Kinh tế Đức tìm cách "vượt bão”

08:50' - 23/02/2024
BNEWS Xuất khẩu yếu, chi phí năng lượng tốn kém và quá trình chuyển đổi xanh chậm chạp đang tạo ra cái gọi là "cơn bão hoàn hảo" cho kinh tế Đức.

Trước những thách thức nêu trên, các quan chức chính phủ nước này hiện đang thảo luận tìm cách thay đổi hướng phát triển cho nền kinh tế.

Chính phủ Đức ngày 21/2 hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 xuống 0,2%, thấp hơn nhiều so với mức 1,3% được đưa ra trong báo cáo mùa Thu năm ngoái, do một loạt yếu tố như nhu cầu toàn cầu yếu, bất ổn địa chính trị và lạm phát cao dai dẳng đã làm giảm kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng.

 

Kinh tế Đức giảm 0,3% trong quý IV/2023 và trong cả năm 2023, đưa nền kinh tế đầu tàu châu Âu này trở thành một trong những nền kinh tế lớn tăng trưởng yếu nhất trong năm 2023. Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) nhận định rằng hiện có ít dấu hiệu cho thấy nền kinh tế sẽ phục hồi vào đầu năm nay. Do vậy, kinh tế nước này sẽ rơi vào suy thoái mang tính kỹ thuật nếu tiếp tục giảm trong quý I/2024.

Truyền thông Đức cho rằng nước Đức cũng có nguy cơ phải đối mặt với tăng trưởng yếu cho đến năm 2028, trừ phi chính phủ nhanh chóng hành động.

* Đưa ngành công nghiệp mũi nhọn thoát khỏi tình trạng ảm đạm

Bộ trưởng Habeck hồi đầu tháng này cho rằng nền kinh tế Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và vốn được coi là động lực tăng trưởng của Khu vực đồng euro, đang gặp nhiều trở ngại. Ngành công nghiệp Đức đang bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi nhiều "cơn gió ngược".

Lĩnh vực công nghiệp - vốn phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu giá phải chăng của Nga - đang gặp không ít khó khăn do giá năng lượng tăng vọt do cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Cùng với đó, một loạt đợt tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhằm kiềm chế lạm phát đã khiến tình hình khó khăn thêm, do lãi suất cao đã cản trở đầu tư của doanh nghiệp và làm giảm nhu cầu tiêu dùng. Lạm phát cao và sức mua giảm dẫn đến nhu cầu trong nước thấp hơn cũng là một trở ngại.

Xuất khẩu sụt giảm do giao dịch yếu dần với các thị trường trọng điểm như Trung Quốc. Đồng thời, căng thẳng địa chính trị bao gồm cả sự gián đoạn vận chuyển hàng hóa ở Biển Đỏ cũng đã làm gia tăng những khó khăn trong thương mại.

Trong khi đó, sự chuyển đổi được “hứa hẹn” từ lâu sang một nền kinh tế xanh hơn, đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn ở cả khu vực công và tư nhân, đã gặp phải những trở ngại mới sau một phán quyết pháp lý gây sốc vào năm ngoái buộc chính phủ phải suy nghĩ lại một số kế hoạch chi tiêu cho khí hậu.

Các tập đoàn hóa chất khổng lồ của Đức BASF và Bayer nằm trong số khoảng 60 công ty trong tuần này đã đưa ra lời kêu gọi chung tới các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) thông qua một "thỏa thuận công nghiệp châu Âu" để đưa lĩnh vực này ra khỏi tình trạng ảm đạm. Tuyên bố cho biết: “Nếu không có chính sách công nghiệp có mục tiêu, châu Âu có nguy cơ trở nên phụ thuộc ngay cả vào hàng hóa và hóa chất cơ bản và châu Âu không thể để điều này xảy ra”.

* Gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Trong một bức thư ngỏ vào cuối tuần, 18 liên đoàn đại diện cho “Mittelstand” của các công ty vừa và nhỏ được coi là "xương sống" của nền kinh tế Đức, đã kêu gọi các chính trị gia hành động.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner có quan điểm ủng hộ doanh nghiệp muốn giảm bớt gánh nặng thuế và hạn chế tình trạng quan liêu gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Ông cảnh báo rằng: “Nếu chúng ta không làm gì, nước Đức sẽ trở nên nghèo hơn”.

Liên minh ba đảng của Thủ tướng Olaf Scholz, bao gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP), đang bị chia rẽ về cách thức thúc đẩy nền kinh tế. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã kêu gọi đầu tư vào các ngành công nghiệp xanh thông qua việc nới lỏng quy định "phanh nợ" mà một số ý kiến cho rằng đang cản trở những chi tiêu cần thiết cho việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, FDP lại kiên quyết muốn duy trì quy định "phanh nợ" này.

Những khó khăn kinh tế đã làm giảm mạnh sự ủng hộ dành cho chính phủ. Kế hoạch loại bỏ trợ cấp nhiên liệu nông nghiệp cũng đã gây ra các cuộc biểu tình trên toàn quốc vào tháng trước, nhiều nông dân bày tỏ sự không hài lòng với Thủ tướng Olaf Scholz và các đối tác liên minh của ông.

* Bài toán thiếu lao động lành nghề

Một trong những thách thức nghiêm trọng nhất hiện nay đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu là hạn chế tăng trưởng do thiếu hụt lực lượng lao động lành nghề. Các ước tính chính thức cho thấy xã hội già hóa của Đức sẽ thiếu 7 triệu lao động lành nghề vào năm 2035. Do đó, Chính phủ Đức đã đề xuất cung cấp các ưu đãi tài chính cho những người muốn làm việc lâu hơn và linh hoạt hơn khi về già.

Theo Bộ trưởng Habeck, việc xem xét lại trợ cấp thất nghiệp vốn ở mức cao cho một số đối tượng cũng là một biện pháp giải quyết vấn đề. Đức cũng cần thu hút người nhập cư bằng cách giải quyết nhanh gọn thủ tục cấp thị thực, tăng các khóa học ngôn ngữ.

Chính phủ Đức đã đưa ra một số luật để thu hút lao động nhập cư như rút ngắn thời gian trở thành công dân Đức, đẩy nhanh thủ tục cấp thị thực và công nhận bằng cấp nước ngoài.

Những “vấn đề cơ cấu” dài hạn của nền kinh tế Đức như thiếu hụt công nhân lành nghề, tình trạng quan liêu và đầu tư yếu kém kéo dài cần phải được giải quyết. Bộ trưởng Habeck kêu gọi phải bảo vệ khả năng cạnh tranh của Đức với tư cách là địa điểm sản xuất công nghiệp.

Sau khi Nhật Bản ngày 15/2 công bố số liệu cho hay Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa năm 2023 của nước này ở mức 4.200 tỷ USD, thấp hơn GDP danh nghĩa 4.500 tỷ USD của Đức, kinh tế Đức đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc.

Mặc dù vậy, bất ổn địa chính trị và nhu cầu toàn cầu thấp hơn từ các thị trường như Trung Quốc, cùng với lạm phát cao và sức mua giảm là những trở ngại cho sự phục hồi của kinh tế Đức.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục