Kinh tế Pháp cần hai năm để trở lại mức tiền khủng hoảng COVID-19

19:00' - 09/06/2020
BNEWS Ngày 9/6, Ngân hàng Trung ương Pháp (BoF) nhận định nền kinh tế nước này sẽ cần hai năm để thoát khỏi cuộc suy thoái tồi tệ nhất do đại dịch COVID-19 gây ra.

Theo dự báo của BoF, nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể sẽ giảm 10,3% trong năm nay, trước khi phục hồi với mức tăng 6,9% vào năm 2021 và 3,9% vào năm tiếp theo.

Trong năm nay, ước gần 1 triệu người ở Pháp bị mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên mức kỷ lục 11,8% trong nửa đầu năm 2021.

BoF cho rằng triển vọng kinh tế Pháp có thể tươi sáng hơn nếu tình hình dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát.

Trong trường hợp xảy ra đợt bùng phát dịch thứ hai, kinh tế Pháp có thể sụt giảm mạnh hơn nữa ở mức 16% trong năm nay, sau đó ghi nhận mức tăng 6% vào năm 2021 và 4% năm 2022.

Dự báo này chưa tính đến tác động tiềm tàng của kế hoạch phục hồi mà Chính phủ Pháp dự kiến công bố trong vài tháng tới.

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã áp đặt các biện pháp phong tỏa được đánh giá là nghiêm ngặt nhất ở châu Âu từ giữa tháng 3/2020, động thái gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Pháp.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết chính phủ sẽ cung cấp gói cứu trợ 15 tỷ euro (16,9 tỷ USD) nhằm giúp ngành hàng không phục hồi từ cuộc khủng hoảng COVID-19.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Le Maire cho biết kế hoạch giải cứu khẩn cấp ngành hàng không này bao gồm một quỹ đầu tư với số tiền khởi điểm là 500 triệu euro và sẽ tăng lên 1 tỷ euro nhằm thúc đẩy sự phát triển của các nhà cung cấp tầm trung, và 300 triệu euro viện trợ khác để trợ giúp các nhà thầu phụ trong ngành hàng không hiện đại hóa các nhà máy.

Pháp cũng đầu tư 1,5 tỷ euro (khoảng 1,7 tỷ USD) trong 3 năm để hỗ trợ việc nghiên cứu công nghệ hàng không mới thân thiện với môi trường, trong đó 300 triệu euro sẽ được giải ngân trong năm nay.

Trong 15 tỷ euro này có khoản cứu trợ 7 tỷ euro dành cho hãng hàng không Air France-KLM đã được công bố trước đó.

Bộ trưởng Le Maire nhấn mạnh kế hoạch giải cứu khẩn cấp ngành hàng không sẽ giúp lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19 này trở nên cạnh tranh hơn.

Nếu không có sự can thiệp kịp thời của chính phủ, sẽ có khoảng 1/3 số việc làm trong ngành hàng không Pháp biến mất, tương đương khoảng 100.000 trong tổng số 300.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục