Kinh tế Mỹ bộc lộ nhiều dấu hiệu "giảm tốc"

12:26' - 05/05/2022
BNEWS Bộ Thương mại Mỹ ngày 4/5 vừa công bố số liệu cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng Ba đã tăng 22,3% so với tháng trước đó, lên mức 109,8 tỷ USD.

Trong đó, nhập khẩu tăng 10,3% lên 351,5 tỷ USD, còn xuất khẩu tăng 5,6% nhờ lượng hàng cung cấp công nghiệp cao hơn và do lượng khách du lịch đến Mỹ nghỉ dưỡng tăng.

 

Tuy nhiên gián đoạn liên quan đến đại dịch COVID-19 vẫn là một vấn đề đối với hoạt động thương mại. Các nhà kinh tế dự báo tình trạng phong tỏa tại Trung Quốc để chống dịch COVID-19 và xung đột Nga-Ukraine có thể cản trở sự phát triển của kinh tế toàn cầu và chuỗi cung ứng trong những tháng tới.

Tình hình này có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Mỹ, đồng thời đồng USD mạnh sẽ khuyến khích hoạt động nhập khẩu. Theo một số nhà kinh tế, tình trạng này sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa.

Sự mất cân bằng thương mại đã đè nặng lên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý đầu tiên, và các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng phải đối mặt với lạm phát tăng cao, tình trạng thiếu hụt nhân công sẵn có và chi phí vay tăng.

Các số liệu riêng biệt của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy giá cả tăng cao đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh tại các công ty dịch vụ của Mỹ.

Viện quản lý cung ứng cho biết hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ trong tháng Tư tăng trưởng chậm hơn so với tháng Ba. Báo cáo cho biết lạm phát cao, hạn chế về năng lực, các khó khăn về hậu cần đang đè nặng lên các doanh nghiệp.

Thêm vào đó xung đột Nga –Ukraine đang ảnh hưởng đến chi phí nguyên vật liệu như nhiên liệu và hóa chất.

Theo Viện nghiên cứu ADP, việc làm trong các doanh nghiệp Mỹ chỉ tăng 247.000 việc làm trong tháng Tư, sụt giảm lớn so với tháng Ba và thấp hơn nhiều so với mức tăng ước tính của Dow Jones là 390.000 việc làm.

Nguyên nhân chủ yếu là do việc tuyển dụng của các doanh nghiệp nhỏ bị sụt giảm, nhất là đối với các công ty có dưới 20 nhân viên.

Bù lại, các doanh nghiệp lớn có từ 500 công nhân trở lên đã có thêm 321.000 việc làm, các doanh nghiệp giải trí và khách sạn dẫn đầu với việc tạo thêm 77.000 việc làm.

Lĩnh vực dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh tăng 50.000 việc làm và dịch vụ giáo dục y tế đóng góp 48.000 việc làm. Dịch vụ thông tin là lĩnh vực duy nhất ghi nhận sự sụt giảm, mất đi 2000 lao động.

Báo cáo ngày 6/5 tới đây của Bộ Lao động dự kiến sẽ cho thấy mức tăng trưởng 400.000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,5%.

Nếu dự báo đó về tỷ lệ thất nghiệp là chính xác, nó sẽ bằng với mức trước đại dịch COVID-19, mức thấp nhất được ghi nhận từ tháng 12 năm 1969.

Cũng trong ngày 4/5, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm chính là bước đi quyết liệt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng lạm phát cao nhất trong 40 năm qua tại Mỹ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục