Kinh tế Hà Nội dần phục hồi

18:01' - 30/05/2023
BNEWS Trong 5 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Hà Nội tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

 

 

Hà Nội là một trong những địa phương có nền kinh tế lớn, trọng điểm, đóng góp rất lớn cho ngân sách quốc gia. Vài năm qua, kinh tế suy thoái, dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế nói chung của cả nước và Thủ đô nói riêng.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, Hà Nội có 1.500 doanh nghiệp giải thể; 12.600 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động. Điều này khiến nhiều lao động mất việc làm, thu nhập thiếu ổn định, dẫn tới nhiều vấn đề an sinh xã hội phức tạp. Giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn Hà Nội vẫn còn chậm, dẫn tới các ngành nghề, lĩnh vực liên quan cũng chịu ảnh hưởng. Thu hút đầu tư nước ngoài vào Thủ đô vẫn chưa thực sự bứt phá....

 

Trước muôn vàn khó khăn, Hà Nội dồn sức đẩy mạnh thực hiện các giải pháp, biện pháp mạnh, chuyên sâu để vực dậy những ngành nghề, lĩnh vực quan trọng.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, nhờ sự lãnh đạo xuyên suốt của Thành ủy, những tháng đầu năm nay toàn thành phố dồn sức cao độ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, đầu tư công và thu hút đầu tư nước ngoài.

Thành phố giảm thủ tục rườm rà và thực hiện ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính cho cấp sở, quận, huyện nên từng bước rút ngắn được rất nhiều công đoạn, thời gian, công sức cho doanh nghiệp.

Trong 5 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Hà Nội tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 8,3%. Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá so với cùng kỳ như: Sản xuất đồ uống tăng 23,9%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 21,5%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 21,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại tăng 10,1%; sản xuất thuốc lá tăng 6,7%.

Tuy nhiên, một số ngành giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất máy móc, thiết bị giảm 30,8%; in, sao chụp bản ghi giảm 11,7%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 6,8%; dệt giảm 5%; sản xuất trang phục giảm 4,9%. Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm cuối tháng 5 tăng 0,1% so với tháng trước và giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù, một số ngành lĩnh vực tăng, nhưng chưa đồng đều và vẫn còn nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cầm chừng chờ vượt qua khó khăn. Vì vậy, lượng công nhân trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cũng bấp bênh, thiếu ổn định.

Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực nhà nước giảm 1,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 7,4%; khu vực ngoài nhà nước tăng 1,5%.

Bên cạnh sự thăng trầm của khối doanh nghiệp công nghiệp, lĩnh vực phát triển doanh nghiệp nói chung trên địa bàn đang có nhiều dấu hiệu khả quan và tích cực.

Trong 5 tháng, Hà Nội có hơn 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 125,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8% về số doanh nghiệp nhưng giảm 17% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 1,5 nghìn doanh nghiệp giải thể, giảm 5%; 12,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 22%; 4,6 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 22%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.

Dù suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn tới việc thu hút đầu tư vốn từ nước ngoài bị ảnh hưởng lớn nhưng trong tháng 5, thành phố Hà Nội thu hút gần 156,4 triệu USD; trong đó có 43 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 13,2 triệu USD; có 21 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 108 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 29 lượt, đạt 35,2 triệu USD.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, toàn thành phố thu hút 1.864 triệu USD vốn FDI; trong đó, đăng ký cấp mới 146 dự án với số vốn đạt 48 triệu USD; 71 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 200 triệu USD; 141 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 1.616 triệu USD; trong đó, 1 lượt giao dịch của nhà đầu tư Nhật Bản Sumitomo mua cổ phiếu của VPBank trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1.500 triệu USD.

Thành phố Hà Nội luôn xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn và là lợi thế hàng đầu để thu hút du khách. Ngành du lịch Hà Nội tiếp tục tập trung triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch, phát triển các điểm đến, xây dựng các tour, nhóm sản phẩm du lịch mới, tổ chức đa dạng các hoạt động du lịch sôi nổi, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền quảng bá, giới thiệu nhiều điểm đến hấp dẫn tới du khách.

Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội 5 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế ước đạt gần 1.255 nghìn lượt người, gấp 7,9 lần cùng kỳ năm trước. Khách du lịch nội địa 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 623 nghìn lượt người, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước. 

Việc giải quyết việc làm những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có xu hướng giảm khi đơn hàng xuất khẩu chậm lại, đặc biệt là ngành dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ...

Tính chung 5 tháng, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 85,8 nghìn lao động, đạt 52,9% kế hoạch năm và giảm 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Thành phố ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 30,4 nghìn người với số tiền hỗ trợ 855 tỷ đồng, tư vấn giới thiệu việc làm cho 29,8 nghìn người; hỗ trợ học nghề cho 487 người với số tiền 2,1 tỷ đồng.

UBND thành phố Hà Nội đang thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó, tập trung ưu tiên cho việc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, giải ngân vốn đầu tư công. Thành phố đang tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu, các sở ngành, quận huyện khẩn trương giải quyết các vướng mắc về thủ tục, giải phóng mặt bằng bàn giao đất cho các dự án, coi đây là những tiêu chí hàng đầu để đánh giá năng lực cán bộ và sự hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị, địa phương.

UBND đẩy nhanh việc lập, trình chủ trương và phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu. Xác định lĩnh vực này mà ách tắc thì nó là điểm nghẽn cho tất cả mọi vấn đề, vì nếu quy hoạch chưa được phê duyệt thì mọi việc xếp hàng chờ đợi.

Thành phố cũng nêu quyết tâm và tập trung cho việc phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính giữa Chủ tịch UBND thành phố với các cấp, ngành và địa phương để giải quyết nhanh công việc, cũng như tạo lòng tin, sự thân thiện với các nhà đầu tư và người dân... ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục