Kinh tế 6 tháng: Đề cao giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7%

17:16' - 29/06/2018
BNEWS Kinh tế quý II đã duy trì được đà tăng trưởng tích cực của năm trước và quý I, các chỉ số kinh tế trong quý II "khá tích cực".

Đặc biệt, các ngành nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, khu vực dịch vụ có mức tăng ấn tượng. Xuất khẩu tiếp tục là động lực phát triển nền kinh tế. Nhà nước hành động sáng tạo đã gây dựng niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế…

Nhờ đó, GDP 6 tháng đầu năm 2018 tăng 7,08% và là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, vẫn còn không ít thách thức để nền kinh tế cả nước đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7% như đã đề ra.

* Tạo đà cho GDP tăng vọt

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Ngày 29/6, tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, GDP quý II tăng 6,79% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mức tăng 7,45% trong quý I. Tính chung nửa đầu năm 2018, GDP ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm 2017 và là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở về đây.

Để có được thành tích này, theo ông Lâm, trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,93%; đóng góp 9,7% vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,07%, đóng góp 49%; khu vực dịch vụ tăng 6,9%, đóng góp 41,4%.

Đáng chú ý, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 6 tháng năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012-2018.Trong số đó, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 3,28%. Ngành thủy sản đạt kết quả tích cực với 6,41%, cũng tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, theo Tổng cục Thống kê, ngành công nghiệp tăng 9,28%, cao hơn nhiều mức tăng 5,42% của cùng kỳ năm 2017. Điểm sáng của khu vực này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13%, mức tăng được cho là "cao nhất trong 7 năm gần đây". Tuy nhiên, công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm, giảm 1,3%, làm giảm 0,1% mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm.

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 114 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ và hiện có thặng dư, với kết quả là xuất siêu 2,71 tỷ USD. Đáng lưu ý là đến nay đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Kết quả thu hút đầu tư từ nguồn trong và ngoài nước đều có sự tăng trưởng tốt, cả nước cũng thu hút thêm 20,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài gồm: những dự án cấp phép mới, tăng vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư. Các dự án đầu tư nước ngoài cũng thực hiện giải ngân 8,37 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ.

Không những thế, cả nước có 64.531 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 649.000 tỷ đồng, tăng 5,3% về số doanh nghiệp và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Nếu tính cả 1.192,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm là 1.841,2 nghìn tỷ đồng.

Đây là minh chứng cho thấy khuôn khổ pháp lý thông thoáng; các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” đã tác động tích cực lên niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường kinh doanh trong nước.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra rằng, thực tế cho thấy một số dấu hiệu tích cực của nền kinh tế, tâm lý kinh doanh vẫn duy trì sự lạc quan vào tương lai kinh doanh và chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) luôn ở mức khả quan. Như vậy, nền kinh tế đã gặt hái nhiều kết quả rất tích cực, thể hiện sức sống và sức cạnh tranh và năng lực để vươn lên, hướng tới mục tiêu đạt mức tăng trưởng tối đa trong năm kế hoạch 2018.

* Vẫn còn khó khăn, thách thức

Ngành thủy sản có mức tăng ấn tượng. Ảnh: Kim Há - TTXVN

Bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tích cực trong năm 2017 và xu hướng phát triển tốt trong quý I, kinh tế - xã hội nước ta còn đối mặt không ít khó khăn, thách thức.

Mặc dù, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm cao hơn mức tăng cùng kỳ các năm trước, song ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, xu hướng tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước đã không còn đúng với năm 2018, điều này đã được dự báo từ đầu năm. Cụ thể, quý I, tăng trưởng của Việt Nam đạt 7,45%, nhưng quý II đạt 6,79%. Do đó, nhiều khả năng tăng trưởng quý III và quý IV sẽ không đạt được tốc độ như 6 tháng đầu năm.

"Cách đây 3 tháng, chúng tôi đã dự báo điều này. Lý do là các khu vực công nghiệp sẽ tăng chậm lại do khai khoáng giảm. Chẳng hạn như khai thác than sẽ hạn chế khai thác trong 6 tháng cuối năm do mưa nhiều. Nông nghiệp cũng giảm như vụ đông xuân, sản lượng tăng hơn 1 triệu tấn gạo" ông Lâm giải thích.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ thống kê giá, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lạm phát trong 6 tháng tới tiềm ẩn nguy cơ tăng cao khi lạm phát tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. “Điều đáng lo ngại là lạm phát tháng 6 tăng đầu năm 2018 cao nhất trong 7 năm qua.”, bà Ngọc nhấn mạnh.

Ngoài ra, đã xuất hiện xu hướng nhập siêu trở lại trong 2 tháng gần đây và điều này cảnh báo tình trạng suy giảm xuất khẩu hoặc gia tăng nhập khẩu của nền kinh tế. Vấn đề này đã được nhận diện và cần có sự điều chỉnh hợp lý, trên cơ sở hài hòa giữa xuất khẩu và nhập khẩu để có được kết quả lành mạnh trong thời gian từ nay đến cuối năm.

Đáng lo ngại là, một bộ phận doanh nghiệp dân doanh đang gặp khó khăn, khả năng chống chịu để tồn tại rất hạn chế và đứng trước nguy cơ thất bại. Đây là thực tế đáng quan tâm và lo ngại. Cụ thể, đã có hơn 52.800 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tăng tới 39,2% so với cùng kỳ. Đồng thời, cũng có hơn 6.600 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục phá sản, tăng 21,8% so với cùng kỳ. Những vấn đề nói trên cho thấy khó khăn, thách thức còn đeo bám, đe dọa doanh nghiệp.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, để đảm bảo mục tiêu lạm phát cả năm 2018 là 4% như Quốc hội giao, cần không tăng giá đồng loạt các mặt hàng, dịch vụ y tế, giáo dục… vào cùng một thời điểm.

Bên cạnh đó, ông Lâm cho rằng cần điều hành chính sách tiền tệ, chú trọng cho vay những lĩnh vực ưu tiên như doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất khẩu…Đồng thời, tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Cùng đó, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng. Ngoài ra, hoàn thành và đưa vào sử dụng sớm các dự án đầu tư trong ngành công nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất...

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cũng lưu ý rằng, không nên chủ quan với mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Tổng cục Thống kê đã yêu cầu, từ nay đến cuối năm, các cấp, ngành, địa phương cần quyết liệt thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cùng đó, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước để có ứng phó kịp thời.

“ Cần bám sát kịch bản tăng trưởng của từng ngành, địa phương đã xây dựng để có giải pháp phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh...”, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục