc, tránh tình trạng xây dựng nhà cửa trong vùng dự án để trục lợi, mời chính quyền tham gia để quay phim, chụp hình hiện trạng trong phạm vi dự án để làm cơ sở cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng sau này.

Cùng với việc tập trung điều hành công việc một cách khoa học và hiệu quả, các đơn vị còn đánh giá chính xác các việc làm được, chưa làm được, nguyên nhân cụ thể, các bên bàn bạc tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất, với mục tiêu thi công công trình đúng tiến độ, trên cơ sở biện pháp thi công hạn chế đến mức tối đa các thiệt hại của các tổ chức, cá nhân trong khu vực Dự án.

Bên cạnh đó, các Ban quản lý còn thường xuyên báo cáo kịp thời những vướng mắc khó khăn cho EVNNPT để có sự chỉ đạo và hỗ trợ làm việc với lãnh đạo UBND các tỉnh để có sự chỉ đạo giải quyết.

Một số trường hợp đặc biệt, báo cáo EVNNPT để đề xuất EVN báo cáo Bộ Công Thương, Chính phủ có công điện/văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ chủ đầu tư trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng.

Một kinh nghiệm nữa theo ông Tuyển là cần chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, các cơ quan phụ trách công tác tuyên truyền tại địa phương để cung cấp các thông tin tổng thể tình hình thi công dự án, các chủ trương chính sách liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm tạo sự nhìn nhận khách quan về công tác này, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Cùng với đó, thường xuyên đào tạo hướng dẫn lại chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ trong phòng liên quan đến công việc được giao, chấp hành nghiêm quy định, kỷ cương, kỷ luật và chính sách pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Đối với việc xử lý tồn tại các dự án, ông Tuyển cho rằng cần tập trung thực hiện bàn giao hồ sơ liên quan về bồi thường, đất đai và môi trường ngay giai đoạn cuối của quá trình thi công.

Thực hiện xử lý triệt để hành lang an toàn theo quy định của Chính phủ và tổ chức nghiệm thu, bàn giao từng khoảng néo sau khi hoàn thành việc thi công.

Cùng với đó, báo cáo kịp thời cho cấp thẩm quyền để hỗ trợ giải quyết đối với các trường hợp vướng mắc, làm ảnh hưởng đến đóng điện vận hành và quản lý hành lang tuyến sau này.

Đồng thời, tập trung xử lý các tồn tại được ghi nhận trong quá trình nghiệm thu với thời gian nhanh nhất, không để kéo dài làm ảnh hưởng đến quá trình quyết toán dự án. Trường hợp các tồn tại liên quan đến chính sách làm ảnh hưởng đến bàn giao công trình, kịp thời báo cáo EVNNPT để có chỉ đạo giải quyết.

Về kinh nghiệm triển khai nhiệm vụ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, ông Tuyển cho biết, thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng rừng quy định tại Điều 40, Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018, Nghị định 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020, đặc biệt là rừng tự nhiên các loại sang đất khác để xây dựng dự án cần phải làm nhiều thủ tục và lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương nhiều cấp để kiểm tra rà soát, thời gian kéo dài ảnh hưởng lớn đến tiến độ phê duyệt đầu tư xây dựng dự án.

Dự án và diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất 5 năm của tỉnh được Chính phủ ra Nghị quyết và phù hợp kế hoạch sử dụng đất được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua hằng năm. Nội dung này thường gặp vướng mắc do dự án thường không được UBND tỉnh cập nhật trong quy hoạch sử dụng đất 5 năm.

Vì vậy, các Ban quản lý cần kiểm tra, hiệu chỉnh bổ sung kịp thời cho các địa phương để đưa vào kế hoạch sử dụng hàng năm. Sau khi Fs được duyệt, tiến hành thực hiện đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm theo tiến độ dự án và thường xuyên cập nhật bổ sung khi có phát sinh thay đổi.

Trong một số dự án cụ thể gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến chỉ xem xét, đề xuất chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại các vị trí móng cột điện và phù hợp với chỉ tiêu được duyệt trong Kế hoạch sử dụng đất; phần diện tích hành lang tuyến, chủ dự án phải nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật, thiết kế chiều cao cột điện của các dự án đường dây truyền tải, đảm bảo khoảng cách an toàn theo đúng yêu cầu của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP để không ảnh hưởng và phải chặt hạ cây trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất thuộc khu vực hành lang tuyến.

Vì vậy, các Ban quản lý dự án cần xem xét khảo sát, lựa chọn hướng tuyến sao cho ít ảnh hưởng đến đất rừng tự nhiên và có giải pháp nâng cao cột vượt cây rừng để không chuyển đổi rừng trong hành lang tuyến.

Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, ông Tuyển cho rằng các Ban quản lý cần lập đề cương phê duyệt để triển khai làm các thủ tục khảo sát, đánh giá hiện trạng rừng, lập bản đồ rừng tỷ lệ 1/2000 và làm việc địa phương và các bộ ngành liên quan thực hiện ngay các thủ tục, hồ sơ trong giai đoạn lập dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, xác định vị trí địa điểm, quy mô của đường mượn tạm thi công, vệt kéo dây tại các vị trí nằm trong rừng để xem xét đăng ký diện tích với chính quyền địa phương, làm cơ sở cho việc lập thủ  tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích triển khai thi công dự án.

Cây nằm ở phần taluy dương và các cây cao có nguy cơ ngã đổ vào đường dây đang vận hành cần xác định ngay giai đoạn khảo sát điều tra hiện trạng rừng để lập thủ tục xin chặt tỉa ngay trong giai đoạn thiết kế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục