Kinh tế Mỹ vững mạnh xua tan đồn đoán USD mất giá

07:31' - 06/03/2024
BNEWS Yếu tố chính thúc đẩy đồng USD là một nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ đã khiến Fed do dự trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá nhanh - điều có thể dẫn tới nguy cơ lạm phát trở lại.

Nền kinh tế Mỹ vững mạnh hơn kỳ vọng đang thúc đẩy đà tăng của đồng USD. Điều này khiến các nhà đầu tư, những người đặt cược rằng đồng bạc xanh sẽ trượt dốc do tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khá thất vọng.

 

Chỉ số đồng USD, “thước đo” sức khỏe của đồng bạc xanh so với rổ các đồng tiền khác, đã tăng 2,4% từ đầu năm đến nay. Dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) cho thấy lần đầu tiên kể từ cuối tháng 11/2023, lượng đặt cược ròng vào đồng USD trên thị trường tương lai đã tăng vào tháng trước.

Yếu tố chính thúc đẩy đồng USD là một nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ đã khiến Fed do dự trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá nhanh - điều có thể dẫn tới nguy cơ lạm phát trở lại.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 đã tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2022. Ngược lại, nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã rơi vào trì trệ trong năm ngoái. Trong khi Trung Quốc phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng trên thị trường bất động sản và Nhật Bản bất ngờ rơi vào suy thoái vào cuối năm 2023.

Ông Thierry Wizman, nhà chiến lược tỷ giá và ngoại hối toàn cầu tại công ty dịch vụ tài chính Macquarie, đã trở nên trung lập hơn về triển vọng đồng USD sau khi dự báo đồng tiền này sẽ suy giảm vào năm ngoái. Theo ông, trong khi nền kinh tế Mỹ vẫn tỏ ra kiên cường, không có bằng chứng đáng kể nào cho thấy châu Âu và Trung Quốc đang phục hồi. Đó là lý do khiến mọi người thay đổi quan điểm về đồng USD.

Sức mạnh của đồng USD sẽ đối mặt với một bài kiểm tra trong tuần này, khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho phiên điều trần của Chủ tịch Fed Jerome Powell trước các nhà lập pháp vào thứ Tư và thứ Năm (6-7/3 theo giờ địa phương), đồng thời chờ đợi dữ liệu việc làm tháng 2/2024 của Mỹ vào cuối tuần.

Các dấu hiệu cho thấy Fed vẫn duy trì quan điểm “lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn", hoặc nền kinh tế Mỹ tiếp tục mạnh mẽ có thể hỗ trợ sự phục hồi của đồng USD trong giai đoạn tiếp theo.

Giới đầu tư đang đặt cược Fed sẽ hạ lãi suất khoảng 85 điểm cơ bản trong các đợt cắt giảm vào năm 2024, thấp hơn đáng kể so với dự kiến giảm 150 điểm cơ bản từng được đưa ra hồi đầu tháng 1/2024.

Việc nắm bắt được quỹ đạo vận hành của đồng USD là điều quan trọng đối với các nhà đầu tư, do đồng tiền này đóng vai trò trung tâm trong nền tài chính toàn cầu.

Đồng USD mạnh có thể ảnh hưởng đến triển vọng của các công ty đa quốc gia Mỹ. Vì điều này khiến việc chuyển lợi nhuận từ nước ngoài của họ sang đồng USD trở nên đắt đỏ hơn, đồng thời khiến sản phẩm của các nhà xuất khẩu trở nên kém cạnh tranh hơn ở nước ngoài. Dữ liệu từ công ty theo dõi thị trường FactSet cho thấy, hơn 50% doanh thu của khoảng 25% các công ty thuộc nhóm chỉ số tổng hợp S&P 500 được tạo ra bên ngoài nước Mỹ.

Sức mạnh của đồng USD cũng có thể làm phức tạp thêm nỗ lực chống lạm phát của các ngân hàng trung ương khác, vì nó làm cho đồng nội tệ của họ rẻ hơn. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã phản đối các cuộc đàm phán cắt giảm lãi suất do lạm phát khó kiểm soát. Trong khi đó, các dấu hiệu cho thấy giới hoạch định chính sách của Eurozone có thể trì hoãn việc giảm lãi suất hơn nữa có thể thúc đẩy đồng euro và gây thiệt hại cho đồng USD.

Các chiến lược gia nhìn chung vẫn đánh giá đồng bạc xanh rồi sẽ suy yếu, mặc dù sức mạnh bền bỉ của đồng USD đang thử thách những dự báo này. Một cuộc thăm dò mới đây của hãng tin Reuters cho hay trong khi giới chuyên gia vẫn đa phần dự báo đồng USD sẽ suy yếu trong thời gian còn lại của năm 2024, khoảng 80% tin rằng đồng tiền này có thể vượt mục tiêu giá của họ.

Ông Paul Mielczarski, người đứng đầu chiến lược vĩ mô tại công ty dịch vụ đầu tư Brandywine Global, coi sự phục hồi gần đây của đồng USD giống như một "sự phục hồi dựa trên chiến thuật đầu tư thay vì phản ánh sự thay đổi trong xu hướng cơ bản của thị trường.

Ông đã viện dẫn những dấu hiệu mới về sự cải thiện tăng trưởng bên ngoài nước Mỹ, bao gồm cả sức mạnh trong ngành bán dẫn toàn cầu đang mang lại lợi ích cho các loại tiền tệ như đồng won Hàn Quốc.

Tuy nhiên, những người khác lại thấy có nhiều lý do để đồng USD mạnh lên - đặc biệt nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump giành được ưu thế trong cuộc đua tái tranh cử.

Các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Capital Economics lưu ý rằng, đề xuất tăng thuế của ông Trump có thể khiến Fed quay trở lại xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ và gây ra một cuộc chiến thương mại rộng lớn hơn, thúc đẩy nhu cầu "trú ẩn an toàn" đối với đồng USD. Trước đây, đồng USD đã tăng giá trong giai đoạn đầu sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016. Nhưng đồng tiền này sau đã giảm 10,5% trong nhiệm kỳ của ông.

Chuyên gia Wizman của Macquarie cho biết mặc dù điều đó có thể còn xa, nhưng các nhà đầu tư có thể vẫn do dự trong việc tiếp tục đặt cược theo hướng đồng USD suy giảm hay không. Theo ông, tâm thế của giới đầu tư vẫn rất thận trọng và mức độ hoài nghi từ phía các nhà giao dịch là rất cao.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục