Kinh tế 6 tháng: Tập trung vào ba động lực tăng trưởng

13:09' - 30/06/2023
BNEWS Năm 2023, nhiều chính sách được Chính phủ ban hành kịp thời nhằm tháo gỡ các khó khăn, vực dậy nền kinh tế, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2023.
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 5; trong đó có nội dung giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023. Trong năm 2023, Chính phủ liên tiếp ban hành Nghị quyết 07/NQ-CP giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Nghị định 41/2023/NĐ-CP giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2023. Cũng trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành… Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư đề xuất, giảm mức thu nhiều khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp…

Đây là những hành động quyết liệt của Chính phủ trong việc đề xuất Quốc hội cũng như chỉ đạo cơ quan liên quan ban hành chính sách kịp thời nhằm tháo gỡ các khó khăn, vực dậy nền kinh tế, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2023.

*Thách thức bủa vây

Thực tế trong nửa chặng đường đầu tiên của năm 2023, kinh tế Việt Nam trải qua nhiều khó khăn, thách thức từ hệ lụy của dịch COVID-19, xung đột địa chính trị trên thế giới. Những khó khăn này đã tác động mạnh đến tốc độ tăng trưởng GDP. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020; GDP 6 tháng đầu năm tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020. CPI tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,74%, cao hơn mức CPI bình quân chung.

Theo Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng này không cao nhưng các cân đối lớn được đảm bảo, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế đối diện với nhiều khó khăn thách thức ở cả trong và ngoài nước.

Dù cuối năm 2022, lường trước những tác động bất lợi của tình hình thế giới và những bất cập nội tại nền kinh tế để Chính phủ quyết định các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 nhưng thực tế diễn ra với quá nhiều bất lợi. Đó là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các Ngân hàng trung ương liên tục tăng lãi suất để đối phó với lạm phát. Cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn, Trung Quốc thắt chặt chính sách Zero COVID… Điều này dẫn đến nền kinh tế giảm cầu; trong khi các chi phí đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh tăng cao.

Việt Nam với độ mở nền kinh tế lớn đã chịu những tác động không nhỏ. Theo đó, ngay trong quý đầu tiên của năm 2023, GDP tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù có sự tăng trưởng, nhưng đây là mức tăng trưởng thấp thứ hai trong lịch sử 13 năm, chỉ cao hơn so với mức tăng trưởng của quý I/2020 là 3,2%. Một số địa phương có mức tăng trưởng thấp. Đặc biệt tăng trưởng của đầu tàu kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương và xếp hạng 56/63 địa phương.

 
Tại Công điện số 238/CĐ-TTg ngày 10/4/2023 về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trong thời gian tới của Thủ tướng Chính phủ cũng phân tích, quý I năm 2023, mặc dù giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%, nhưng do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh của một số ngành công nghiệp chủ yếu như điện tử, dệt may, da giầy, đồ gỗ do một số nước là bạn hàng lớn của Việt Nam phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để ưu tiên chống lạm phát và biện pháp bảo hộ để duy trì tăng trưởng, dẫn đến giá trị tăng thêm của khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76% vào mức tăng trưởng chung.

Tuy nhiên, nếu nhìn trong bối cảnh của toàn cầu nói chung với các nền kinh tế như Mỹ chỉ tăng trưởng khoảng 1,1%, cũng như nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu chỉ tăng trưởng 0,1%... Trong bối cảnh đó thì mức tăng trưởng 3,32% quý I của Việt Nam vẫn đáng được ghi nhận.

Với kết quả này, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng tiếp theo, cũng ngay trong Công điện số 238, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải tích cực chủ động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng của nền kinh tế như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng phân công các Thành viên Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan trực tiếp làm việc với từng địa phương để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu tại địa phương, làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi, hiệu quả nhằm sớm phục hồi tăng trưởng và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và cả giai đoạn nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Để tháo gỡ khó khăn tín dụng cho doanh nghiệp, đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Theo Ngân hàng HSBC, quyết định này giúp hỗ trợ tăng trưởng thông qua kênh tín dụng, là động thái tiếp theo nhằm giảm chi phí tài trợ vốn cho doanh nghiệp và hộ gia đình, từ đó khuyến khích môi trường kinh doanh và hỗ trợ tâm lý người tiêu dùng.

HSBC cũng đánh giá, việc giảm lãi suất điều hành cho thấy Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì tâm thế "lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát" bởi thực tế, lạm phát đã liên tục dịu xuống so với cùng kỳ năm trước và khả năng ổn định tiền tệ.

Với những nỗ lực của hệ thống chính trị, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, đến hết nửa năm nay, kinh tế 6 tháng có những chuyển biến rõ rệt.

Đặc biệt, trong nửa đầu năm, đã có 113.600 doanh nghiệp thành lập mới, quay lại thị trường, tương đương trung bình 19.000 doanh nghiệp/tháng. Trong khi đó, doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường với khoảng 100.000 doanh nghiệp, tương đương bình quân 16.600 doanh nghiệp/tháng, giảm so với bình quân 5 tháng và 4 tháng đầu năm.

Về xuất nhập khẩu, theo ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) với 13 trên 16 quốc gia có quy mô thương mại lớn trên toàn cầu giảm xuất khẩu, 12 trên 16 nước giảm nhập khẩu (đến tháng 4/2023), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng Việt Nam đạt hơn 316 tỷ USD vẫn cho thấy một số tín hiệu khả quan, tương đương quy mô của năm 2021. Trong bối cảnh kinh tế suy giảm chung, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn dương với mức xuất siêu 12,25 tỷ USD đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh đã góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực này. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ tăng 6,33% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,18% và 4,53% của cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021.

Điểm sáng khu vực dịch vụ là tăng trưởng của lĩnh vực du lịch với lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 5,6 triệu lượt người, gấp 9,3 lần cùng kỳ năm trước. Du lịch Việt Nam đã đạt được 70% của mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế năm 2023.

*Thúc đẩy các động lực tăng trưởng

Theo các chuyên gia kinh tế, với xu hướng biến động ngày càng phức tạp, khó lường về địa chính trị và địa kinh tế trên thế giới, kinh tế Việt Nam với độ mở lớn, dự báo đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và hoạt động xuất nhập khẩu.

Trước tình hình đó, bên cạnh kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Chính phủ vẫn tập trung các giải pháp thúc đẩy ba động lực tăng trưởng là: Tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư.

Theo đó, về tiêu dùng, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành có giải pháp hiệu quả thúc đẩy tiêu dùng và kích cầu thị trường trong nước; nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trong nước. Bộ Tài chính khẩn trương hướng dẫn triển khai Nghị định của Chính phủ về việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm 2% thuế giá trị gia tăng một số loại hàng hóa.

Về đầu tư, tiếp tục phát huy hiệu quả 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; có giải pháp khả thi, hiệu quả để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công; xử lý, giải quyết hiệu quả các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát các vướng mắc, khó khăn về pháp lý, thủ tục hành chính để đề xuất sửa đổi theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương.

Theo bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê), giải ngân nguồn vốn này sẽ là “vốn mồi” quan trọng để thúc đẩy phát triển hạ tầng, tạo thuận lợi cho kinh doanh cùng các hoạt động kinh tế trên diện rộng.

Việc Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ký Quyết định số 776/QĐ – BGTVT thành lập 2 Tổ công tác kiểm tra, làm việc với các tỉnh, thành phố để kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng thông thường Dự án xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 (giai đoạn 2) là động thái tích cực để đẩy nhanh tiến độ đại công trình này.

Về động lực xuất khẩu, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống, thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại đã ký kết. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi…. Một giải pháp cũng rất quan trọng đó là các bộ, ngành, doanh nghiệp triển khai hiệu quả việc nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu, nhất là hàng nông sản xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) cho rằng Việt Nam với nền kinh tế mở nên bất kỳ sự thay đổi nào của thị trường thế giới cũng có tác động nhiều chiều đến kinh tế trong nước. Do đó các cơ quan liên quan cần đặc biệt chú trọng tới đánh giá, phân tích, dự báo nhất là khi có những biến động lớn đến thị trường xuất nhập khẩu.

Theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản pháp lý, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nền kinh tế, việc cần làm là nâng cao hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền, có giải pháp kiểm tra quá trình triển khai thực hiện, quan tâm nâng cao hiệu quả thực thi của các bộ, ngành và chính quyền các địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục