Kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều một cách đáng báo động

20:28' - 05/04/2021
BNEWS Kinh tế thế giới đang hướng đến đà tăng trưởng nhanh nhất trong hơn 50 năm qua trong năm nay, nhưng sự chênh lệch giữa các nước có thể cản trở kinh tế thế giới sớm đạt được mức trước dịch COVID-19.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều đang có dấu hiệu phục hồi tốt từ những ảnh hưởng của dịch bệnh.

Thế nhưng, khác với thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính năm 2008, sự phục hồi của kinh tế thế giới lần này lại không đồng đều, một phần là vì dự khác biệt trong tiến trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 và những hỗ trợ tài chính giữa các nước.

Chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng JPMorgan Chase & Co. Bruce Kasman nhấn mạnh ông chưa từng thấy một sự chênh lệch nào lớn đến vậy trong 20-25 năm qua giữa Mỹ, cũng như các nước phát triển khác, và các thị trường mới nổi.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva hồi tuần trước nhận định dù triển vọng nhìn chung đã cải thiện, nhưng giữa các nước đang có sự chênh lệch đáng báo động.

Bà nhấn mạnh không phải ai, không phải nơi nào cũng được tiếp cận vaccine, quá nhiều người vẫn đang bị mất việc làm và rơi vào nghèo đói, quá nhiều quốc gia đang rơi lại phía sau.

Kết quả là có thể phải mất nhiều năm để các nước còn lại trên thế giới phục hồi hoàn toàn từ đại dịch cùng với Mỹ và Trung Quốc.

Theo IMF, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2024 sẽ thấp hơn 3% so với mức được dự đoán trước khi đại dịch bùng phát, trong đó các nước phụ thuộc nhiều vào du lịch và dịch vụ sẽ thiệt hại nhiều nhất.

Sự chênh lệch nói trên được thể hiện trong những ước tính của Bloomberg Economics.

Theo đó, dù kinh tế thế giới được ước tính đã tăng trưởng khoảng 1,3% trong quý I năm nay so với quý trước đó, nhưng trong khi Mỹ đang phục hồi thì Pháp, Đức, Italy, Vương quốc Anh và Nhật Bản đều tăng trưởng âm. Tại các thị trường mới nổi, Brazil, Nga và Ấn Độ đều bị Trung Quốc bỏ xa.

Tuy nhiên, sự phục hồi này còn phụ thuộc nhiều vào tốc độ mà các nước triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân.

Quá trình này càng kéo dài thì nguy cơ dịch COVID-19 vẫn là mối đe dọa toàn cầu càng cao, đặc biệt khi xuất hiện các biến thể mới.

Báo cáo theo dõi tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Bloomberg’s cho thấy trong khi Mỹ đã cung cấp số liều vaccine tương đương gần 25% dân số, thì tỷ lệ này của Liên minh châu Âu (EU) còn chưa đến 10%, của Mexico, Nga và Brazil là dưới 6% và của Nhật Bản còn ít hơn 1%.

Cựu quan chức cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Nathan Sheets dự đoán Mỹ sẽ nhân các cuộc họp trực tuyến trong tuần này của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) để đưa ra lời kêu gọi hiện giờ chưa phải lúc để các nước rút lại các biện pháp hỗ trợ của mình cho nền kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục