Kinh tế Hàn Quốc sẽ suy giảm mạnh hơn trong năm 2023

05:30' - 03/07/2022
BNEWS Nhật báo The Korea Herald dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng suy thoái kinh tế Mỹ dự kiến sẽ gây ra sóng gió cho nền kinh tế Hàn Quốc trong năm 2023.

Xu hướng thắt chặt tiền tệ đi kèm nhu cầu suy yếu 
Fei Xue, một chuyên gia phân tích châu Á tại cơ quan nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit (EIU), nói với tờ The Korea Herald rằng do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đại diện cho “hai thị trường xuất khẩu lớn” của Hàn Quốc nên sự giảm tốc dự kiến diễn ra sớm ở hai nền kinh tế này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu chip, ô tô và các mặt hàng xuất khẩu khác của "xứ kim chi".
Hiện tại, xu hướng nhu cầu trong nước mạnh hơn sau khi các quy tắc giãn cách xã hội phòng COVID-19 được nới lỏng sẽ thúc đẩy tăng trưởng đối với những mặt hàng xuất khẩu này. Nhóm nghiên cứu của EIU kỳ vọng kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm 2022, song nhóm cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng xuống còn 2,3% cho năm 2023. 
Nhà phân tích Fei Xue nói thêm: Việc thắt chặt chính sách tiền tệ đã cản trở tăng trưởng tiêu dùng tư nhân và khiến việc tài trợ đầu tư kinh doanh trở nên tốn kém hơn. Điều này sẽ trở nên trầm trọng hơn bởi nhu cầu bên ngoài suy yếu, do tỷ giá của đồng nội tệ Hàn Quốc đã tăng cao một năm trước khi kinh tế toàn cầu bước vào suy thoái. 
Tuy nhiên, theo Dave Chia, nhà kinh tế liên kết tại bộ phận phân tích Moody’s Analytics ở Singapore, thì tác hại của suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ không tồi tệ hơn so với những gì mà cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 đã gây ra. 
Ông nói: “Nếu kinh tế Mỹ suy thoái trong 12 tháng tới, tác động sẽ nhỏ hơn đáng kể so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 và theo đó tác động đối với nền kinh tế 'Xứ Kim chi' cũng sẽ ít đáng kể hơn". 
Ông lưu ý thêm rằng hệ thống tài chính toàn cầu hiện đang ở trong tình trạng tốt hơn so với thời điểm trước cuộc “Đại suy thoái” cách đây hơn một thập kỷ, mô tả mức nợ hộ gia đình của Mỹ và điều kiện thị trường lao động cũng sáng hơn. 
Nhà kinh tế Dave Chia nói thêm rằng Moody’s Analytics cũng đã hạ dự báo tăng trưởng của Hàn Quốc xuống 2,8% vì lạm phát dai dẳng và cho biết tăng trưởng trong năm 2023 sẽ chậm lại ở mức 2,4%. Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất sẽ giúp giảm lạm phát nhưng kém hiệu quả hơn khi được sử dụng để bù đắp áp lực giá từ phía cung (do giá dầu và thực phẩm tăng cao) để tránh làm xấu đi các điều kiện tài chính hộ gia đình. 
Đánh giá được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại đang ảnh hưởng trực tiếp đến các thị trường. Các ngân hàng lớn nhất của Phố Wall đang tăng cường dự báo về một cuộc suy thoái kinh tế Mỹ vào năm tới trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thực hiện chính sách tăng lãi suất “diều hâu", trong khi Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc công khai kêu gọi các lãnh đạo kinh tế của đất nước chuẩn bị cho một “cuộc khủng hoảng toàn diện”. 
Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho mới đây đã phát biểu rằng: “Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang chứng kiến mức giá tiêu dùng tăng cao nhất trong vòng 30-40 năm. Điều này cũng ảnh hưởng đến Hàn Quốc”. 
Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc đã sửa đổi dự báo lạm phát trong năm 2022 lên mức cao nhất trong 11 năm là 4,7% trong khi hạ dự báo tăng trưởng xuống còn 2,6%. Bên cạnh đó, chỉ riêng việc chống lạm phát bằng chính sách tiền tệ cũng đã đạt đến giới hạn. 
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) cho biết, khoản nợ của các hộ gia đình và công ty Hàn Quốc trong quý đầu tiên của năm nay đã lên tới 2.600 tỷ USD, tương đương 219,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. 
Những "trận chiến" dài hạn ở phía trước
Kim Young-ick, Giáo sư kinh tế tại Trường Kinh tế sau đại học của Đại học Sogang (Hàn Quốc) cho biết việc các ngân hàng trung ương cố gắng không thực hiện các đợt tăng lãi suất ấn tượng để tránh suy thoái cho thấy việc nâng chi phí đi vay không phải là “liều thuốc chữa bách bệnh”. 
Ông nói: “Về lâu dài, chúng ta cần tái cấu trúc doanh nghiệp - những doanh nghiệp đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản hoặc sẽ gần kết thúc nếu chính phủ cắt giảm hỗ trợ tài chính” và lưu ý thêm rằng tăng trưởng của Hàn Quốc trong năm tới sẽ giảm xuống dưới 2% - mức triển vọng bi quan nhất của các nhà phân tích sở tại. 
Giáo sư Kim Young-ick cũng nhấn mạnh chính phủ của Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ phải thúc đẩy việc thanh lý các công ty “ma” không thể tự trả nợ trừ khi chính phủ xử lý các khoản vay đáo hạn của họ. 
Cụ thể, 35% các công ty Hàn Quốc không thể trang trải lãi suất cho các khoản vay của họ bằng lợi nhuận hoạt động mà họ kiếm được hàng năm. Nếu họ có thể tự mình làm điều đó thì họ chắc chắn có thể làm được nhiều hơn thế. 
Sung Tae-yoon, Giáo sư kinh tế tại Đại học Yonsei (Hàn Quốc), cho rằng “Kế hoạch 5 năm” vừa được Chính phủ Hàn Quốc công bố cách đây hai tuần về cơ bản vẫn hỗ trợ việc bãi bỏ quy định bao gồm giảm thuế suất tối đa của doanh nghiệp để khởi động nền kinh tế - đặt các công ty lên hàng đầu và nhà nước đứng thứ hai như một "người quyết định” xử lý các khiếu nại của họ. 
Ông nói thêm: “Đối với tôi, kế hoạch này nghe có vẻ đã đủ, nhưng những gì còn thiếu là các bước cho thấy chính phủ sẽ cắt giảm những thứ mà họ đã chi trả bằng tiền mặt bổ sung từ các gói cứu trợ COVID-19 và thuế thu nhập doanh nghiệp, những thứ sẽ không còn ở đó nữa”. 
Ngoài ra, "sức khỏe" tài chính cũng quan trọng đối với chính phủ cũng như đối với các doanh nghiệp, đặc biệt nếu họ muốn thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng một cách tương đối bình thường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục