Kinh tế Indonesia tăng trưởng quý thứ tư liên tiếp

17:34' - 09/05/2022
BNEWS Theo thống kê được công bố ngày 9/5, giá cả hàng hóa xuất khẩu tăng vọt và việc nới lỏng các hạn chế chống dịch COVID-19 đã giúp nền kinh tế Indonesia tăng trưởng trong quý thứ tư liên tiếp.

Cụ thể, trong ba tháng đầu năm nay, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã đạt mức tăng trưởng 5,01% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 5,02% so với quý cuối cùng của năm 2021.

 

Tăng trưởng quý I/2022 được hỗ trợ bởi sự phục hồi của các lĩnh vực tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Giá các mặt hàng xuất khẩu như than đá, dầu cọ và nickel tăng vọt cũng góp phần tạo ra thặng dư thương mại cao kỷ lục cho Indonesia - nhà cung cấp chủ chốt các nguồn tài nguyên này.

Phát biểu họp báo, người đứng đầu Cơ quan thống kê Indonesia (BPS) Margo Yuwono cho biết các hạn chế chống COVID-19 được áp dụng hồi đầu năm nay đã được dỡ bỏ, làm gia tăng mạnh mẽ các hoạt động kinh tế. Tiêu dùng hộ gia đình cũng được cải thiện, cả với các khoản chi dịch vụ như du lịch.

Tuy nhiên mới đây, Tổng thống Joko Widodo đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ lạm phát bắt nguồn từ giá nhiên liệu và thực phẩm toàn cầu tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do ảnh hưởng của xung đột tại Ukraine.

Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng các vấn đề lo ngại về địa chính trị là những yếu tố có thể cản trở đà tăng trưởng kinh tế của Indonesia.

Theo nhà kinh tế Josua Pardede thuộc Ngân hàng Permata, các rủi ro toàn cầu ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế Indonesia bao gồm rủi ro địa chính trị, suy thoái kinh tế Trung Quốc, lạm phát toàn cầu gia tăng dẫn đến việc siết chặt chính sách tiền tệ.

Hồi tháng trước, Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) đã hạ dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ mức 4,7%-5,5% xuống còn 4,5%-5,3% do tăng trưởng toàn cầu chậm hơn và tình trạng gián đoạn thương mại.

BI đã cam kết duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp kỷ lục cho đến khi nhận thấy dấu hiệu của áp lực lạm phát cơ bản và dự định xem xét lại kế hoạch bình thường hóa chính sách tiền tệ trong tháng Năm và tháng Sáu.

Đồng thời, ngân hàng trung ương này sẽ đánh giá bất kỳ rủi ro nào đối với triển vọng lạm phát nếu chính phủ thay đổi giá năng lượng và trợ cấp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục