An Giang linh hoạt các giải pháp để duy trì sản xuất

15:38' - 30/08/2021
BNEWS Tỉnh An Giang đang tích cực đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, từ đó không để đứt gãy chuỗi sản xuất.

* Khó sản xuất "3 tại chỗ"

Chị D.T.H.M, công nhân tại một nhà máy trên địa bàn phường Bình Khánh, thành phố Long Xuyên thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ" theo yêu cầu của doanh nghiệp từ ngày 15/7.

Chị M. cho biết, sau một thời gian dài thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ", chị cảm thấy khá căng thẳng, mệt mỏi. Nhà chị ở phường Bình Khánh thuộc "vùng xanh", cách chỗ làm chưa tới 3km, chị lại có con nhỏ nên khi thực hiện "3 tại chỗ" dài ngày gặp nhiều khó khăn.

"Tôi nghĩ, đối với những nhà máy ở "vùng xanh" và người lao động cũng ở "vùng xanh", quãng đường di chuyển từ nơi ở đến nhà máy gần thì nên cho doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất "1 cung đường, 2 điểm đến" để công nhân được về nhà nghỉ ngơi và tranh thủ chăm sóc gia đình.

Trong quá trình từ nhà đến nơi làm việc, người lao động phải cam kết thực hiện việc di chuyển trên 1 cung đường duy nhất, đảm bảo quy định 5K. Đồng thời, ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người lao động", chị M. đề xuất.

Ý kiến này của chị M. cũng giống của nhiều doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn tỉnh An Giang.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tường Dung An Giang tại xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú cho hay, với đặc thù ngành kinh doanh phân bón cần đông công nhân, dù công ty chấp nhận chịu nhiều chi phí phát sinh, cộng với áp lực về pháp lý nhưng hiệu quả mang lại của mô hình sản xuất "3 tại chỗ" hiện không cao.

Đặc biệt, trong điều kiện kho chứa phân bón nóng bức, thiếu chỗ tắm, giặt, vệ sinh và không gian sinh hoạt, nghỉ ngơi cho công nhân. Mặt khác, công nhân làm việc tại doanh nghiệp đa phần gần nhà nhưng hơn 1 tháng nay không được về nên tâm lý mệt mỏi, căng thẳng, khó tái tạo lại sức lao động.

"Nếu kéo dài thời gian thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ", công nhân sẽ nghỉ việc hết. Nhiều kho phân bón sẽ ngưng hoạt động, chuỗi cung ứng phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp có thể bị đứt gãy", bà Dung chia sẻ.

Bà Dung cho rằng, đối với các doanh nghiệp có nhà máy, kho bãi sản xuất ở "vùng xanh" và người lao động cũng ở "vùng xanh" trong bán kính không quá 5 km nên cho doanh nghiệp chuyển từ sản xuất "3 tại chỗ" sang mô hình "1 cung đường, 2 điểm đến". Doanh nghiệp lập danh sách, địa phương xác nhận cho người lao động đi từ nhà đến chỗ làm trên một cung đường duy nhất.

Bên cạnh đó, để mô hình sản xuất "1 cung đường, 2 điểm đến" được vận hành tốt, trạm y tế các xã nên phối hợp với doanh nghiệp thực hiện test nhanh. Hoặc, xét nghiệm PCR mẫu gộp cho người lao động ngay tại nơi sản xuất theo định kỳ 3 ngày/lần và doanh nghiệp chịu chi phí này.

Qua đó, hạn chế đông người tập trung về trung tâm y tế cấp huyện, giảm thời gian chờ đợi, đảm bảo an toàn phòng dịch.

"Tôi nghĩ, tài xế, tài công ở địa phương khác khi vào tỉnh thì kiểm tra kỹ là đúng. Tuy nhiên, đối với tài xế, tài công và công nhân bốc vác trong tỉnh nên cho giá trị test nhanh có thời hạn 3 ngày để thuận tiện vận chuyển, phân phối hàng hóa xuống người dân", bà Dung kiến nghị.

*Hỗ trợ doanh nghiệp

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhằm đảm bảo vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang đã có nhiều sáng tạo trong thực hiện "3 tại chỗ" như Xí nghiệp Cảng Mỹ Thới thuộc Công ty CP Cảng An Giang.

Ông Bùi Thành Hiệp, Tổng giám đốc Công ty CP Cảng An Giang cho biết, để đảm bảo hoạt động tại Cảng Mỹ Thới không bị đứt gãy, Xí nghiệp Cảng Mỹ Thới đã cho thực hiện song song 2 mô hình "3 tại chỗ" đối với công nhân ở xa và mô hình "1 cung đường, 2 điểm đến" đối với công nhân ở gần cảng.

Riêng mô hình "3 tại chỗ", Xí nghiệp Cảng Mỹ Thới đã bố trí công nhân ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi theo từng cụm. Mỗi cụm không quá 10 người, dành cho những nhóm công nhân từng cụm có ca trực chung; tạo thuận lợi cho công nhân không phải di chuyển quá nhiều từ nơi nghỉ ở trong cảng đến nơi bốc giỡ hàng hóa.

Từ đó, hạn chế tiếp xúc, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, thay vì tập trung tất cả người lao động về cùng sinh hoạt, ăn, nghỉ tại một khu vực cố định.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện tổ chức "3 tại chỗ". Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) Phạm Xuân Quế cho biết, các công ty thành viên của Vinafood 1 tại tỉnh An Giang và Đồng Tháp rất khó sản xuất theo mô hình này.

Tổng giám đốc Vinafood 1 cho rằng, đặc thù nhà máy chế biến lương thực và kho chứa phải vận hành máy móc ồn ào; môi trường nhiều bụi nên không có không gian để bố trí chỗ ngủ nghỉ, ăn, uống, sinh hoạt cho công nhân.

Về phía doanh nghiệp đề xuất, thay vì sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ", có thể cho phép doanh nghiệp thuê các khách sạn, nhà nghỉ gần nhà máy để bố trí cho công nhân ăn ở lại. Sau đó, bố trí đi làm theo mô hình "1 cung đường, 2 điểm đến" sẽ thuận tiện, an toàn hơn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, các doanh nghiệp phải xác định trạng thái "sống chung với dịch", cố gắng kiểm soát tốt, không thể chờ dịch bệnh hết hoàn toàn.

Trước đó, để thống nhất thực hiện chung toàn tỉnh, UBND tỉnh An Giang ban hành kế hoạch sản xuất công nghiệp ổn định, ứng phó với dịch bệnh. Cụ thể, các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục xác định tinh thần "ai ở đâu ở yên đó", duy trì mô hình sản xuất như đã đăng ký.

Đối với những doanh nghiệp muốn chuyển trạng thái hoạt động từ "3 tại chỗ" sang mô hình "1 cung đường, 2 điểm đến" hoặc duy trì sản xuất "3 tại chỗ" nhưng thay đổi công nhân trong nhà máy, phải xây dựng phương án, gửi các ngành liên quan của tỉnh xem xét trước khi thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khuyến cáo, thời điểm này, các doanh nghiệp không giải quyết cho công nhân "3 tại chỗ" xin nghỉ phép trong thời gian ngắn từ 2-3 ngày.

Nếu cần thay đổi công nhân sản xuất "3 tại chỗ", doanh nghiệp cần lập phương án thay đổi cùng lúc trong khoảng thời gian ổn định từ 14 ngày trở lên và phải tổ chức xét nghiệm; sàng lọc kỹ trước khi tổ chức đợt công nhân mới vào nhà máy sản xuất nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục