Conference Board: Kinh tế Mỹ không có nguy cơ suy thoái trong năm 2024

08:00' - 21/02/2024
BNEWS Nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ không rơi vào suy thoái, mặc dù chỉ số kinh tế hàng đầu (LEI) của nước này cho thấy sản lượng kinh tế sẽ đi ngang trong những tháng tới.

Theo kết quả đo lường mới được tổ chức nghiên cứu Conference Board công bố ngày 20/2, nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ không rơi vào suy thoái, mặc dù chỉ số kinh tế hàng đầu (LEI) của nước này cho thấy sản lượng kinh tế sẽ đi ngang trong những tháng tới.

Chỉ số LEI của Mỹ, được coi là thước đo hoạt động kinh tế trong tương lai, đã giảm 0,4% trong tháng 1/2024 xuống còn 102,7, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020 khi nước này rơi vào suy thoái ngắn hạn sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Đây cũng là mức giảm hàng tháng thứ 23 liên tiếp, chỉ kém một tháng so với đợt suy thoái kéo dài kỷ lục từ tháng 4/2007-3/2009 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, so với cùng kỳ 6 tháng trước đó, tốc độ suy giảm LEI đã chậm lại đáng kể và mức suy giảm tăng trưởng đang mức thấp nhất kể từ tháng 8/2022.

 

Theo bà Justyna Zabinska-La Monica, quản lý cấp cao của Conference Board, trong khi chỉ số LEI giảm tiếp tục báo hiệu những "cơn gió ngược" đối với hoạt động kinh tế, thì lần đầu tiên trong hai năm qua, 6 trong số 10 thành phần của chỉ số này đã tiến triển tích cực trong sáu tháng qua và LEI hiện không cho thấy một cuộc suy thoái sắp xảy ra. Tuy nhiên, bà cho rằng tăng trưởng trong quý II và quý III/2024 của Mỹ sẽ gần bằng 0.

Conference Board lần đầu tiên công bố chỉ số LEI của nền kinh tế Mỹ vào tháng 7/2022 cho thấy một cuộc suy thoái sắp xảy ra và tiếp tục lặp lại dự báo này hàng tháng cho đến kết quả mới nhất vừa được công bố. Yếu tố tích cực lớn nhất góp phần làm thay đổi dự báo suy thoái của Conference Board đến từ sự tăng trưởng mạnh mẽ gần đây của thị trường chứng khoán Mỹ.

Chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 20% kể từ cuối tháng 10/2023, sau khi có tín hiệu từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) rằng chu kỳ tăng nhanh lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát đã kết thúc và việc cắt giảm lãi suất có thể xảy ra trong năm 2024. Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới liên tục thấp và các giải pháp về khả năng tín dụng tương lai cũng như số lượng giấy phép xây dựng nhà và đơn đặt hàng mới đối với hàng hóa sản xuất cũng góp phần làm thay đổi triển vọng của nền kinh tế Mỹ.

Theo nhà kinh tế học Matthew Martin tại Oxford Economics, sự sụt giảm liên tục của chỉ số tổng thể hiện được dẫn dắt bởi một nhóm hẹp các chỉ số hiện được dự báo sẽ tăng cao hơn trong những tháng tới. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng và triển vọng tiếp tục lạc quan nhờ sức mạnh của thị trường lao động, các điều kiện thị trường tài chính nới lỏng và chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ trong năm 2024.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục