Kinh tế số của Đông Nam Á dự kiến chạm mốc 300 tỷ USD vào năm 2025

19:27' - 03/10/2019
BNEWS Theo báo cáo mới nhất vừa được Google, Temasek cùng với đối tác mới Bain & Company công bố, nền kinh tế số của khu vực Đông Nam Á được dự đoán sẽ đạt 300 tỷ USD vào năm 2025.
Mảng taxi công nghệ của Grab tăng trưởng mạnh trong khu vực Đông Nam Á. Ảnh minh hoạ: AFP/ TTXVN

Theo báo cáo mới nhất về Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 vừa được Google, Temasek cùng với đối tác mới Bain & Company công bố ngày 3/10, nền kinh tế số của khu vực này được dự đoán sẽ đạt 300 tỷ USD vào năm 2025.

Cũng theo báo cáo trên, để đạt được mục tiêu đó, kinh tế số của Đông Nam Á được dự đoán sẽ tăng trưởng 200% trong 5 năm tới từ mức ước tính 100 tỷ USD trong năm nay.

Báo cáo thường niên nói trên đã nâng triển vọng năm 2025 của nền kinh tế số Đông Nam Á từ mức dự báo 240 tỷ USD được đưa ra trước đó, sau khi khu vực kinh tế này đã tăng trưởng gấp ba lần chỉ trong bốn năm qua, khi người dùng Internet có xu hướng sử dụng điện thoại để làm mọi việc, từ các thao tác với tài khoản ngân hàng đến chơi điện tử và mua vé máy bay.

Báo cáo cho biết tốc độ tăng trưởng này đã vượt qua mọi dự đoán, và phần lớn người dân đều có khả năng tiếp cận với Internet, cũng như lòng tin của người tiêu dùng với các dịch vụ số đã cải thiện đáng kể.

Hơn 37 tỷ USD đã được đầu tư vào các công ty trực tuyến của Đông Nam Á trong bốn năm qua, phần lớn trong số đó được “bơm” vào các công ty thương mại điện tử như nhà bán lẻ thời trang Zilingo và các startup “kỳ lân” trong mảng gọi xe như Grab và Go-Jek.

Chỉ riêng mảng dịch vụ gọi xe đã có giá trị 13 tỷ USD, gấp bốn lần con số năm 2015 và được dự đoán sẽ đạt 40 tỷ USD vào năm 2025.

Với hai "đầu tàu" Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong 7 thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của khu vực, Việt Nam trở thành thị trường đón nhận nguồn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực, với 600 triệu USD đầu tư từ năm 2018 đến nửa đầu năm 2019. Số lượng các thương vụ đầu tư ít hơn, nhưng giá trị cao hơn trong năm 2019.

Một số thương vụ đầu tư vào MoMo, Sendo, Topica từ các nhà đầu tư quốc tế góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến của các đầu tư.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 5%/năm kể từ năm 2014 của Đông Nam Á đã khiến khu vực này vượt xa mức trung bình của thế giới và trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nhiều bởi căng thẳng thương mại với Mỹ.

Bên cạnh đó, số người dùng Internet ở các quốc gia có tên trong báo cáo, bao gồm Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Singapore và Philippines, đã tăng từ 260 triệu người bốn năm trước lên 360 triệu người.

Trong đó, năm 2019, Việt Nam có 61 triệu người dùng Internet, trung bình người Việt dành 3 giờ 12 phút sử dụng Internet trên thiết bị di động như điện thoại thông minh (smartphone), nhưng chỉ 1 trong 5 doanh nghiệp vừa và nhỏ có sự hiện diện trực tuyến.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “cơn gió ngược” đối với đà tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế số ở khu vực Đông Nam Á, trong đó rõ nét nhất là các nguy cơ đến từ các quy định và tình trạng thiếu lao động chất lượng cao.

Cơ quan Quản lý cạnh tranh của Malaysia ngày 3/10 đã đề xuất mức phạt hơn 86 triệu ringgit (20,53 triệu USD) đối với Grab vì vi phạm luật cạnh tranh của nước này khi áp dụng các điều khoản hạn chế các tài xế taxi.

Grab có một tháng để kháng cáo trước khi phán quyết cuối cùng được đưa ra. Trong khi đó, Singapore trong tuần này đã thi hành một điều luật yêu cầu các trang mạng xã hội như Facebook và Twitter cải chính hoặc dỡ bỏ các thông tin mà chính phủ cho là sai.

Nền kinh tế số cũng đang “vật lộn” với sự thiếu hụt lao động, khi nhu cầu đối với nhân lực công nghệ chất lượng cao vượt xa nguồn cung. Kể cả Singapore, nước vốn có giới hạn chặt chẽ đối với lao động nước ngoài, cũng cho biết sẽ chiêu mộ nhân tài từ các nước khác trong nỗ lực nhằm thúc đẩy nền kinh tế số./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục