Kinh tế 6 tháng: Linh hoạt trước những diễn biến mới

15:48' - 28/06/2019
BNEWS Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động khó lường, GDP 6 tháng đạt 6,76% ghi nhận sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp.

Đúng như nhận định của các chuyên gia, các nhà phân tích, năm 2019 là năm có nhiều biến động khó lường ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu. Nửa chặng đường của năm đã đi qua, Việt Nam đã gặp phải những khó khăn không nhỏ ở cả trong và ngoài nước. Điều này đặt ra yêu cầu bên cạnh việc Chính phủ linh hoạt trong điều hành nền kinh tế cần sự nỗ lực, quyết liệt, tận tâm của cả bộ máy chính trị và cộng đồng doanh nghiệp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% trong năm nay.

* Chủ động ứng phó trước những diễn biến mới

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong 6 tháng đầu năm tăng 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011-2017. Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động khó lường, kết quả này ghi nhận sự nỗ lực lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như hoạt động kinh doanh, đặc biệt là sự linh hoạt của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương để chủ động ứng phó trước những diễn biến mới.

Kinh tế 6 tháng đầu năm gặp nhiều bất lợi. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo Viện Hàn lâm Khoa học  Xã hội Việt Nam, từ đầu  năm đến nay, kinh tế Việt Nam liên tiếp chịu ảnh hưởng diễn biến bất lợi cả trên thế giới và trong nước.

Đó là kinh tế thế giới tăng trưởng với xu hướng giảm tốc do những căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, mâu thuẫn thương mại giữa các nền kinh tế lớn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Đây cũng là lý do khiến các định chế tài chính, tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 gần đây so với dự báo từ cuối năm 2018 

Trong nước, là những khó khăn của khu vực nông nghiệp như dịch tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng lây lan, thời tiết nắng nóng, giá nông sản bấp bênh…Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng chậm; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, giá điện và giá xăng dầu thế giới tăng gây ra nhiều áp lực lên lạm phát.

Đáng chú ý trong quý I đã xuất hiện dấu hiệu suy giảm tốc độ tăng trưởng của một số ngành kinh tế như công nghiệp và xây dựng. Trong tháng 3, giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 được điều chỉnh tăng 8,36% so với mức hiện hành, cùng đó giá xăng dầu cũng tăng theo đà tăng của giá xăng dầu thế giới, giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới có xu hướng tăng...khiến chi phí đầu vào của các ngành sản xuất tăng, tạo áp lực đối với nền kinh tế.

Tính chung trong 6 tháng, giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng 4 đợt, giảm 4 đợt và 4 đợt giữ ổn định; giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới như: nhiên liệu, chất đốt, sắt thép yếu có xu hướng tăng trở lại nên chỉ số giá nhập khẩu so cùng kỳ tăng 0,95%, chỉ số giá xuất khẩu tăng 2,77%; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tăng 1,86%; chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp tăng 2,29%. Theo đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước tăng vọt tiến sát mốc 40 triệu đồng/lượng vào ngày 25/6.

Trước những diễn biến bất lợi này, đặc biệt là sự khó lường của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Chính phủ đã liên tục cập nhật tình hình thực tế và có những điều chỉnh trong điều hành chính sách ngay tại các phiên họp thường kỳ Chính phủ nhằm đối phó các rủi ro.

Với 2 ngành có liên quan trực tiếp đến kinh tế vĩ mô và hoạt động sản xuất, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Công Thương thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng, tìm kiếm thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, đồng thời tăng cường kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất linh hoạt, phù hợp với bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ- Trung ngày càng tăng, phối hợp hài hòa với các chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng tưởng. Ngân hàng Nhà nước cũng được giao chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo điều hành giá thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, phối hợp chặt chẽ trong điều hành các chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để ứng phó kịp thời, hiệu quả với các biến động tình hình trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, khó khăn vẫn chưa dừng lại khi trong nước, dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh làm ảnh hưởng mạnh tới ngành chăn nuôi và hộ dân. Áp lực lạm phát bởi các yếu tố đầu vào tăng, giải ngân vốn đầu tư công chưa được cải thiện ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng chung, nhiều công trình trọng điểm quan trọng chưa được khởi công hoặc chậm hoàn thành để đưa vào khai thác, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng…

Vẫn quán triệt kiên định mục tiêu tăng trưởng 6,8%, kiểm soát lạm phát dưới 4%, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các thành viên Chính phủ vẫn xác định sẽ kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương chủ động, linh hoạt ứng phó kịp thời trước diễn biến tình hình quốc tế và trong nước; cùng đó đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề tại Nghị quyết số 01, 02, Chỉ thị số 09/CT của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019.

Các bộ, ngành kinh tế cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao tập trung rà soát, xây dựng, sửa đổi các chính sách, thủ tục hành chính làm cản trở sản xuất kinh doanh như cắt giảm các thủ tục kinh doanh không cần thiết, không để xảy ra chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra; đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đồng thời, quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch trên đàn lợn, đặc biệt dịch tả lợn Châu Phi cũng như chủ động xây dựng phương án kịch bản ứng phó với những diễn biến thời tiết cực đoan, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.…

Thủ tướng cũng yêu cầu Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia và Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia thường xuyên nghiên cứu, đánh giá, phân tích tình hình biến động trong nước và thế giới để tư vấn cho Chính phủ và các bộ, ngành đối sách phù hợp. Ban Chỉ đạo điều hành giá phối hợp với các bộ, ngành, địa phương phân tích, có phương án điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình, mức độ phù hợp, tránh dồn vào một thời điểm để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát; tăng cường thông tin truyền thông về điều hành giá khách quan, minh bạch.

Với sự chủ động, linh hoạt cùng sự quyết tâm đồng lòng của cả hệ thống chính trị, kinh tế nửa đầu năm 2019 đã có những thành quả đáng ghi nhận. Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011-2017. CPI tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân 6 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Trong 6 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,39%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,93%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 7,3%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đánh giá điều hành của Chính phủ trong  6 tháng đầu năm, TS Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Chính phủ đã giữ ổn định kinh tế vĩ mô tương đối tốt, thể hiện tăng trưởng kinh tế tương đối cao trong điều kiện lạm phát thấp, giảm được thâm hụt ngân sách, cũng như nợ công, tăng dự trữ ngoại hối kỷ lục.

Việc này đã giúp Tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor's nâng xếp hạng quốc gia dài hạn của Việt Nam từ BB- lên BB. Trong 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận môi trường kinh doanh tăng lên đáng kể, đặc biệt là từ cắt giảm giấy phép kinh doanh; tinh gọn bộ máy hành chính được thực hiện khá mạnh. Chính phủ cũng bắt đầu thực hiện chính phủ điện tử tạo ra chính phủ công khai minh bạch thân thiên người dân doanh nghiệp.

Ông Trần Quang Chiểu, thành viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội  nhìn nhận thành công của Chính phủ trong điều hành chính sách tiền tệ, đó là sự linh hoạt, tôn trọng quy luật thị trường và có sự ăn khớp với chính sách tài khóa cùng một số chính sách kinh tế khác. Nhờ đó, đã giảm được tỷ lệ nợ xấu (từ trên 10% toàn hệ thống nay xuống còn 2,02%), tăng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, từng bước giảm lãi suất cho vay, giữ được tỷ giá ổn định trước những bất ổn của tình hình thế giới.

*Kiên quyết giữ vững mục tiêu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Trước những biến động khó lường của tình hình thế giới và những khó khăn nội tại, nửa chặng đường cuối của năm 2019 được xem là khá gập ghềnh để có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm, cũng như tạo đột phá cho cả giai đoạn 2016 - 2020.

Theo các chuyên gia, để hoàn thành mục tiêu của năm 2019, Chính phủ cần quán triệt phương trâm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” đặt ra từ đầu năm.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, phát triển nhanh và bền vững là chủ trương, quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Chính phủ Việt Nam nhằm tránh tụt hậu và giảm khoảng cách giữa Việt Nam với các nước đang phát triển trong khu vực.

Theo đó, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp lớn; trong đó ưu tiên giữ vững môi trường vĩ mô, chính trị - xã hội ổn định. Đây là nhân tố quyết định để huy động nguồn lực cho phát triển xã hội và phát triển kinh tế ổn định trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến không thuận lợi như hiện nay.

Cũng với mục đích huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, Chính phủ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế theo hướng tạo môi trường minh bạch, cạnh tranh hơn.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc để tạo đột phá Chính phủ nên giao cho các tổ chức độc lập, hiệp hội doanh nghiệp, địa phương tiến hành rà soát tổng thể môi trường kinh doanh để kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ tập trung khắc phục ngay những điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh, trong hệ thống pháp luật.

Đối với các bộ, ngành, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ông Lộc đề nghị giao rà soát cắt giảm thủ tục hành chính cho các bộ phận độc lập, thay vì để các cơ quan trực tiếp cấp giấy phép tiến hành rà soát và đề xuất cắt giảm giấy phép để tránh việc vừa đá bóng, vừa thổi còi như hiện nay.

Với độ mở nền kinh tế lớn, Việt Nam đang đón nhận những cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, qua đó đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) ký kết mới đây hay Hiệp định Đối tác Toàn diện Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực đầu năm nay sẽ tạo cơ hội Việt Nam mở rộng xuất khẩu tới các thị trường hơn 1,5 tỷ dân.

Tuy nhiên, để có thể tận dụng tối đa các Hiệp định thương mại tự do, Việt Nam cần hoàn thiện các văn bản pháp luật thích ứng với các cam kết quốc tế. Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vừa thông qua việc sửa 2 luật gồm Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng nhằm đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định CPTPP. Đây là sự khẳng định của Chính phủ, Quốc hội trong việc tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các khu vực kinh tế hội nhập, phát triển.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến không thuận lợi, Việt Nam cần nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế, củng cố và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, Chính phủ có giải pháp khơi thông các nguồn lực phát triển, hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo để thu hút nhân tài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục