Kinh tế quý I: Một số điểm cần lưu ý và định hướng chính sách

08:41' - 02/04/2024
BNEWS Bước vào năm bản lề 2024, Việt Nam có nhiều kỳ vọng thúc đẩy đà phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Kinh tế Việt Nam 2024 đã đi được 1/4 chặng đường trong bối cảnh kinh tế thế giới dần hồi phục nhưng bấp bênh, đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro, bất định. Mặc dù còn nhiều khó khăn, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam trong quý 1/2024 được đánh giá là một điểm sáng khi đạt mức cao nhất trong 4 năm gần đây... 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam cũng cần lưu ý một số diễn biến để tập trung xử lý cũng như cần cân nhắc một số định hướng chính sách để đạt được tăng trưởng như kỳ vọng ở các quý tiếp theo. Nhằm cung cấp thêm góc nhìn về vấn đề trên, BNEWS/TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết của TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

Dưới đây là nội dung bài viết:

Bước vào năm bản lề 2024, Việt Nam có nhiều kỳ vọng thúc đẩy đà phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy vậy, bối cảnh kinh tế trong các tháng đầu năm 2024 chứng kiến cả cơ hội và thách thức đan xen. Nhiều tổ chức quốc tế (IMF, OECD,…) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho cả năm 2024. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu và giá hàng hóa trên thị trường thế giới vẫn đối mặt với những rủi ro, bất định, đặc biệt liên quan đến khủng hoảng Biển Đỏ, xung đột ở dải Gaza, Nga-Ucraina,… hay xu hướng thận trọng trong quyết định điều chỉnh lãi suất ở Mỹ, diễn biến thời tiết cực đoan ở một số nước,…

Trong bối cảnh ấy, Việt Nam đã đạt được không ít kết quả kinh tế-xã hội tích cực trong quý I. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt mức tăng 5,66% trong quý (so với cùng kỳ năm trước). Đây cũng là mức tăng cao nhất trong các quý I kể từ năm 2020 đến nay. Đáng lưu ý, trong các quý I của giai đoạn 2020-2023, thì quý I năm 2022 đạt mức tăng trưởng gần với quý I năm 2024 nhất (5,12%), và năm 2022 cũng là năm có kết quả phục hồi tăng trưởng ấn tượng nhất (8,02%). Nếu tiếp tục duy trì tốc độ và phạm vi phục hồi tăng trưởng kinh tế các quý còn lại, Việt Nam có thể kỳ vọng vào mức tăng trưởng GDP đạt mục tiêu đề ra cho cả năm 2024. 

* Những diễn biến cần lưu ý

Bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam cũng cần lưu ý một số diễn biến để tập trung xử lý. 

Thứ nhất, triển vọng kinh tế thế giới còn khá nhiều bất định, kể cả về đà phục hồi tăng trưởng kinh tế và diễn biến giá hàng hóa. Nhiều nước gia tăng thực thi các quy định mới về phát triển bền vững, qua đó ảnh hưởng đến khả năng thâm nhập của hàng xuất khẩu ở Việt Nam. Điều này có thể ảnh hưởng đối với năng lực xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Thực tế, khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy 55,1% doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo nhìn nhận nhu cầu thị trường trong nước ở mức thấp, và 34,2% nhìn nhận nhu cầu thị trường quốc tế ở mức thấp trong quý I năm 2024. Chỉ số PMI tháng 3 năm 2024 đã giảm xuống 49,9 điểm, cho thấy một dấu hiệu lo ngại khác về thị trường đầu ra. 

Thứ hai, giải ngân tín dụng còn tương đối chậm. Tăng trưởng tín dụng tại thời điểm 25/3/2024 chỉ đạt 0,26% so với cuối năm 2023 (trong khi mức tăng trưởng cùng thời điểm năm 2023 là 1,99%). Điều này cho thấy năng lực hấp thụ tín dụng cần phải được đánh giá cụ thể - kể cả trong mối quan hệ với thị trường đầu ra cho doanh nghiệp - để có những giải pháp cải thiện phù hợp. 

Thứ ba, chi phí của một số hàng hóa, dịch vụ đầu vào chịu áp lực tăng. Trong đó, chỉ số giá vận tải đường hàng không trong quý I năm 2024 đã tăng tới 29,3% so với quý IV năm 2023, và tăng 85,44% so với quý I năm 2023; chỉ số giá vận tải đường sắt trong quý I năm 2024 tăng tới 28,27% so với quý IV năm 2023. 

Thứ tư, việc thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho người lao động ở khu vực doanh nghiệp có thể làm tăng chi phí lao động cho doanh nghiệp, trong khi năng suất lao động có thể chưa được cải thiện ở mức tương xứng. 

* Một số định hướng chính sách

Trong các quý tiếp theo của năm 2024, Việt Nam cần cân nhắc một số định hướng chính sách như sau. 

Thứ nhất, tiếp tục theo dõi, đánh giá, dự báo sát tình hình với các kịch bản đủ chi tiết để có những lựa chọn giải pháp chính sách kinh tế vĩ mô kịp thời, qua đó giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và tạo nền tảng quan trọng cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, đẩy nhanh cải cách thể chế kinh tế, trong đó có cải cách môi trường kinh doanh và hoàn thiện khung chính sách cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo). 

Thứ ba, thường xuyên trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để xác định những vấn đề, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ, xử lý. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm, tháo gỡ những quy định, điều kiện ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

Thứ tư, hoàn thiện hệ thống cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về các FTA mà Việt Nam đã đàm phán và ký kết; hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế để thực hiện hài hòa các hiệp định FTA, đặc biệt là ứng phó với các hàng rào kỹ thuật (nhất là các quy định, tiêu chuẩn mới gắn với phát triển bền vững) và rủi ro phòng vệ thương mại ở các đối tác.

Thứ năm, hoàn thiện và triển khai hiệu quả khung chính sách cải thiện năng suất lao động, gắn với tăng kỹ năng và chuyển đổi kỹ năng cho người lao động để thích ứng với các mô hình kinh tế mới, chính thức hóa khu vực kinh tế phi chính thức, và ứng dụng hiệu quả các công nghệ mới.

TS. Trần Thị Hồng Minh

Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục