Phát triển kinh tế số: Việt Nam vẫn thiếu chiến lược tầm quốc gia

18:41' - 28/06/2018
BNEWS Ngày 28/6, Bộ Công Thương đã phối hợp với Diễn đàn kinh tế Thế giới tổ chức hội thảo Định hướng phát triển kinh tế số cho Việt Nam (KTS).

Các khảo sát cho thấy, mặc dù đã có những văn bản hướng dẫn, nhưng thực tế vẫn còn nằm rải rác và chưa có một Chiến lược Quốc gia về phát triển kinh tế số.

Kinh tế số được xác định là một trong những trụ cột tất yếu và có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, tạo ra bước đột phá cho mỗi quốc gia trong trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhiều giải pháp công nghệ trong các lĩnh vực được ra đời, mang lại những lợi ích to lớn mà các giai đoạn trước không có được.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho rằng: “Kinh tế số đang tạo ra những xu hướng mới và nhu cầu mới. Vì vậy, Việt Nam cần tận dụng, khai thác tối đa lợi ích và chuẩn bị tốt nhất đối với những thay đổi cần thiết để xây dựng kinh tế số trong thời gian tới”, ông Hưng nói.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho hay, phát triển kinh tế số không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam.

Lĩnh vực này đặc biệt vì nó diễn ra quá nhanh và tác động quá lớn nên rất nhiều quốc gia bắt tay vào xây dựng định hướng và chiến lược phát triển chung, dù trước đây họ chưa có ý tưởng phát triển kinh tế số.

“Nhu cầu phát triển của xã hội, thị trường và nền kinh tế đang buộc chúng ta cần thiết phải nhanh chóng có định hướng, chiến lược cho phát triển kinh tế số của Việt Nam”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, cùng với nhiều chính sách khác, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chú trọng xây dựng nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh…

Điều đó cho thấy, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có định hướng, nhưng các định hướng này còn rời rạc trên các văn bản khác nhau và chưa có định hướng, chiến lược chung Quốc gia.

Do vậy, việc xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh nhằm tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh là một nhiệm vụ cấp thiết.

Ông Hải cho rằng: “Nhiệm vụ của chúng ta là kết nối các định hướng lại thành bức tranh tổng thể cho phát triển kinh tế số Việt Nam và tiếp tục hoàn thiện nó, tạo sự kết nối để có sức mạnh cộng hưởng của tất cả các định hướng này”.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, hiện có tới 53% dân số Việt Nam kết nối Internet, 131% dân số sử dụng hệ thống viễn thông…

Doanh số thương mại điện tử (TMĐT) bán lẻ qua các năm phát triển nhanh và mạnh với mức tăng trưởng trung bình 25%/năm. Năm 2015 đạt 4,07 tỷ USD, 2016 đạt 5,1 tỷ USD, năm 2017 đạt 6,2 tỷ USD và dự kiến năm 2020 đạt 10 tỷ USD.

Đây là cơ hội rất lớn để Việt Nam phát triển KTS. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để thành công còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết.

“Khi xây dựng Đề án phát triển kinh tế số, định hướng chiến lược chung Quốc gia, chúng tôi khá khó khăn khi tìm cách tiếp cận.

Rất nhiều nội dung đã được thảo luận như các nhóm về pháp lý, công nghệ, hạ tầng, nhưng khi xem lại các vấn đề thì thấy rằng, nếu nhóm ra các nhóm như vậy sẽ không giải quyết được vì mỗi nhóm vấn đề sẽ liên quan đến nhiều Bộ, ngành, doanh nghiệp khác nhau”.

Vì vậy, trước mắt cách tiếp cận là đưa ra các nhóm vấn đề trực diện nhất để phối hợp triển khai là: nhóm hạ tầng cơ sở và thể chế, nhóm công nghệ, nhóm thanh toán…; trong đó nhóm thanh toán là vấn đề rất lớn vì nó đang kìm hãm sự phát triển kinh tế số…

Tuy nhiên, nhóm vấn đề về nhân lực là quan trọng nhất và cần giải quyết cấp bách”, ông Hải cho hay.

Từ kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế số mà Diễn đàn Kinh tế Thế gới (WEF) đã tham khảo tại Đan Mạch, bà Kelly Ommundsen, Trưởng nhóm cộng đồng, Sáng kiến Kinh tế số và Hệ thống xã hội WEF khuyến cáo, Việt Nam phát triển kinh tế số không chỉ dừng lại ở từng cá nhân, quốc gia mà phải đánh giá trên tổng thể vai trò của cả khu vực.

Ví như đánh giá tổng thể xu hướng phát triển kinh tế số của ASEAN như thế nào để đặt Việt Nam trong bối cảnh chung đó thì mới xây dựng được chiến lược phát triển kinh tế số hiệu quả.

Tuy nhiên, điều quan trọng để xây dựng chiến lược kinh tế số thành công thì Việt Nam phải kết nối được các Bộ, ngành trong tổng thể hệ thống…/.

Xem thêm:

>>>Blockchain tạo bước tiến mới trong xây dựng nền tảng kinh tế số

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục