Kinh tế số thay đổi tư duy doanh nghiệp Ninh Bình

12:01' - 08/11/2023
BNEWS UBND tỉnh Ninh Bình cùng các cấp ủy Đảng đang thúc đẩy phong trào chuyển đổi số trong cộng đồng người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn.

Thực hiện Chiến lược quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Bình cùng các cấp ủy Đảng đang thúc đẩy phong trào chuyển đổi số trong cộng đồng người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn. 

Ghi nhận sự hưởng ứng của cộng đồng với phong trào này, ông Mai Quang Kìn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, tiêu thụ cây con đặc sản an toàn Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình cho hay: Việc tham gia sàn giao dịch điện tử Postmart.vn để giới thiệu quảng bá sản phẩm, kết nối với khách hàng, đồng thời để doanh nghiệp, hợp tác xã học hỏi về trang trí, thiết kế bao bì sản phẩm; tiếp cận được nhiều thị trường trong cả nước...Đó là lợi ích từ việc ứng dụng công nghệ số hóa mà doanh nghiệp nhận được. 

Từ khi bán hàng trên sàn giao dịch điện tử, doanh thu bán hàng của Hợp tác xã Sản xuất, tiêu thụ cây con đặc sản an toàn Yên Hòa đã cao hơn so với trước. Trung bình 1 năm, hợp tác xã bán khoảng 15-20 nghìn sản phẩm cá chạch sụn kho niêu, thu nhập hơn 1 tỷ đồng.

Ông Hoàng Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hòa, huyện Yên Mô cho biết: Trước đây, người dân xã Yên Hòa không biết đến việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử, trên các trang mạng xã hội. Từ năm 2020, xã Yên Hòa được lựa chọn triển khai thí điểm chuyển đổi số trên 3 lĩnh vực: chính quyền số, xã hội số, kinh tế số. Qua thực hiện kinh tế số, cùng sự hỗ trợ của tổ công nghệ số cộng đồng đã giúp người dân trên địa bàn thay đổi nhận thức về cách thức bán hàng, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm.

Các sản phẩm khi được đưa lên sàn giao dịch điện tử, được thiết kế thêm bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc. Từ đó, sản phẩm được nhiều người biết đến hơn; số lượng hàng hóa bán được nhiều hơn qua sàn thương mại điện tử, website, các nhóm bán hàng trên zalo, facebook... 

Hiện khá nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến các mặt hàng đặc trưng của xã Yên Hòa, như cá chạch sụn kho niêu, đông lạnh, sấy khô; chuối tây sấy dẻo... Từ khi thực hiện chuyển đổi số, ước tính thu nhập tăng gấp 3 lần so với trước đây. 

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn, bám sát chỉ đạo của Trung ương, tỉnh luôn xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây cũng là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính minh bạch trong hoạt động của các cấp chính quyền.

Tỉnh Ninh Bình đã sớm ban hành Nghị quyết, Kế hoạch xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh tập trung tiến hành chuyển đổi số đồng bộ trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Quá trình chuyển đổi số đã được tỉnh triển khai đồng bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cũng đã được chú trọng đầu tư. Nhiều ứng dụng, nền tảng số trọng yếu của tỉnh được xây dựng, khai thác, vận hành ổn định. Các ngành và địa phương trong tỉnh triển khai nghiêm túc đáp ứng mục tiêu, lộ trình đề ra. Từ đó, góp phần quan trọng hình thành chính quyền số, doanh nghiệp số và công dân số.

Mới đây, tại sự kiện Ngày hội chuyển đổi số và khai trương Cổng dữ liệu, Hệ sinh thái dữ liệu mở để triển khai các mô hình của Đề án 06 của tỉnh Ninh Bình, ông Tống Quang Thìn nhấn mạnh: đây là dịp để các cơ quan, đơn vị, địa phương và mỗi tổ chức, cá nhân cùng nhìn nhận, đánh giá và nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của chuyển đổi số. Đồng thời, thúc đẩy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp, các ngành, sự tham gia của toàn dân và đồng hành của doanh nghiệp để đảm bảo sự thành công của tiến trình chuyển đổi số.

Năm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bản lề để đẩy mạnh và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Vì vậy, các cơ quan, đơn vị và địa phương Ninh Bình xác định muốn chuyển đổi số trước hết phải chuyển đổi "nhận thức". Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số trước khi có hành động cụ thể.

Cùng đó, các địa phương phát triển hạ tầng số, nền tảng số và dữ liệu số. Đây là giải pháp thúc đẩy sự phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Xác định dữ liệu số là nguồn thông tin, tài nguyên vô giá, có dữ liệu số thì mới có chuyển đổi số.

"Với 3 trụ cột là xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, lấy người dân làm trung tâm, phát huy vai trò và sự tham gia đồng hành của doanh nghiệp trong chuyển đổi số, vai trò của cộng đồng số, công dân số, văn hóa số là hết sức quan trọng", ông Tống Quang Thìn nhấn mạnh. 

Có thể thấy, phát triển kinh tế số chính là phương thức giúp thúc đẩy phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Từ đó, hướng tới đưa Ninh Bình trở thành tỉnh thuộc Top đầu trong chuyển đổi số toàn diện của cả nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục