Kinh tế phi chính thức: Một góc nhìn khác (Phần 2)

06:30' - 12/08/2018
BNEWS Sự bùng nổ của thời đại Internet đã dẫn đến xu hướng phát triển của các mô hình kinh doanh mới, trong đó điển hình là kinh tế chia sẻ.
Uber là một trong những ví dụ điển hình nhất của nền kinh tế chia sẻ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ví dụ, Airbnb là nền tảng cung cấp dịch vụ cho thuê nhà/căn hộ thông qua hệ thống đặt lệnh trực tuyến rất được ưa chuộng trên thế giới. Tuy nhiên, việc quản lý và thu thuế các cá nhân tham gia kinh doanh trên Airbnb là một quy trình rất phức tạp bởi toàn bộ giao dịch đều được thực hiện trực tuyến thông qua mạng Internet mà không cần xuất hóa đơn hay thanh toán bằng tiền mặt.
Tương tự, xu hướng tìm kiếm và mua bán hàng hóa, dịch vụ qua mạng ngày càng gia tăng, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng. Ở Việt Nam, các hình thức thương mại điện tử đang ngày càng phát triển như Lazada.vn, Shopee, thậm chí là Facebook.

Phần lớn các hoạt động này là hợp pháp, tuy nhiên, môi trường kinh doanh trên Internet tạo nhiều kẽ hở cho các giao dịch phi pháp và một số hoạt động nằm ngoài sự quản lý của nhà nước, đặc biệt là việc đánh thuế các giao dịch thương mại điện tử.
Với những rủi ro lớn như vậy, cũng dễ hiểu khi kinh tế phi chính thức luôn nằm trong tầm ngắm của các cơ quan hoạch định chính sách. Tuy nhiên, việc “xóa sổ” khu vực kinh tế này là điều hoàn toàn không tưởng và chắc chắn sẽ gây ra sự mất cân bằng nhất định đối với môi trường kinh tế vĩ mô.
Khi đi sâu vào khu vực kinh tế phi chính thức, có thể thấy một điều đó là hoạt động trong lĩnh vực này không chỉ có lao động ở cấp thấp, hay những lao động cố tình né tránh pháp luật, mà còn cả những mô hình kinh doanh hợp pháp và có tính tư duy cao nhưng vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ từ xã hội bởi tâm lý “đánh đồng”.
Bà Niti Bhan, chuyên gia về kinh tế phi chính thức khu vực châu Phi, khi được mời lên diễn thuyết trong chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng của nước Mỹ TED, đã khẳng định rằng sự nhập nhằng trong định nghĩa giữa hoạt động kinh tế phi chính thức nói chung (như buôn bán hoa quả nhỏ lẻ) và hoạt động kinh tế bất hợp pháp (như buôn người, buôn ma túy), từ đó dẫn đến việc tất cả hoạt động kinh tế được cho là phi chính thức đều bị coi thường và đánh giá thấp, đã khiến các nền kinh tế “Lục địa Đen” đánh mất từ 60-80% mức tăng trưởng GDP mỗi năm. 
Trong bài phát biểu của mình, bà Niti Bhan đã kể về câu chuyện của Teresia, cô chủ của một sạp quần áo nhỏ ở thị trấn Malaba (Kenya) với số tiền vốn đầu tư xoay vòng 20.000 USD mỗi năm cùng quy trình lấy hàng và giao hàng, cân đối thu chi khép kín. 
Tuy không phải đóng thuế song mỗi năm Teresia luôn trả một khoản phí nhất định cho chính quyền địa phương để đổi lấy quyền được kinh doanh tại đây.

Nhờ lẽ đó, sạp quần áo của Teresia hoàn toàn có thể được coi là một doanh nghiệp thu nhỏ, là một "hạt giống" cần được chăm sóc trong bức tranh kinh tế vĩ mô, tuy nhiên đến nay chưa được công nhận và vì thế còn gặp nhiều hạn chế trong quá trình mở rộng kinh doanh.
Do đó, vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ chúng ta cần phải có một đánh giá đúng đắn về các khía cạnh của khu vực kinh tế phi chính thức, từ đó hoàn thiện môi trường pháp lý, cung cấp cơ sở hạ tầng để thúc đẩy dần quá trình chuyển đổi lao động và các thành phần kinh tế từ phi chính thức sang chính thức, nhằm phát huy khả năng sáng tạo, những kỹ năng đồng thời khuyến khích phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục