Tận dụng lợi thế từ hội nhập và kinh tế số để đẩy mạnh xuất khẩu

15:07' - 27/08/2019
BNEWS Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã giúp Việt Nam mở rộng phạm vi thị trường thương mại hàng hóa đến hầu hết các khu vực kinh tế lớn trên thế giới.

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và các ứng dụng công nghệ mới đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu nhưng muốn khai thác được những tiềm năng đó, doanh nghiệp phải chủ động xây dựng chiến lược chinh phục thị trường phù hợp.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn xuất khẩu 2019 chủ đề “Nâng cao hiệu quả xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập và xu hướng kinh tế số” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức sáng 27/8.

*Đổi mới phương thức xúc tiến thương mại

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC cho biết, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã giúp Việt Nam mở rộng phạm vi thị trường thương mại hàng hóa đến hầu hết các khu vực kinh tế lớn trên thế giới. Trong bối cảnh đó, các giải pháp nâng cao hiệu quả xuất khẩu cần theo hướng gắn kết mặt hàng xuất khẩu và thị trường, tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế.

Tp. Hồ Chí Minh không chỉ là xuất khẩu hàng hóa mà còn xuất khẩu cả các sản phẩm dịch vụ, công nghệ có giá trị cao. Ảnh minh họa: TTXVN
Người tiêu dùng thế giới ngày càng kết nối nhiều hơn qua thiết bị di động để mua sắm xuyên quốc gia một cách dễ dàng. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, sự chuyển dịch của các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á do bị đánh thuế cao mang lại tiềm năng lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Song song đó, Việt Nam còn nhiều dư địa chưa khai thác hết từ các FTA đang có, trong khi người tiêu dùng thế giới ngày càng kết nối nhiều hơn, đặc biệt thông qua thiết bị di động để mua sắm xuyên quốc gia một cách dễ dàng.

Để khai thác hiệu quả các xu hướng thương mại trên, doanh nghiệp phải xác định được thị trường mục tiêu phù hợp với sản phẩm thế mạnh của mình; trong đó, châu Á, Mỹ và châu Âu là những thị trường tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Châu Á chiếm 60% dân số thế giới, là thị trường tiềm năng. Khi xuất khẩu vào châu Á, doanh nghiệp chú ý ở các nước phát triển, cần tập trung vào nhóm người cao niên, trong khi ở các nước đang phát triển, nhóm người trẻ tuổi lại là nhóm đối tượng tiêu dùng chủ yếu.

Với cuộc sống bận rộn hơn, người tiêu dùng châu Á quan trọng sự tiện lợi hơn. Đây là cơ hội cho các sản phẩm, dịch vụ giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn như dịch vụ vệ sinh nhà cửa, sản phẩm đa chức năng, sản phẩm có hiệu quả nhanh, bữa ăn nhanh tại nhà, sản phẩm tích hợp. Các kênh mua sắm tiện lợi dễ tiếp cận nhanh chóng liên tục tăng trưởng cao hơn so với tổng thị trường hàng tiêu dùng nhanh ở châu Á.

Châu Á cũng là khu vực ưu tiên cho di động với lượng người dùng tương tác cao, vì vậy châu Á là cái nôi phát triển thương mại điện tử hiện nay và sẽ còn tiếp tục tăng tốc. Với xu hướng mua sắm đa kênh, doanh nghiệp cần nghiên cứu tăng cường phối hợp giữa các mô hình truyền thống và trực tuyến; các mô hình bán lẻ mới.

Ở Mỹ và châu Âu, phần lớn người tiêu dùng rơi vào nhóm lớn tuổi, có ý thức cao về sức khỏe, chế độ dinh dưỡng thay đổi ít đường và nhiều đạm là những thị trường lớn cho sản phẩm hữu cơ (organic); trong đó Mỹ chiếm gần 50% thị phần. Người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu có khuynh hướng chọn các sản phẩm giá thấp, tuy nhiên họ cũng sẵn sàng chi cho các mặt hàng cao cấp nếu giá trị mang lại tương xứng.

Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu, ông Trần Tấn Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê Hello5 cho rằng, thị trường thế giới rất lớn và có rất ít doanh nghiệp đủ sức để chi phối thị trường vì vậy muốn đạt được hiệu quả trong xuất khẩu, doanh nghiệp phải lựa chọn thị trường mục tiêu phù hợp với thế mạnh sản phẩm của mình.

Tiếp đến, doanh nghiệp cần tận dụng triệt để các kênh bán hàng nhằm phủ sóng đến mọi đối tượng tiềm năng, đặc biệt là nắm bắt xu hướng thương mại điện tử đang bùng nổ ở nhiều nước châu Á. Quan trọng nhất là không có thị trường hay xu hướng nào tồn tại mãi mãi vì vậy doanh nghiệp phải liên tục sáng tạo, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, có giá trị cao hơn mới có thể cạnh tranh tốt hơn.

Với việc phát triển bùng nổ của ứng dụng mua sắm trực tuyến và sàn thương mại điện tử, các chuyên gia khuyến nghị, tích hợp thương mại trực tuyến và thương mại truyền thống để nâng cao trải nghiệm mua hàng là cần thiết.

Thế nhưng cần xác định, trực tuyến sẽ không thay thế hoàn toàn cho những trải nghiệm thật bởi đa phần người tiêu dùng vẫn muốn cảm nhận trực tiếp, thực tế hơn. Do đó, các doanh nghiệp “thông minh” đang quay trở lại những điều cốt lõi, tập trung vào trải nghiệm thực tế và tận dụng kỹ thuật số để mang lại cho người tiêu dùng những trải nghiệm tốt hơn.

Ngoài ra, khi hướng tới thị tường toàn cầu, doanh nghiệp cũng cần nhạy bén với những xu hướng phản ứng nhiều hơn trước những vấn đề xã hội như rác thải, trái đất nóng lên, ô nhiễm môi trường để tập trung phát triển các sản phẩm mang lại giá trị bền vững./.

Xem thêm:

>>Động lực mới với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm

>>Danh sách thương nhân được cấp phép xuất khẩu gạo theo Nghị định 107

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục