Thâm hụt thương mại Mỹ tăng cao kỷ lục

21:43' - 04/05/2022
BNEWS Số liệu công bố ngày 4/5 của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy thâm hụt thương mại Mỹ tăng 22,3% lên mức 109,8 tỷ USD trong tháng 3,với nhập khẩu tăng kỷ lục. 

Thâm hụt thương mại Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 3/2022, tiếp tục ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế trong quý I/2022.

Tình trạng này cũng được dự báo sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa khi các doanh nghiệp bổ sung các kho hàng bằng hàng hóa nhập khẩu.

 

Số liệu công bố ngày 4/5 của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy thâm hụt thương mại Mỹ tăng 22,3% lên mức 109,8 tỷ USD trong tháng 3,với nhập khẩu tăng kỷ lục.

Con số này vượt qua mức thâm hụt 107 tỷ USD mà các nhà kinh tế dự báo trước đó. Riêng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ Mỹ tăng 10,3% lên mức 351,5 tỷ USD, trong khi xuất khẩu chỉ tăng 5,6% lên 241,7 tỷ USD.

Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ báo cáo thâm hụt thương mại kỷ lục khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Mỹ giảm 3,2 điểm % trong quý I/2022. Theo đó, sau quý IV/2021 tăng trưởng mạnh 6,9% thì đến quý I/2022, GDP của Mỹ giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, quý I/2022 là quý thứ 7 liên tiếp GDP của Mỹ sụt giảm do thâm hụt thương mại.

Cũng liên quan đến tình hình kinh tế Mỹ, Nhà Trắng cho biết trong chiều 4/5 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có bài phát biểu với trọng tâm về các nỗ lực nhằm giảm thâm hụt ngân sách quốc gia, vốn được dự báo sẽ giảm năm thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh kinh tế phục hồi và chi tiêu ngân sách giảm.

Trước đó, có ý kiến chỉ trích rằng lạm phát tại Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục là do Washington đã chi tiêu quá đà trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành cũng như chịu tác động từ tình trạng nguồn cung toàn cầu eo hẹp.

Theo một quan chức Nhà Trắng, ông Biden dự kiến sẽ đề cập vấn đề giảm thâm hụt ngân sách, các quyết định đầu tư quan trọng để cải thiện năng lực của nền kinh tế và giảm chi phí của các hàng hóa dịch vụ thiết yếu đối với các hộ gia đình Mỹ như dược phẩm, dịch vụ chăm sóc y tế và hóa đơn tiền điện.

Từ năm 2001, Mỹ liên tục ghi nhận tình trạng thâm hụt ngân sách. Đặc biệt, từ năm 2016, do chính phủ tăng chi tiêu cho an sinh xã hội, chăm sóc y tế và tăng lợi tức trái phiếu liên bang nên các khoản chi ngân sách đã vượt xa thu ngân sách liên bang.

Trong vài năm trở lại đây, thâm hụt ngân sách hằng năm của Mỹ đã đội lên đến 3.000 tỷ USD do tăng chi tiêu trong đại dịch COVID-19 trong khi thu ngân sách giảm.

Trong bài phát biểu tới đây, ông Biden được cho là sẽ lưu ý các thông tin như thâm hụt ngân sách quốc gia Mỹ đã thu hẹp hơn 350 tỷ USD trong năm đầu tiên ông lên nắm quyền và những ước tính mới của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy thâm hụt sẽ tiếp tục thu hẹp thêm hơn 1.500 tỷ USD trong năm 2022, đánh dấu mức giảm trong một năm cao nhất từ trước tới nay.

Bộ Tài chính Mỹ cũng ước tính sẽ trả được nợ quốc gia trong quý I/2022, lần đầu tiên kể từ năm 2016./.

>>Mỹ xem xét gia hạn thuế quan đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục