Kinh tế Singapore với quá trình phục hồi không đồng đều

05:30' - 29/07/2021
BNEWS Các chuyên gia nhận định sự phục hồi tăng trưởng kinh tế không đồng đều của Singapore có thể thậm chí trở nên sâu sắc hơn trong những tháng tới.

Tác giả bài viết đăng trên báo The Straits Times số ra gần đây nhận định nhu cầu mạnh mẽ trên toàn cầu và việc đẩy nhanh tốc độ tiêm phòng vaccine COVID-19 ở trong nước sẽ đưa Singapore đến con đường phục hồi tốt hơn dự kiến, sau khi chứng kiến cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử nước này. 

Nhu cầu đó, đặc biệt là đối với lĩnh vực điện tử, sẽ tiếp tục hỗ trợ cho hoạt động sản xuất phụ thuộc vào xuất khẩu, vốn là động lực chính cho sự phục hồi kinh tế của Singapore. 

Trong khi đó, với việc nhiều người dân Singapore được tiêm phòng vaccine đầy đủ hơn, các hạn chế liên quan đến COVID-19 sẽ bắt đầu được dỡ bỏ và thúc đẩy tiêu dùng cá nhân. 

Cả hai nhân tố này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường đầu tư và thuê lao động, từ đó tiếp thêm sinh lực cho sự tăng trưởng kinh tế. 

Bộ Công thương Singapore (MTI) dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm 2021 sẽ vượt quá mức dự kiến cách đây 8 tháng là 4-6%. Nền kinh tế Singapore đã giảm 5,4% trong năm 2020. 

Mục tiêu đó dường như có thể đạt được. Một số nhà kinh tế gần đây thậm chí dự báo tăng trưởng từ 6,3 đến 7,5% cho kinh tế Singapore. Nhà kinh tế cấp cao thuộc Ngân hàng DBS Irvin Seah đánh giá, trong khi một số biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt vẫn được áp đặt và điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến một số hoạt động, Singapore vẫn đang đạt được tiến bộ tốt trong quá trình bình thường hóa nền kinh tế của mình trong bối cảnh COVID-19. 

Tuy nhiên, sự phục hồi đưa nền kinh tế Singapore trở lại vị trí trước khi dịch bệnh bùng phát chỉ có thể đạt được sau khi đi lại quốc tế được bình thường hóa hoàn toàn, điều mà theo dự báo mới đây nhất thì ít nhất cũng mất khoảng hai năm nữa. 

Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho biết, đi lại xuyên châu Á phải đến năm 2024 mới đạt được mức trước dịch bệnh, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp ở nhiều quốc gia, những thách thức đặt ra bởi biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh và những đợt phong tỏa kéo dài.

Điều này có nghĩa là hiệu suất kinh tế sẽ không đồng đều trên khắp các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Singapore trong vài năm tới. 

Ông Edward Lee, nhà kinh tế trưởng Ngân hàng Standard Chartered phụ trách khu vực Đông Nam Á và Nam Á, nhận định sự phục hồi tăng trưởng kinh tế không đồng đều của Singapore có thể thậm chí trở nên sâu sắc hơn trong những tháng tới. 

Sự chênh lệch về tăng trưởng là khá rõ trong những ước tính GDP được công bố gần đây cho quý II/2021. Trong khi GDP quý II/2021 tăng trưởng với mức tăng kỷ lục 14,3% tính trên cơ sở hàng năm thì kết quả đó phần lớn dựa vào nền tảng thấp của quý II/2020, khi GDP giảm đến 13,3% do các biện pháp phong tỏa được áp đặt từ ngày 7/4 đến 1/6. 

Kinh tế Singapore trong quý II/2021 cũng đã giảm so với quý I tính trên cơ sở điều chỉnh theo mùa, giảm 2% do các hạn chế nghiêm ngặt vì COVID-19 trong giai đoạn "cảnh báo cao" (16/5-13/6). Standard Chartered đánh giá tác động đối với tăng trưởng cả năm từ các biện pháp phòng dịch được áp đặt trong giai đoạn này là khoảng 0,4 điểm phần trăm. 

Chính phủ Singapore đã nỗ lực giảm bớt những tác động này, với một gói các biện pháp trị giá 800 triệu SGD, trong đó có tăng cường Chương trình hỗ trợ việc làm, hỗ trợ tiền thuế và Kế hoạch phục hồi COVID-19. Chính phủ nước này cũng quyết tâm tiếp tục nới lỏng các hạn chế, khi khoảng 70% dân số ở "đảo quốc sư tử" đã được tiêm đủ hai liều vaccine. 

Tuy nhiên, ngay cả khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng ở mức độ lớn, thì những hạn chế đi lại sẽ tiếp tục đè nặng lên các lĩnh vực phụ thuộc vào du lịch như vận tải, lưu trú, dịch vụ ăn uống và bán lẻ. 

Lĩnh vực xây dựng vốn cần lượng lao động nước ngoài ổn định sẽ vẫn bị ảnh hưởng bất lợi khi các nguồn cung lao động có tính cạnh tranh hơn cũng lại xuất phát từ các quốc gia có rủi ro COVID-19 cao. 

Tuy nhiên, theo ông Lee, những lĩnh vực hướng ra bên ngoài như sản xuất và thương mại bán buôn sẽ được hưởng lợi hơn nữa từ việc mở cửa trở lại trên toàn cầu, trong khi các dịch vụ như tài chính và bảo hiểm, thông tin và viễn thông sẽ vẫn được hỗ trợ bởi những nỗ lực số hóa và nhu cầu đối với các giải pháp thanh toán.

Tiêu dùng tư nhân được thúc đẩy bởi các lĩnh vực như bán lẻ và dịch vụ ăn uống có thể quay trở lại gần mức trước dịch bệnh vào cuối năm nay. 

Một yếu tố then chốt khác nâng đỡ tiêu dùng là thị trường lao động tiếp tục dần phục hồi trong năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp trong dân cư Singapore trong tháng Tư giảm 3,9% - mức thấp nhất kể từ quý II/2020, so với mức đỉnh 4,8% trong quý III/2020. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn mức trước dịch bệnh là 3,2% trong quý IV/2019. 

Trong khi đó, ông Seah cho rằng tốc độ phục hồi không đồng đều trên khắp các lĩnh vực cũng được thể hiện trong thị trường lao động. Bằng chứng cho thấy trong khi có rất nhiều cơ hội trong một số ngành nghề như các lĩnh vực tài chính, công nghệ thông tin và viễn thông, triển vọng việc làm vẫn còn ảm đạm trong các ngành chẳng hạn như du lịch khách sạn. 

Trong bối cảnh này, DBS dự báo tỷ lệ thất nghiệp dân cư nói chung sẽ giảm rất chậm, xuống mức 3,5% trong những quý tới. Trong khi số liệu GDP quý II/2021 cuối cùng sẽ được công bố vào tháng Tám, các nhà phân tích dự đoán tăng trưởng trong nửa đầu năm 2021 sẽ ở mức cao 7,8%. 

Ông Seah cho rằng mặc dù kinh tế Singapore vẫn duy trì tiến trình phục hồi, nhưng tăng trưởng GDP toàn diện được cho là sẽ chậm lại, đạt 4,9% trong nửa đầu năm nay tính trên cơ sở hàng năm. Lĩnh vực sản xuất vốn phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài đối với các linh kiện điện tử chủ yếu và chất bán dẫn được sản xuất tại đây được dự kiến cũng sẽ có sự điều tiết nhẹ. 

Trong khi đó, nhu cầu toàn cầu đối với các bộ phận và linh kiện điện tử cao cấp sẽ vẫn mạnh mẽ do việc thế giới tiếp tục áp dụng mạng 5G, Wifi 6, cũng như sự phổ biến không ngừng của trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật và xe điện. Cho đến nay, hoạt động xuất khẩu những sản phẩm này vẫn liên tục tăng trưởng kể từ tháng 12/2020. 

Dữ liệu Doanh nghiệp Singapore mới được công bố cho thấy tăng trưởng xuất khẩu phi dầu mỏ trong nước (NODX) trong tháng Sáu của nước này đạt 15,9%, cao hơn so với mức 8,6% của tháng Năm. NODX điện tử tăng 25,5%, sau khi đạt mức tăng trưởng 11% hồi tháng Năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục