Kinh tế Mỹ liệu có “cất cánh” sau giảm thuế? (Phần 2)

06:30' - 17/12/2017
BNEWS Nếu luật thuế mới được áp dụng ngay từ năm 2018, kinh tế Mỹ có thể sẽ bùng nổ mạnh vì chi tiêu đầu tư kinh doanh và cá nhân sẽ tăng mạnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) ký phê chuẩn một dự luật tại Washington DC. Ảnh: THX/TTXVN

Chiếc “đòn bẩy” mang tên thuế thu nhập

Dù thuế suất giảm nhưng ý tăng trưởng GDP cao sẽ đẩy thu nhập kinh doanh và cá nhân tăng cao, cuối cùng sẽ cho tổng thu nhiều hơn và không làm tăng thâm hụt ngân sách do giảm thuế, nhất là sau 3-4 năm.

"Linh hồn" của cuộc “cách mạng giảm thuế” là sẽ cho giảm hẳn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 20%, và sau nữa là đơn giản hoá hệ thống thuế thu nhập cá nhân bằng cách gộp các mức thuế suất, hay giảm bớt số mức thuế, tùy theo dự luật thuế nào được chấp thuận.

Theo các nghiên cứu định lượng được các nhà kinh tế trên trích dẫn, các kết quả và tiến trình từ giảm thuế đến nâng cao tăng trưởng kinh tế sẽ như sau: Đầu tiên, giảm thuế doanh nghiệp và cho khấu trừ ngay chi phí đầu tư sẽ làm tăng đầu tư và kéo theo đó là hoạt động kinh tế vì giới doanh nghiệp sẽ có triển vọng tăng lợi nhuận.

Các nghiên cứu định lượng chỉ ra rằng giảm thuế xuống mức 20% sẽ tăng nhu cầu đầu tư khoảng 15% và GDP trong 10 năm khoảng 4%, tức là tăng thêm 0,4% GDP trong mỗi năm. 

Hai mắt xích quan trọng cho tác dụng của việc giảm thuế lên GDP là bớt thuế sẽ làm tăng đầu tư của tư nhân; và việc tăng đầu tư này sẽ tác động đến các hoạt động kinh tế khác như tiêu thụ và xuất cảng; các tranh luận giữa các nhà kinh tế và hai phe bênh và chống chương trình giảm thuế nhìn chung xoay quanh hai mắt xích đó.

Cho đến rạng sáng ngày 2/12, Thượng viện đã tranh luận gay go về việc này trước khi bỏ phiếu chấp thuận; đặc biệt một Thượng nghị sỹ Cộng hoà duy nhất chống lại, ông Bob Corker, đòi là nếu tăng trưởng GDP và thu thuế không được như dự kiến, sẽ dự trù các biện pháp tự động tăng thuế trở lại khoảng 350 tỷ USD để tránh thất thu ngân sách. Ông muốn cung cấp “cái phao” nếu kết quả thực tế không đạt như ý đa số các thành viên của đảng mình.

Trong lập luận của những người lo ngại, có thể có hai lý do tại sao giảm thuế thu nhập chưa chắc sẽ dẫn đến tăng trưởng GDP cao hơn. Thứ nhất các doanh nghiệp dùng số thu nhập được tăng lên vào chuyện khác thay vì đầu tư, chẳng hạn như trả thêm cổ tức hay mua lại cổ phần quỹ, hay tăng lương cho giới quản trị; dù như vậy thì kết cục vẫn là tăng đầu tư và tiêu dùng - các yếu tố làm tăng GDP.

Tiếp đó là các doanh nghiệp đầu tư thêm, nhưng các khoản đầu tư này không dẫn đến tăng trưởng GDP vì nền kinh tế đã đạt đến mức toàn dụng (full capacity), như Mỹ đang đến gần, và đầu tư thêm sẽ chỉ dẫn đến lạm phát. 

Đây là trường hợp mà các yếu tố sản xuất đã ở mức toàn dụng, chẳng hạn như nạn thất nghiệp đã đến mức thấp tối thiểu, không có cách nào để tăng thêm lao động, trừ khi đem dân ngoại quốc vào, một điều mà ông Trump và giới bảo thủ không muốn.

Do đó, theo một vài quan sát viên, giảm thuế lúc này khi nền kinh tế Mỹ đang gần mức toàn dụng có thể ví như “đổ dầu vào lửa” vì dễ dàng gây ra lạm phát cao trở lại trong tương lai. Theo kinh nghiệm ở Mỹ, lạm phát thường do chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức hay quá lâu, chứ không do tăng đầu tư; khi tăng đầu tư vào máy móc thiết bị sẽ giải phóng lao động: tăng tự động hoá, trí tuệ nhân tạo sẽ làm tăng GDP.

Thứ hai, cùng với việc giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 20%, các công ty Mỹ và ngoại quốc được dự báo sẽ gia tăng đầu tư ở Mỹ vì hấp dẫn hơn, và các công ty đa quốc gia của Mỹ sẽ bớt nhu cầu “outsourcing” đẩy sản xuất và việc làm ra khỏi Mỹ.

Thứ ba, giảm thuế thu nhập cá nhân cũng sẽ tác động tích cực đến sản xuất và tích cực gia nhập lao động hơn trước: giới đầu tư ngoài doanh nghiệp cũng sẽ gia tăng đầu tư vì được khấu trừ ngay và giảm thuế, còn các cá nhân sẽ hăng hái làm việc hơn vì được giữ lại thu nhập nhiều hơn.

Đặc biệt là với mức thuế suất cá nhân cho thu nhập giới trung lưu giảm còn 12%-20%, và khoản miễn trừ căn bản (standard deduction) được tăng gấp đôi, giới trung lưu sẽ được giảm thuế đáng kể cho tới năm 2023. 

Và giới có thu nhập cao nhất, dù vẫn phải trả thuế suất cao nhất 38%-39,6% (tùy theo dự luật nào được chấp thuận sau cùng), vẫn được ước tính là thu lợi nhiều nhất, nhất là với thuế di sản (“estate tax”) sẽ được bãi bỏ phần lớn hay hoàn toàn sau một số năm, và đó sẽ là một cuộc tranh cãi còn gay go giữa hai viện quốc hội.

Nói chung, ông Trump luôn nhấn mạnh giảm thuế sẽ là biện pháp “vĩ đại” nhất để khuyến khích đầu tư vào Mỹ và chi tiêu cá nhân Mỹ, giữ lại các hãng Mỹ lớn sản xuất sinh lời ở Mỹ thay vì đem sang Trung Quốc, ví dụ điển hình là hãng Apple chuyên sản xuất ở bên ngoài, nhất là Trung Quốc, và giữ hẳn tài sản khổng lồ trên 260 tỷ USD ở ngoại quốc để tránh thuế, thay vì đem về Mỹ đầu tư lại và tạo công ăn việc làm cho lao động Mỹ.

Ngoài ra ông cũng tuyên bố sẽ thêm các biện pháp phụ và tiếp tục xét lại hay bỏ bớt các qui định nhằm tăng cường hiệu ứng sản xuất công nghệ và sớm phục hồi các thành phố công nghiệp lớn ở Mỹ.

Có điểm nổi bật cần chú ý là trong thời gian tranh luận trước khi bỏ phiếu, cả hai dự thảo của đảng Cộng hoà và Dân chủ đều đồng ý là phải thay đổi cơ cấu hiện có của các động lực cá nhân trong đầu tư, bằng cách giảm bớt khoản khấu trừ vào thuế tiền lãi vay mua nhà như trong hệ thống thuế hiện tại, nhằm khuyến khích dân chúng bớt mua nhà đắt tiền (để bớt thuế) mà cho thêm tiền đầu tư vào các khu vực khác như chứng khoán, công nghệ hay thương mại.

Đây cũng là khía cạnh quan trọng của luật thuế mới sẽ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư bất động sản tại Mỹ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục