Kinh tế biên mậu của An Giang vẫn tăng trưởng trong dịch COVID-19

11:19' - 26/09/2021
BNEWS Từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh An Giang tăng hơn 47% so cùng kỳ.

Với 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ, An Giang được xem là đầu mối quan trọng, kết nối các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh với Campuchia và các nước ASEAN.

Mặc dù phải thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch COVID-19 nhưng An Giang đã có nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo để duy trì, thúc đẩy thương mại biên giới phát triển.

Từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tăng hơn 47% so cùng kỳ.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Tỉnh An Giang có gần 100 km đường biên giới tiếp giáp với Campuchia và 5 cửa khẩu thực hiện thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu gồm: Cảng Mỹ Thới (thành phố Long Xuyên), cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên), cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu), cửa khẩu Khánh Bình và cửa khẩu Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú.

Để thực hiện tốt “mục tiêu kép”, đảm bảo phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa và phòng chống dịch COVID-19, UBND tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa và phát triển kinh tế cửa khẩu.

An Giang đã lập nhiều chốt kiểm soát dịch liên ngành để kiểm soát phương tiện ra vào địa bàn ở cả đường bộ lẫn đường sông; duy trì thường xuyên 211 tổ, chốt cố định và cơ động làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát ngăn chặn trên biên giới chống xuất, nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới.

Hoạt động lưu thông hàng hóa qua biên giới đượckiểm soát 24/24 giờ. Các bến bãi, kho ngoại quan khu vực cửa khẩu được phân chia thành nhiều khu khác nhau như: khu cách ly dành riêng cho lái xe, chủ hàng của Campuchia và của Việt Nam; khu cách ly dành riêng cho nhân viên bốc xếp, giao nhận hàng hóa tại cửa khẩu...

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh, An Giang thực hiện đổi lái xe giữa các doanh nghiệp của Campuchia và Việt Nam có hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa ngay tại khu vực vùng đệm của cửa khẩu.

Số lái xe này được quản lý, sinh hoạt tập trung trong khu vực cửa khẩu và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 theo quy định; được trang bị bảo hộ cũng như tạo điều kiện cấp, đổi sổ thông hành ngay trong khu vực cửa khẩu nên hoàn toàn đảm bảo hoạt động vận chuyển hàng hóa qua biên giới.

Đặc biệt, lực lượng tại khu vực cửa khẩu đã thực hiện niêm phong cabin và giám sát phương tiện ngay khi nhập cảnh. Người điều khiển phương tiện ở tại cabin trong suốt quá trình sang hàng hóa.

Đối với hàng hóa thủy sản, thời gian giao nhận từ 3-5 giờ thì tiến hành cách ly người điều khiển phương tiện tại địa điểm cách ly tạm thời của doanh nghiệp…. Điều này nhằm đảm bảo hoạt động thương mại biên giới của thương nhân và cư dân hai bên biên giới diễn ra thông thoáng, không bị ùn tắc tại khu vực cửa khẩu.

Cùng đó, tỉnh cường đối ngoại, thiết lập cơ chế trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng của Campuchia bằng nhiều hình thức để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, đảm bảo hoạt động thông quan, lưu thông hàng hóa thông suốt. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông sản, thủy sản, trái cây tươi được tổ chức phân luồng ưu tiên xuất khẩu…

Kịp thời “gỡ vướng”

Bà Võ Thị Gái Nhỏ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình cho biết, gần 3 tháng nay, khu vực thị trấn Long Bình (huyện An Phú) thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp và thương nhân biên giới do phải tuân thủ nghiêm biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh cho doanh nghiệp, Chi cục Hải quan Khánh Bình đã hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện hồ sơ Hải quan bản giấy (không trực tiếp vào khu vực cửa khẩu để làm thủ tục Hải quan được) dừng ở khu vực giáp ranh giữa xã Khánh Bình và thị trấn Long Bình (huyện An Phú) – khu vực không bị phong tỏa.

Cán bộ Hải quan (mặc đồ bảo hộ) sẽ trực tiếp đến nhận hồ sơ và hỗ trợ doanh nghiệp làm các thủ tục liên quan đến hàng hóa xuất khẩu. Riêng tờ khai thực hiện trên hệ thống điện tử thì Hải quan sẽ kiểm tra trên hệ thống. Với những mặt hàng không thuộc kho ngoại quan thì vẫn thực hiện thông quan bình thường.

Theo ông Trần Quốc Hoàn, Cục Trưởng Cục Hải Quan tỉnh An Giang, trong quý III/2021, có 250 doanh nghiệp nghiệp đăng ký thủ tục tại các Chi cục Hải quan trực thuộc Cục Hải quan An Giang; trong đó, có 53 doanh nghiệp trong tỉnh, 197 doanh nghiệp ngoài tỉnh.

Từ đầu năm đến ngày 15/9/2021, Cục Hải quan An Giang đã làm thủ tục thông quan cho 9194 phương tiện xuất, nhập cảnh, tăng 240% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó, có 4.869 phương tiện xuất cảnh, 4.325 phương tiện nhập cảnh).

Trong quý III/2021, Cục Hải quan An Giang đã làm thủ tục thông quan cho 7.322 tờ khai tăng 31% so với cùng kỳ năm 2020, với kim ngạch xuất nhập khẩu chính ngạch đạt 421,09 triệu USD giảm 17%; lượng hàng hóa quá cảnh, chuyển cảng đạt 881,2 nghìn tấn tăng 1142%; tổng kim ngạch hàng hóa đăng ký nơi khác thực xuất khẩu qua các cửa khẩu An Giang đạt 470,56 triệu USD tăng 20%...

Tính đến ngày 15/9/2021, Cục Hải quan An Giang đã thu nộp ngân sách 231 tỷ đồng, đạt 126% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao là 184 tỷ đồng và vượt 16% chỉ tiêu Tổng cục Hải quan giao là 200 tỷ đồng.

Tăng hỗ trợ doanh nghiệp

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động kinh tế cửa khẩu tại tỉnh An Giang đang gặp phải những khó khăn nhất định. Chỉ tính riêng trong quý III/2021, các Chi cục Hải quan trực thuộc Cục Hải quan An Giang đã kiểm tra 2.789 tờ khai tính thuế gồm các mặt hàng: gỗ tròn các loại, quả bòn bon, măng cụt tươi (Thái Lan), quả xoài tươi (Campuchia), đường cát trắng (Campuchia), thóc hạt, máy gặt đập liên hợp, cát sông tự nhiên, giấy phế liệu, sắt thép phế liệu…

Qua đó, lực lượng chức năng chấp nhận trị giá khai báo 2.760 tờ khai, nghi ngờ trị giá khai báo chuyển tham vấn 1 tờ khai đối với mặt hàng đường cát trắng nhập khẩu và 28 tờ khai mặt hàng bột đá CaCO3 xuất khẩu.

Bên cạnh đó, quá trình kiểm tra xuất xứ hàng hoá trong quý III/2021 phát sinh 2.212 giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) như: C/O mẫu D do Thái Lan cấp cho quả bòn bon, măng cụt, chôm chôm tươi; C/O mẫu D do Campuchia cấp cho quả xoài tươi, mật rỉ mía, đường tinh luyện… nên mất nhiều thời gian thông quan hơn.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, UBND tỉnh An Giang đã ban hành kế hoạch số 297/KH-UBND về phát triển hệ thống logistics tại địa phương giai đoạn 2021-2025; thường xuyên trao đổi, nắm thông tin, diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại Campuchia và hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu của tỉnh để chủ động phối hợp lực lượng chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cư dân biên giới tham gia hoạt động biên mậu.

Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện vận tải hàng hóa (có đăng ký và không đăng ký “luồng xanh”) được lưu thông qua chốt kiểm soát dịch trên địa bàn.

Người điều khiển phương tiện, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc xếp đi theo xe phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; ưu tiên tiêm vaccine cho tất cả lái xe, lực lượng lao động liên quan đến hoạt động bốc, dỡ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, cảng… nhằm đảm bảo tối ưu trong phương án vận chuyển hàng hóa; đảm bảo an toàn, thuận lợi, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp của cả Việt Nam và Campuchia./.

>>>An Giang linh hoạt các giải pháp để duy trì sản xuất

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục