Kinh tế Canada trước "sức nóng" của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

12:50' - 08/08/2019
BNEWS Giới phân tích dự báo, “sức nóng” của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ làm giá hàng hóa sụt giảm và khiến dòng vốn đầu tư của Canada chững lại.
Một cảng biển tại Canada. Ảnh: reuters

Chuyên gia kinh tế hàng đầu Doug Porter tại BMO Financial Markets nhận định: "Kinh tế Canada đang ở một chu kỳ mà đáng lẽ vốn đầu tư vào tài sản cố định/tư liệu sản xuất phải có bước nhảy vọt, nhưng điều này không xảy ra một phần do tâm lý lo ngại về công suất của các đường ống dẫn dầu tại nước này và tình trạng thương mại bất ổn".

Căng thẳng thương mại leo thang giữa hai siêu cường kinh tế thế giới không phải là tin tốt lành đối với Canada.

Canada là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào thương mại, trong khi những quy tắc thương mại lại đang thay đổi trước sức ép của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Mỹ cho rằng hệ thống xét xử hiện nay của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hoạt động chậm chạp và không công bằng.

Mỹ đã “lặng lẽ” làm tê liệt WTO, khi Washington ngăn cản việc bổ nhiệm thẩm phán mới cho Cơ quan phúc thẩm WTO, một sách lược khiến các vụ kiện nhằm giải quyết tranh chấp tại WTO có nguy cơ bị tạm dừng.

Thương mại đóng góp khoảng 1/4 cho nền kinh tế Canada, nhiều gấp đôi so với mức tương ứng 12% ở Mỹ.

Khó khăn lại càng chồng chất khi Canada đang mắc kẹt trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung sau khi Ottawa bắt giữ Giám đốc Tài chính của tập đoàn công nghệ Huawei, bà Mạnh Vãn Châu, theo yêu cầu của Mỹ.

Trong một động thái được giới quan sát cho là để trả đũa Ottawa, Bắc Kinh đã tiến hành giam giữ hai công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor với cáo buộc hoạt động gián điệp, đồng thời hạn chế khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc đối với một số nông sản của Canada.

Giá nhiều nông sản của Canada được dự báo sẽ giảm khi lượng hàng không bán được sẽ dồn lại.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này là một trong những khách hàng mua nhiều nông sản của Canada nhất, đồng thời là một thị trường đang tăng trưởng đối với các ngân hàng, các hãng bảo hiểm và các nhà sản xuất đồ xa xỉ phẩm của “xứ sở lá phong”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục