Kinh tế 6 tháng: Tìm động lực cho mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8%

17:49' - 28/06/2019
BNEWS Kinh tế 6 tháng đầu năm nay đạt mức tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.

GDP 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011-2017, trong bối cảnh 70% nền kinh tế trên thế giới; trong đó hầu hết các nền kinh tế phát triển đều rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại.

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm vẫn khẳng định tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng năm 2019 do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng 28/6, mục tiêu tăng trưởng đạt 6,6%-6,8% trong năm 2019 dù nhiều thách thức nhưng hoàn toàn khả thi.

* Những điểm sáng của nền kinh tế

Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế 6 tháng đầu năm nay đạt mức tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ thị trường tiếp tục tăng cao, giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, đầu tư trực tiếp nước ngoài và tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế.

GDP 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011-2017. Ảnh minh họa: TTXVN

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm khẳng định, trong bối cảnh kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu suy giảm, bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam quý II và 6 tháng đầu năm 2019 tiếp tục có những nét chuyển biến tích cực là nhờ sự điều hành khẩn trương và quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,76%. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,39%, đóng góp 6% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,93%, đóng góp 51,8%; khu vực dịch vụ tăng 6,69%, đóng góp 42,2%.

Đáng chú ý, trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng nên chỉ tăng 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,07% của 6 tháng năm 2018, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 4,15% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm.

Điểm sáng của khu vực này là ngành thủy sản tăng trưởng khá ở mức 6,45% do nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao và là mức tăng trưởng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 9 năm trở lại đây, đóng góp 0,21 điểm phần trăm.

Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, dịch tả lợn châu Phi có ảnh hưởng rõ rệt đến ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, điểm sáng trong khu vực nông nghiệp là xuất khẩu rau củ quả lần đầu tiên đạt mức hàng tỷ USD phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, bù đắp thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra.

Về công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 duy trì tăng trưởng khá ở mức 9,13%. Nổi bật, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng 11,18%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn so với mức tăng 6 tháng đầu năm của các năm 2012-2017.

Những điểm sáng khác của nền kinh tế cũng đã được Tổng cục Thống kê chỉ ra, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đạt 122,72 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.  Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/6/2019 đạt kỷ lục về số dự án đăng ký cấp mới trong 6 tháng đầu năm và số vốn thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây với 1.723 dự án cấp phép mới, tổng vốn đăng ký 7.411 triệu USD.

Bên cạnh đó, với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ, sự chủ động điều hành giá xăng dầu, giá gas, giá điện, giá sách giáo khoa và giá dịch vụ y tế vào các thời điểm phù hợp, nguồn cung gạo dồi dào… là những yếu tố góp phần làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2019 giảm 0,09% so với tháng trước. Bình quân CPI 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2018 - là mức tăng bình quân 6 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây .

Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có gần 67.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 860.000 tỷ đồng, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 32,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cũng như tiếp tục đối mặt với những thách thức mới như: tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu tăng chậm lại; kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản được xem là thế mạnh có xu hướng giảm đáng kể; cán cân thương mại hàng hóa chuyển hướng nhập siêu; thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân...

* Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng

Nhận định về triển vọng tăng trưởng, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia phân tích, mục tiêu tăng trưởng đạt được 6,6%-6,8% trong năm 2019 là khả thi. Mặc dù, sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo tuy không tăng nhanh bằng năm 2018, nhưng vẫn duy trì mức khá cao.

Các doanh nghiệp khá lạc quan, ông Hùng dẫn số liệu có 83,5% doanh nghiệp chế biến chế tạo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II khả quan hơn quý I và 88,6% tin là quý III tốt hơn quý II.

Các hoạt động dịch vụ thị trường sôi động, tiêu dùng tăng cao. Ảnh minh họa: TTXVN

Các hoạt động dịch vụ thị trường sôi động, tiêu dùng tăng cao, trong khi chỉ số giá cả tiêu dùng CPI duy trì ổn định. Điểm cần lưu tâm là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, các hiệp định thương mại sẽ có tác động nhiều chiều đến xuất nhập khẩu; trong khi đó cần tính đến việc suy giảm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cũng tỏ ra lo ngại về gặp khó khăn trong quý III và những tháng tiếp theo do thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng; dịch tả lợn châu Phi lây lan tại 60 tỉnh thành phố của cả nước khiến tổng số lợn tiêu hủy chiếm tới 10% tổng đàn.

Khi ngành chăn nuôi lợn bị thiệt hại nặng nề như vậy, Tổng cục Thống kê và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bàn giải pháp giữ tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong cả năm nay. Theo đó, xem xét tăng sản lượng ngành rau củ 3-5% để bù đắp thiệt hại cho ngành chăn nuôi lợn. Bởi, ngành rau quả là điểm sáng trong quý II năm nay khi lần đầu tiên xuất khẩu đạt 2 tỷ USD.

"Việc tăng sản lượng rau để đảm bảo xuất khẩu và phục vụ nhu cầu tiêu dùng 95 triệu dân trong nước chắc chắn sẽ góp phần bù đắp được thiệt hại khi chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng do dịch tả", Tổng cục trưởng nhận định.

Bên cạnh đó, tăng sản lượng gia cầm cũng là một giải pháp đối với ngành nông nghiệp. Bởi 6 tháng qua, gia cầm và sản phẩm trứng được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn khi lợn bị dịch tả.

Để nâng cao giá trị xuất khẩu, ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thống kê nông nghiệp cũng nhấn mạnh đến giải pháp cần khuyến khích liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tạo giá trị gia tăng ở các khâu, quản lý tốt chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường đầu ra.

Ngành thủy sản cần gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, phân tích và dự báo tốt các tín hiệu của thị trường để có những bước đi phù hợp.

Cùng với đó, các địa phương cũng cần chủ động và tích cực chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng, nguồn nhân lực, lao động có kỹ năng và năng lực quản lý; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, nhất là chủ động tiếp cận các tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực về công nghệ, tài chính và thị trường; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông nghiệp; công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng…

Bên cạnh đó, cần tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU…), tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, tránh sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định, đặc biệt là xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản, cần giải quyết có hiệu quả vấn đề kiểm dịch động thực vật, bảo đảm vệ sinh an toàn chất lượng để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này.

“Đặc biệt, cần tăng cường kiểm soát, có biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp nhập hàng hóa từ nước ngoài, gắn mác Việt Nam để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.”, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục